Đã có 315 người đã rời đi khỏi xã Sơn Lôi, đến ngày 16/2, con số này còn 192 người. Theo cơ quan chức năng huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc), hàng trăm người này rời đi trước thời điểm địa phương này thực hiện việc cách ly triệt để từ hôm 13/2 để phòng virus corona lây lan (thời điểm từ 1/2 đến 13/2).
Những con số trên khiến dư luận đặc biệt quan tâm và lo lắng bởi xã Sơn Lôi đang là điểm nóng của dịch COVID-19 khi có 6/16 ca dương tính với COVID-19.
Đáng chú ý, tại xã Sơn Lôi có trường hợp một nữ công dân trở về từ Vũ Hán đã khiến nhiều người thân trong gia đình và hàng xóm nhiễm virus Corona.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phải tiến hành cách ly hoàn toàn xã Sơn Lôi với 10.641 nhân khẩu bằng 12 chốt kiểm soát để kiểm soát phòng chống dịch bệnh COVID-19 gây ra.
192 người hiện đã rời khỏi xã Sơn Lôi trong khi chính quyền hiện mới đang thống kê họ đi đâu, làm gì khiến nỗi lo lắng về nguy cơ lây lan dịch bệnh từ những người này trong dư luận không phải không có cơ sở.
Dù mới đây, theo ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, các trường hợp này không thuộc diện nghi ngờ hoặc đã tiếp xúc gần với các trường hợp dương tính Covid-19 và chỉ thuộc diện cách ly bình thường theo thời hạn 20 ngày.
Tuy nhiên, với khả năng lây lan của virus corona, chỉ cần một trường hợp không may nhiễm COVID-19 hậu quả sẽ khôn lường.
|
Đến thời điểm hiện tại 192 người dân Sơn Lôi rời khỏi địa phương mà không biết họ đi đâu, làm gì. |
Một ví dụ điển hình, mới đây xảy ra trường hợp một nam thanh niên từ vùng dịch xã Sơn Lôi đến nhà bạn gái tại tỉnh Lai Châu chơi đã khiến nhiều người trên xe khách, gia đình, hàng xóm nhà bạn gái phải cách ly để phòng chống dịch COVID-19.
Dù nam thanh niên không bị nhiễm virus corona, nhưng vụ việc cho thấy nếu 315 người rời xã Sơn Lôi thời điểm xã đang là điểm nóng của dịch bệnh thì khả năng tiếp xúc với nhiều người khác là chuyện đương nhiên và hậu quả thật khôn lường nếu một trong số đó không may nhiễm dịch.
Việc cách ly những người trở về từ vùng dịch là quy định bắt buộc của ngành y tế, không chỉ tại Việt Nam mà tại tất cả các nước trên thế giới.
Do vậy, việc tạm thời cách ly những người dân xã Sơn Lôi là biện pháp nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho chính họ và người thân, cộng đồng nếu những người này không may nhiễm bệnh.
Dù biết rằng, bị cách ly trong thời gian 20 ngày sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, cuộc sống đảo lộn. Tuy nhiên, vì sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội lẽ ra người dân phải chấp hành nghiêm các quy định về cách ly nhằm phòng, chống dịch COVID-19.
Việc người dân nắm bắt thông tin xã sẽ bị cách ly và rời khỏi xã trước thời điểm cách ly hoặc sau thời điểm cách ly cho thấy ý thức xem thường sức khỏe không chỉ của bản thân và cộng đồng xã hội.
Nếu những người rời khỏi xã Sơn Lôi không may nhiễm bệnh và giấu dịch bệnh, không khai báo quê quán, tiếp xúc nhiều người thì nguy cơ lan truyền dịch bệnh rất cao và thật khủng khiếp khi phải nghĩ về điều này.
Trong phòng chống dịch, ý thức người dân là điều quan trọng nhất. Người dân không có ý thức phòng dịch thì mọi biện pháp, cố gắng kiểm soát dịch bệnh cũng không thể phát huy được hiệu quả.
Đến thời điểm này, sau nỗ lực tuyên truyền về dịch bệnh của các cơ quan chức năng, các cơ quan truyền thông, đại đa số những người dân xã Sơn Lội đều đã hiểu được tính chất nguy hiểm của dịch Covid-19.
Đây là loại bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm thuộc Nhóm A, có khả năng lây lan rất nhanh, nguy cơ tử vong cao, chưa có vắc xin điều trị bởi vậy không chỉ có Trung Quốc. Nơi xảy ra bệnh dịch đầu tiên tuyên bố tình trạng bệnh dịch mà rất nhiều quốc gia đã công bố tình trạng dịch bệnh dịch trong đó có Việt Nam.
Như vậy, dù biết bản thân có khả năng lây nhiễm khi sinh sống trong vùng dịch nhưng những người này vẫn bất chấp rời khỏi vùng cách ly dù thời điểm chưa bị cách ly cũng là hành vi đáng lên án.
Tất nhiên với những người cố tình bỏ trốn sẽ phải có biện pháp mạnh để xử lý nhưng cũng cần xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc kiểm soát, thực hiện các biện pháp cách ly.
Nêu ý kiến về sự việc trên, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, sau khi công bố tình trạng dịch bệnh theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì việc khoanh vùng, lập lịch trở lên cần thiết, các biện pháp y tế đã được huy động và thực hiện.
Các hoạt động như: Kiểm dịch ý tế biên giới; truyền thông, giáo dục, thông tin về dịch bệnh; Vệ sinh tiêu độc, khử trùng, kiểm soát cửa khẩu, sân bay, bến cảng, kiểm soát những người đến từ vùng dịch, những người có nguy cơ mắc bệnh và những người có biểu hiện bệnh tật như kiểm tra y tế, khai báo y tế và xử lý tế được thực hiện, đặc biệt ở khu vực biên giới và những nơi có nguy cơ dịch bệnh xảy ra...
Một trong những đặc điểm khác biệt, nguy hiểm của bệnh dịch này là khả năng lây lan rất nhanh qua những giọt bắn và qua tiếp xúc trực tiếp giữa người mang mầm bệnh, người mắc bệnh và người khác.
Thời gian ủ bệnh lâu (khoảng 14 ngày) nên trước khi bị phát hiện thì người mang bệnh đã di chuyển, tiếp xúc, làm lây lan cho nhiều người.
Bởi vậy có thể nói rằng, khoanh vùng, cách ly làm biện pháp quan trọng và hữu hiệu nhất để khống chế, kiểm soát dịch bệnh này.
Trong trường hợp không khoanh vùng được hoặc không hiệu quả, biện pháp cách ly thực hiện không triệt để thì dịch bệnh này sẽ lây lan nhanh chóng ra cộng đồng, khó kiểm soát và tình hình sẽ ngày càng phức tạp hơn.
>>> Mời độc giả xem video Vĩnh Phúc cách ly hoàn toàn xã Sơn Lôi:
Việc chậm khai báo về thông tin dịch bệnh, khai báo gian dối về thông tin dịch bệnh hoặc những hành vi trốn tránh khỏi khu cách ly tiếp tục di chuyển, tiếp xúc với những người khác, ở khu vực khác là những hành vi đáng trách, thậm chí đáng lên án. Những người vi phạm các quy định về vệ sinh phòng dịch, cách ly, khai báo y tế, kiểm tra y tế, xử lý tế mà mắc bệnh thì sẽ lây lan bệnh này cho người thân trong gia đình, cho bạn bè, họ hàng của mình, lây lan cho các cán bộ y tế và những người khác trong cộng đồng. Người nào biết là mình có khả năng mang bệnh hoặc biết là mình bị bệnh mà cố tình lấy lan cho người khác thì đây là tội phạm, sẽ bị áp dụng các chế tài nghiêm minh của pháp luật.
Dưới góc độ đạo đức, trách nhiệm của công dân trong cộng đồng, hành vi không tuân thủ các quy định của pháp luật về việc phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm này là hành vi đáng chê trách, đáng lên án. Những người sống trong vùng dịch, có nguy cơ mắc bệnh hơn lúc nào hết, nâng cao ý thức, lòng tự trọng, biết quý trọng tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác. Mọi hành vi không chấp hành mệnh lệnh kiểm tra y tế, khai báo y tế, xử lý y tế, không tuân thủ quy định về cách ly sẽ gây hiểm họa khôn lường cho xã hội.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, dịch bệnh COVID -19 gây ra thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo Điểm a Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007. Căn cứ vào Điểm b Khoản 2 Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Như vậy, người nào trốn khỏi khu vực cách ly dịch COVID-19 sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Đồng thời theo Khoản 3 Điều 10 Nghị định 176/2013, buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo đúng quy định của pháp luật.
Trong trường hợp người mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như COVID-19 mà cố ý lây lan bệnh truyền nhiễm cho người khác, trốn đi khỏi nơi cách ly làm lây lan bệnh truyền nhiễm cho người khác thì người vi phạm quy định về cách ly còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người với mức phạt từ 50.000.000 đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Nếu hành vi vi phạm dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Bộ trưởng Y tế hoặc làm chết người, hình phạt là từ 5 đến 10 năm tù...
Mới đây, để thực hiện nghiêm việc cách ly người nghi nhiễm Covid-19 (nCoV), tránh việc tự ý rời khỏi nơi cách ly trái quy định về phòng, chống dịch, tại văn bản 1145/VPCP-KGVX vừa ban hành, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tăng cường kiểm soát đối với đối tượng cách ly bảo đảm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ TT&TT đẩy mạnh việc đưa tin lên án những trường hợp không chấp hành các giải pháp của Thủ tướng đã chỉ đạo, nhất là tự ý rời khỏi nơi cách ly.