Dạo quanh các trang thông tin điện tử về nhà đất với từ khóa "bán khách sạn ở Hội An", nhà đầu tư "hoa mắt" với hàng chục, thậm chí là hàng trăm tin nhà hàng, khách sạn, biệt thự du lịch đang được rao bán. Đáng chú ý, nằm trên top đầu của các trang bất động sản là loạt khách sạn, resort 4-5 sao được rao bán công khai với giá vài trăm tỷ đồng.
|
Loạt resort, khách sạn 4-5 sao tại Hội An được rao bán với giá vài trăm tỷ đồng. |
Một môi giới bất động sản tên Minh cho biết, anh nắm trong tay danh sách vài chục khách sạn 3-5 sao tại Hội An đang cần chuyển nhượng, nhưng khách hỏi thăm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều khách sạn đã được rao bán cả năm nay, nhưng chưa tìm được khách mua.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã rao bán gần 400 quyền sử dụng đất tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, TP Hội An (Quảng Nam), TP Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa... Đây đều là các tài sản đảm bảo cần xử lý để thu hồi nợ của ngân hàng này.
Trong số này, có nhiều bất động sản là biệt thự, khách sạn, nhà hàng tại các thành phố du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Hội An được rao bán thông qua hình thức đấu giá hoặc bán thỏa thuận.
Riêng tại TP Hội An, VietinBank thông báo cần xử lý gần 40 bất động sản, chủ yếu là các khách sạn 3-4 hoặc 5 sao, resort, nhà hàng với giá trị từ vài chục tỉ đồng đến hàng trăm tỉ đồng.
|
Danh sách khách sạn 3-5 sao tại Hội An đang được Vietinbank rao bán. |
Có thể kể đến, một bất động sản gồm quyền sử dụng đất và khách sạn 4 sao có diện tích hơn 1.800 m2, tổng số phòng lên tới 104, cần xử lý với giá khởi điểm 420 tỉ đồng; một khách sạn 4 sao khác diện tích hơn 9.000 m2 với 98 phòng cũng rao bán hơn 400 tỉ đồng; hay lô đất diện tích 1.786 m2, là khách sạn có công suất 137 phòng đang được rao bán với giá 365 tỷ đồng…
Nằm trong nhóm khách sạn được VietinBank rao bán hơn 'trăm tỷ" còn có nhiều khách sạn 3-4 sao khác tại Hội An như: khách sạn 4 sao công suất 55 phòng trên phần diện tích đất 1.032 m2 giá 120 tỷ; khách sạn 4 sao công suất 137 phòng trên diện tích đất 1.737 m2 giá 240 tỷ; khách sạn 4 sao công suất 95 phòng trên phần đất 1.757 m2 giá 260 tỷ đồng...
|
Một khu biệt thự du lịch tại Hội An được Vietinbank tổ chức bán đấu giá. |
Vietinbank - Chi nhánh Hội An cho biết, ngân hàng đang phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh tài chính và giá cả Quảng Nam tổ chức bán đấu giá nhiều khách sạn tại thành phố di sản. Một trong số các tài sản nhà băng này sắp tổ chức đấu giá là quyền sử dụng đất và biệt thự du lịch tại Khối Tu Lễ, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An. Khu biệt thự có diện tích 686,7 m2 đất thương mại, dịch vụ; diện tích xây dựng: 309,38 m2; diện tích sàn: 1.096,91 m2 được ngân hàng rao bán với giá khởi điểm hơn 100 tỷ đồng. Hiện khu villa này vẫn chưa tìm được chủ mới dù đã qua vài lần đấu giá.
Tại Đà Nẵng, tình hình cũng chẳng khá hơn. Nhiều nhà hàng, khách sạn, resort cũng đang tạm dừng hoạt động hoặc treo biển sang nhượng ngay mùa cao điểm. Làn sóng "bán tháo" khách sạn từ cao cấp đến bình dân diễn ra hơn một năm nay tại thành phố du lịch nổi tiếng này.
|
Một khách sạn 4 sao trên con đường tỷ đô - Võ Nguyên Giáp, TP. Đà Nẵng đang đóng cửa ngay mùa cao điểm du lịch. |
Anh Quân, chủ một khách sạn trên đường Nguyễn Tất Thành cho biết, giai đoạn 2019 trở về trước, cứ vào dịp hè là biển Đà Nẵng đông nghịt du khách, khách sạn bình dân của anh luôn kín phòng, nhân viên làm không hết việc. Nhưng khi dịch COVID-19 quét qua, lượng khách đến Đà Nẵng giảm mạnh, nhiều khách sạn không "gồng" được nên buộc phải đóng cửa, bán hoặc cho thuê để cắt lỗ, trả lãi ngân hàng.
"Đợt pháo hoa vừa rồi, khách tới nhiều hơn, nhưng vẫn chưa bằng thời điểm trước dịch. Khách sạn của tôi vẫn đang hoạt động cầm chừng, không dám tuyển thêm nhân viên vì sợ qua dịp hè này là hết khách.", anh Quân chia sẻ.
Nhiều nhân viên môi giới bất động sản cho hay, nguyên nhân khiến hàng loạt khách sạn bị rao bán là do nguồn khách ít, chi phí vận hành bỏ ra nhiều, không đảm bảo trang trải các khoản vay nên chủ khách sạn đành bán tháo để cắt lỗ.
"Không chỉ thiếu vắng khách quốc tế mà cả khách nội địa cũng tiết kiệm chi tiêu, giảm đi du lịch so với trước. Sau dịch COVID-19 là đến khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và khó khăn của kinh tế trong nước từ cuối năm ngoái đến nay khiến nhiều doanh nghiệp không trụ nổi, phải âm thầm thanh lý, rao bán hoặc bị phát mại tài sản.", một chuyên gia nhận định.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cận cảnh khách sạn "khủng" xâm phạm thắng cảnh quốc gia Bàu Trắng: