Tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng trên đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn khiến 3 người tử vong ngày 18/2 và trước đó một vụ khác xảy ra tại cao tốc La Sơn - Túy Loan ngày 23/1, cho thấy nhiều bất cập, thiếu đồng bộ trong công tác đảm bảo giao thông các tuyến cao tốc đặc thù 2 làn xe, cũng như các dự án cao tốc phân kỳ đầu tư.
Trao đổi với Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải - cho rằng, bên cạnh ý thức người điều khiển phương tiện, cũng cần xem xét các yếu tố liên quan hạ tầng giao thông.
|
Hiện trường vụ tai nạn giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. |
Nhiều bất cập cao tốc phân kỳ đầu tư
Từ vụ TNGT trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế làm 3 người tử vong, một số ý kiến cho rằng, có một phần nguyên nhân do tuyến đường chưa đạt tiêu chuẩn cao tốc và không đảm bảo an toàn, ông đánh giá thế nào?
Thông tin từ các cơ quan chức năng cho thấy, vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đoạn qua huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), làm 3 người tử vong, nguyên nhân ban đầu do tài xế điều khiển phương tiện mang biển kiểm soát 36A-485.67 vượt ẩu làn trong, va chạm với ôtô biển kiểm soát 63H-005.68 điều khiển theo hướng Quảng Trị - Đà Nẵng, khiến ôtô con lao xuống vực bên phải.
Tai nạn xảy ra có nhiều nguyên nhân như ý thức lái xe, kỹ năng lái xe, vấn đề đảm bảo tuân thủ Luật Giao thông, thời tiết, chất lượng phương tiện… Hạ tầng giao thông nếu không tốt, không đảm bảo tiêu chuẩn, cũng sẽ là vấn đề cơ bản dẫn đến tai nạn.
Tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài hơn 98 km, được đưa vào khai thác cuối năm 2022, với quy mô 2 làn xe, không có dải phân cách cứng, trừ một số đoạn cho phép vượt được mở rộng 4 làn xe. Trung bình 5-8 km có một đoạn làm thành 2 làn xe chạy để cho phép các xe vượt lên (kéo dài khoảng 1,5-2 km). Tuy nhiên, thời gian qua, một số đoạn, tuyến chưa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn đường cao tốc ngay từ khi xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng như: Không có dải phân cách cứng, không có làn dừng xe khẩn cấp hoặc có nhưng chưa bảo đảm bề rộng tiêu chuẩn, không đảm bảo hệ thống chiếu sáng ban đêm, tầm nhìn hạn chế…
Vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn cũng cho thấy, cần phải xem lại việc làm những tuyến cao tốc chưa đủ tiêu chuẩn. Bởi, gọi là cao tốc, nhưng chỉ có 2 làn đường, chỗ thì 4 làn đường, tạo bức xúc cho lái xe khi muốn tăng tốc, vượt cũng không được.
|
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải.
|
Thực tế không chỉ Cam Lộ - La Sơn, có đến 5 dự án cao tốc phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 hiện mới có 2 làn xe như La Sơn - Túy Loan, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình. Bên cạnh đó, 8 dự án cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 1 cùng 2 dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ hiện có 4 làn xe hạn chế, không có làn dừng khẩn cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn?
Tôi cho rằng, không nên khuyến khích làm những tuyến đường gọi là cao tốc, nhưng chỉ có 2 làn đường, bởi đã là cao tốc phải có 4 làn đường trở lên, mặt cắt 8 m. Thực tế cho thấy, nhiều bất cập liên quan dự án cao tốc được đầu tư phân kỳ quy mô hai hoặc bốn làn xe hạn chế, như đường hẹp, thiếu làn dừng khẩn cấp, không có dải phân cách, trạm dừng nghỉ và camera giám sát...Lâu nay, chúng ta khuyến khích làm cao tốc, hết cao tốc này đến cao tốc khác, thực hiện mục tiêu 2.000, 3.000 rồi 5.000 km cao tốc.
Việc khuyến khích tăng thời gian, tiến độ nhưng lại không nhìn vào thực tiễn. Trên thế giới, họ rất ít làm cao tốc như vậy. Ở Mỹ, cao tốc 8 đến 10 làn xe. Biết rằng, do kinh tế chúng ta còn khó khăn, nhưng không nên xây dựng những tuyến cao tốc mang tính biểu tượng, tức là cao tốc nhưng không đủ tiêu chuẩn.
Hiện nhiều đường cao tốc ở nước ta, trong đó không ít đoạn tuyến thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã phải đầu tư xây dựng không đạt đúng chuẩn cao tốc, cụ thể là chỉ xây được 2 làn. Do nguồn vốn phân bổ không đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư, hạ tầng đường cao tốc còn bất cập như đường quá hẹp, không có làn khẩn cấp… nên hàng loạt đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam mới được đưa vào khai thác bị giới hạn tốc độ, không thể gọi là cao tốc. Vì thế, đầu tư cao tốc phải đồng bộ luôn, đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn ngay từ đầu, tránh vừa đưa vào khai thác được vài năm đã phải nâng cấp, mở rộng, chắp vá và tốn kém.
Bộ trưởng GTVT chỉ đạo khắc phục bất cập trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Ngày 20/2, chủ trì cuộc họp thực hiện triển khai khắc phục hậu quả vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu, trước mắt, cần xác định ngay các công việc phải làm, đảm bảo vừa khai thác tốt vừa hạn chế tai nạn cho đến lúc tuyến đường được mở rộng theo quy hoạch. Trong đó, tổ chức giao thông tuyến đường khoa học, đảm bảo an toàn là vấn đề quan trọng.
Bộ trưởng giao Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì cùng Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ tuyến đường; khắc phục ngay bất cập để đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông. Cục Đường cao tốc rà soát những vấn đề hạ tầng kỹ thuật liên quan, đơn cử việc đề nghị các đơn vị viễn thông phủ sóng di động dọc tuyến.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ yêu cầu các đơn vị triển khai nhanh nhất có thể công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 mở rộng tuyến cao tốc để báo cáo các cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí vốn.
Giải pháp khắc phục thế nào?
Theo chuyên gia, giải pháp khắc phục bất cập trên các tuyến cao tốc phân kỳ mới có 2 làn đường thế nào?
Từ bài học vụ tai nạn trên, với những bất cập tại các tuyến cao tốc 2 làn đường hay dự án cao tốc bốn làn hạn chế, chúng ta phải khắc phục bằng cách không khuyến khích làm 2 làn, đầu tư các cao tốc 2 làn thành 4 làn. Đồng thời, cao tốc phải đảm bảo các hốc tránh nạn, làn đường khẩn cấp, những tuyến rẽ, điểm giao cắt phải đảm bảo…
Theo tôi, Bộ Giao thông Vận tải cần phải có Hội đồng và cho thanh tra, kiểm tra những tuyến đường cao tốc trước khi đưa vào khai thác phải đáp ứng đủ điều kiện. Xây dựng các tuyến cao tốc phải nghiêm túc, thể hiện chất lượng là chính chứ không phải mục tiêu là bao nhiêu km.
Tôi cũng cho rằng, chiến lược giao thông hiện nay chỉ chú ý đường bộ mà ít quan tâm đường sắt và đường thủy. Nếu khai thác tốt đường sắt, lượng hàng hóa và hành khách qua đường sắt nhiều khoảng 20% đến 30% sẽ giảm tải cho đường bộ.
Đường bộ là nơi tập trung nhiều TNGT nhất, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả nước trên thế giới. Do đó, ngoài nâng cấp các tuyến cao tốc, chiến lược giao thông cần quan tâm hơn nữa đến đường sắt, tập trung đầu tư cho đường sắt nhiều hơn nữa. Bởi vì, đường sắt luôn là yết hầu giao thông của mỗi quốc gia.
Xin cảm ơn chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy!
Đẩy nhanh nâng cấp các tuyến cao tốc đầu tư phân kỳ
Trong công điện số 16 ngày 21/2 về đẩy nhanh nghiên cứu, triển khai đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Giao thông Vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu ngay các giải pháp tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, hiệu quả và kiểm soát tốt nhất hoạt động giao thông để bảo đảm an toàn trên các tuyến đường bộ cao tốc quy mô phân kỳ.
Khẩn trương nghiên cứu phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã được đầu tư phân kỳ đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế, nhu cầu vận tải theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, trong đó tập trung đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe.
Bộ trưởng GTVT phối hợp Bộ trưởng KH&CN chỉ đạo xây dựng, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường ô tô cao tốc trong Quý I năm 2024; Khẩn trương tổ chức nghiệm thu, quyết toán các dự án đầu tư đường bộ cao tốc có quy mô phân kỳ theo quy định để sớm đầu tư, nâng cấp lên quy mô cao tốc hoàn chỉnh theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đường bộ cao tốc.
Lãnh đạo các địa phương đề xuất phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã và đang đầu tư theo quy mô phân kỳ; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VEC khẩn trương nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang quản lý khai thác theo quy mô phân kỳ. Bộ trưởng KH&ĐT chủ động, phối hợp Bộ trưởng GTVT, Bộ trưởng Tài chính và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề xuất bố trí nguồn vốn sớm thực hiện đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác theo quy mô phân kỳ.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).