Hai người đổ thuốc sâu xuống sông để bắt cá: Có xử lý hình sự?

Google News

Hiện vụ hai người đổ thuốc sâu xuống sông Đồng Nai để bắt cá đang khiến dư luận phẫn nộ. Nhiều độc giả đặt câu hỏi, 2 người này sẽ bị xử lý thế nào?

Ngày 11/4, Đội Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh Đồng Nai) đang lập hồ sơ xử lý hai đối tượng gồm: L.Đ.P (38 tuổi) và N.H.D (33 tuổi, cùng ngụ thành phố Biên Hòa) để điều tra về hành vi đổ thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai để đánh bắt thủy sản. 
Hai nguoi do thuoc sau xuong song de bat ca: Co xu ly hinh su?
 Hai người đàn ông tại cơ quan Công an.
Trước đó, vào 00h30, ngày 10/4, Đội Cảnh sát đường thủy làm nhiệm vụ tuần tra trên tuyến sông Đồng Nai, khi đi đến khu vực Vàm Cái Sứt, thuộc xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa đã phát hiện và bắt quả tang 2 đối tượng trên đang vớt tôm, cá (nghi bị nhiễm thuốc trừ sâu). Thấy công an, P đã vứt bỏ vỏ chai thuốc trừ sâu (nhãn hiệu Sanpen alpha) xuống sông Đồng Nai để phi tang. Tuy nhiên, các đối tượng đã bị lực lượng công an bắt giữ. Tại hiện trường, lực lượng công an thu giữ một xuồng gỗ; một vỏ lãi; khoảng 3kg tôm cá các loại, hai bình ắc quy, hai bộ kích điện, hai vợt vớt cá. Qua làm việc, P. và D. khai nhận sử dụng thuốc trừ sâu đổ xuống sông để đánh bắt tôm cá.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi của hai đối tượng này là hết sức nguy hiểm, có thể hủy hoại nguồn lợi thủy sản, gây ô nhiễm môi trường, đầu độc nguồn nước và có thể gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của con người và vật nuôi. Bởi vậy, việc cơ quan chức năng tạm giữ các đối tượng này để xem xét xử lý là cần thiết em răn đe, phòng ngừa, giáo dục và xử lý bằng chế tài của pháp luật.
Hai nguoi do thuoc sau xuong song de bat ca: Co xu ly hinh su?-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 
Luật sư Cường cho biết, những hành vi dùng chất nổ, chất phóng xạ, chất độc, điện để thực hiện hành vi đánh bắt thuỷ hải sản là vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi nguy hiểm này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp hành vi đổ thuốc sâu xuống dòng sông gây thiệt hại đến nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng trở lên thì người thực hiện hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 242 Bộ luật Hình sự. Trường hợp hành vi sử dụng thuốc trừ sâu đánh bắt thủy sản mà gây ngộ độc cho con người, dẫn đến tổn hại đến tính mạng sức khỏe của người tiêu dùng thì người thực hiện hành vi có thể bị xử lý hình sự về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích với lỗi cố ý gián tiếp.
Một người bình thường sẽ nhận thức được rằng thủy hải sản ăn phải chất độc mà sau đó đưa cho người khác sử dụng thì có thể gây tổn hại đến tính mạng sức khỏe, nếu nhận thức được hành vi của mình như vậy nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi đưa thức ăn, cá tôm nhiễm độc cho người khác sử dụng mà gây tổn hại đến tính mạng sức khỏe của nạn nhân thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ hành vi đầu độc dòng sông để bắt cá tôm được thực hiện như thế nào, đã thực hiện bao lâu và đã gây hậu quả như thế nào đối với nguồn lợi thủy sản, với tính mạng sức khỏe của người tiêu dùng để xem xét xử lý những người này theo quy định của pháp luật. Ngoài chế tài xử lý thì cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền vận động, giáo dục thuyết phục để người dân từ bỏ cách đánh bắt cá gây tổn hại đến nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến môi trường sống và đe dọa đến tính mạng sức khỏe của người dân, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra. Những trường hợp cố tình vi phạm thì cần phải phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật để đảm bảo bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xử lý với các đối tượng coi thường pháp luật, coi thường tính mạng sức khỏe của người tiêu dùng và cố ý gây bộ nhiễm môi trường, hủy hoại nguồn lợi thủy sản", luật sư Cường bày tỏ.
Điều 242. Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản
1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản;
b) Khai thác thủy sản trong khu vực cấm hoặc trong khu vực cấm có thời hạn;
c) Khai thác loài thủy sản bị cấm khai thác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 244 của Bộ luật này;
d) Phá hoại nơi cư ngụ của loài thủy sản thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Vi phạm quy định khác của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 05 năm:
a) Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Làm chết người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản 1.500.000.000 đồng trở lên hoặc thủy sản thu được trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
>>> Xem thêm video: Đầu độc chị họ bằng trà sữa vì yêu anh rể, 1 người tử vong

Nguồn: ĐTHĐT.

Gia Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)