Đầu năm 2024, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng cơ chế giá điện 2 thành phần, gồm giá công suất và điện năng. EVN cũng được giao đề xuất lộ trình, những khách hàng áp dụng cơ chế bán điện này. EVN đang báo cáo Bộ Công Thương để sớm thí điểm các cơ chế giá điện hai thành phần trong năm nay, trước khi triển khai diện rộng từ năm 2025.
Trao đổi với Tri thức và Cuộc sống, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, cho rằng, giá điện 2 thành phần sẽ góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng điện có hiệu quả, từ đó nâng cao hiệu số phụ tải, tiết kiệm lượng điện tiêu thụ.
GS.VS.TSKH Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam (Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cũng đưa ra những lưu ý khi áp dụng giá điện 2 thành phần đối với khách hàng là doanh nghiệp, người dân.
|
Ảnh minh họa. |
Có lợi cho khách hàng
EVN đang đề xuất thí điểm cơ chế giá điện 2 thành phần. Theo các chuyên gia, giá điện 2 thành phần khác giá điện một thành phần đang áp dụng ra sao?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Theo chúng tôi nghiên cứu, nhiều nước trên thế giới áp dụng giá điện 2 thành phần, chủ yếu cho khách hàng sản xuất kinh doanh, có nơi áp dụng cho điện sinh hoạt. Cơ chế giá điện 2 thành phần bao gồm giá điện theo công suất và điện năng.
Hiện nay, chúng ta áp dụng biểu giá điện một thành phần, tức là biểu giá điện tính theo điện năng. Còn giá điện theo công suất là mức giá được xác định để thanh toán cho đơn vị cung ứng điện. Giá điện theo điện năng là giá của một đơn vị điện năng được xác định để thanh toán cho đơn vị cung ứng điện.
Có thể thấy, sự khác nhau bởi biểu giá điện một thành phần theo điện năng chủ yếu bù đắp chi phí biến đổi về nguyên vật liệu. Còn giá điện 2 thành phần bao gồm chi phí cố định như chi phí khấu hao tài sản, chi phí sửa chữa, chi phí tiền lương...
Thực tế, biểu giá điện một thành phần không phản ánh hết tác động gây ra đối với sản xuất điện, nhưng biểu giá điện 2 thành phần phản ánh đầy đủ chi phí đầu tư, chi phí vận hành, trên cơ sở đó tiêu dùng điện chi trả để bảo đảm đầu tư đó. Biểu giá điện 2 thành phần còn có tác dụng phát đi tín hiệu để khách biết mình dùng điện như thế nào, từ đó điều chỉnh hành vi sử dụng hiệu quả.
Nghiên cứu ở Thái Lan, Trung Quốc, tôi thấy khi điều chỉnh giá điện, hầu như khách hàng không kêu, bởi chi phí cố định giữ nguyên và minh bạch.
|
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam.
|
GS.VS.TSKH Trần Đình Long: Giá điện 2 thành phần thực tế đã được nhiều nước áp dụng. Tôi thấy giá điện 2 thành phần hợp lý hơn giá điện một thành phần chỉ có giá theo điện năng sử dụng như hiện nay.
Việc áp dụng cơ chế giá 2 thành phần sẽ mang lại sự công bằng hơn, phản ánh chính xác chi phí bỏ ra để phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, giá điện 2 thành phần này không phải đề xuất mới.
Trước đó nhiều năm, Chính phủ yêu cầu áp dụng cơ chế giá điện 2 thành phần, giao Bộ Công Thương chuẩn bị lộ trình áp dụng để Thủ tướng phê duyệt. Bộ Công Thương đang sửa đổi Quyết định 28/2014 của Thủ tướng về biểu cơ cấu giá điện, trong đó quan tâm vấn đề giá điện 2 thành phần.
Áp dụng cơ chế giá điện 2 thành phần, khách hàng có được hưởng lợi?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Khi được áp dụng, giá điện 2 thành phần sẽ có nhiều tác dụng như phát ra tín hiệu cho nhà sản xuất đảm bảo bù đắp chi phí vật tư và chi phí vận hành. Trong khi đó, người dùng biết được chi phí sử dụng điện của mình để điều chỉnh hành vi sao cho hiệu quả, tiết kiệm nhất.
Nó góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng điện thực hiện có hiệu quả, từ đó nâng cao hiệu số phụ tải, tiết kiệm lượng điện tiêu thụ. Biểu giá điện 2 thành phần làm cân bằng phụ tải cho hệ thống. Cơ chế này cũng giúp các hộ sử dụng ổn định hơn, phụ tải ổn định hơn mọi thời điểm.
GS.VS.TSKH Trần Đình Long: Khi áp dụng giá điện 2 thành phần, người ta khuyến khích sử dụng công suất điện không quá lớn, không gây căng thẳng cho việc đảm bảo công suất nguồn điện của hệ thống.
Áp dụng giá điện 2 thành phần cũng giúp giảm bù chéo giữa các khách hàng, tránh tình trạng đăng ký công suất lớn nhưng không sử dụng, đồng thời giúp điều chỉnh giá linh hoạt hơn. Đặc biệt, với EVN việc áp dụng giá điện 2 thành phần cũng tốt hơn.
|
GS.VS.TSKH Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam (Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam).
|
Những lưu ý gì khi áp dụng giá điện 2 thành phần
Theo đề xuất của EVN, áp dụng giá điện 2 thành phần sẽ được thí điểm trước, ý nghĩa thực tiễn của việc này như thế nào?
Ông Nguyễn Tiến Thỏa: Nghiên cứu thí điểm là đúng để đánh giá tác động ra sao, chứng minh sự khác nhau giữa hai phương án.
Đặc biệt, người tiêu dùng có cơ hội đánh giá, so sánh giữa hai phương án về mức độ chênh lệch giá.
Chúng ta cần có thời gian thí điểm như vậy để đánh giá, tổng kết và nhân rộng đại trà nếu thực sự hiệu quả.
Chuyên gia có lưu ý gì với doanh nghiệp, người dân khi thí điểm áp dụng giá điện 2 thành phần?
GS.VS.TSKH Trần Đình Long: Người tiêu dùng không nên sử dụng công suất chênh lệch quá lớn. Bởi vì, thành phần công suất sử dụng quá lớn sẽ gây căng thẳng cho việc đảm bảo sự cân bằng của nguồn điện và bắt buộc phải huy động các nguồn có giá cao, làm cho hệ thống vận hành không thuận lợi, không kinh tế.
Xin cảm ơn các chuyên gia.
Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, khi giá điện được tính theo công suất và điện năng, khách hàng có cùng sản lượng điện sử dụng (đơn vị tính là kWh), nhưng có hệ số phụ tải (nhu cầu sử dụng điện thực tế với công suất định mức) thấp, thì phải trả giá cao hơn khách hàng có hệ số phụ tải cao.
Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện và thu hồi chi phí đầu tư với khách hàng đăng ký công suất lớn nhưng sử dụng điện ít hơn.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vì sao giá điện tăng?