Hải Dương: Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2022 có gì đặc sắc?

Google News

Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022 dự kiến sẽ được UBND tỉnh Hải Dương tổ chức từ ngày 5 - 15/9 (tức ngày 10 - 20/8 âm lịch).

Theo kế hoạch, lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022 sẽ được mở đầu bằng Lễ dâng hương và tế Cáo yết vào ngày 5/9 (tức 10/8 âm lịch). Các hoạt động chính của lễ hội sẽ diễn ra tập trung từ ngày 10 đến ngày 15/9 (tức 15 đến 20/8 âm lịch).
Ngày 10/9 sẽ diễn ra liên hoan diễn xướng hầu thánh. Ngày 11/9 sẽ diễn ra các hoạt động như: Lễ tưởng niệm 580 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa Nguyễn Trãi; giải đua thuyền truyền thống; trình diễn nghệ thuật múa rối nước; khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch hội Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc; Lễ khai và ban ấn đền Kiếp Bạc.
Hai Duong: Le hoi mua thu Con Son - Kiep Bac 2022 co gi dac sac?
Ảnh minh họa 
Ngày 12/9 sẽ diễn ra Lễ tưởng niệm 722 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo; Lễ hội quân trên sông Lục Đầu. Ngày 13/9 sẽ diễn ra Lễ cầu an và Hội hoa đăng trên sông Lục Đầu. Ngày 15/9 sẽ diễn ra Lễ rước bộ và Lễ giỗ Đức thánh Trần…
Nét mới của lễ hội năm nay là Hải Dương sẽ tổ chức “Tuần Văn hóa - Du lịch hội Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc”. Trong Tuần Văn hóa - Du lịch, tỉnh sẽ tổ chức các gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP của Hải Dương và của 6 tỉnh duyên hải Bắc bộ; tổ chức thưởng thức trà sen Kiếp Bạc; biểu diễn hát chèo, chầu văn, hát xẩm, quan họ…viết thứ pháp, vẽ nón sen, múa rối nước…
Theo Trưởng Ban Quản lý Di tích Côn Sơn - Bạc, thành phố Chí Linh Nguyễn Thị Thùy Liên , hiện Ban Quản lý Di tích đã hoàn thiện xong Quầy thông tin du lịch, tuyên truyền, quảng bá về du lịch Hải Dương và Khu Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc; chỉnh trang khu vực giới thiệu, thưởng trà tại hồ sen Kiếp Bạc, triển khai thêm nhiều điểm giới thiệu, thưởng trà tại chùa Côn Sơn, đền Nguyễn Trãi, nhà khách Côn Sơn và nhà khách Kiếp Bạc. Ban Tổ chức đang hoàn thiện khoảng 5 vạn ấn để phát cho nhân dân và du khách; chuẩn bị 6.500 hoa đăng và đang hoàn thiện đàn cầu an cho Lễ cầu an trên sông Lục Đầu…
Trước đó, ngày 30/8, UBND tỉnh Hải Dương đã có quyết định về việc thành lập Ban Tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2022 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng làm Trưởng ban. Ban Tổ chức có 5 Phó ban cùng 22 ủy viên.
Tại cuộc họp chuẩn bị công tác tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2022 ngày 31/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng - Trưởng Ban Tổ chức cho biết, Hải Dương xác định đây là lễ hội lớn của tỉnh cũng như cả nước, vì vậy các cơ quan liên quan cần tập trung tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh triều đại nhà Trần trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá về khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, nhất là trong quá trình tỉnh Hải Dương cùng với các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang hoàn thiện hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO vinh danh là di sản thế giới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần bắt tay ngay và tham mưu cho Ban Tổ chức chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để tổ chức các nghi lễ truyền thống bảo đảm trang trọng, an toàn. Việc tổ chức cần thực hiện theo đúng các nghi lễ truyền thống đã được phục hồi, nhằm tôn vinh công đức của các danh nhân và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Có 3 nghi lễ chính: Lễ tưởng niệm 580 năm ngày mất Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; lễ khai ấn và ban ấn; Lễ tưởng niệm 722 năm ngày mất của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và Tuần Văn hóa du lịch mùa thu Kiếp Bạc năm 2022 (nét mới trong lễ hội mùa thu năm nay). Việc tổ chức cần thực hiện theo đúng các nghi lễ truyền thống đã được phục hồi nhằm tôn vinh công đức của các danh nhân và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Cân đối hài hoà giữa phần lễ và phần hội, gắn các hoạt động với nhiệm vụ giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về giá trị lịch sử văn hóa của khu di tích.
Hải Dương cũng lập các tiểu ban cho lễ hội như nội dung, tuyên truyền; lễ tân, khánh tiết, hậu cần; an ninh trật tự, nhằm thực hiện tốt các nội dung chương trình, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, cháy rừng, hỏa hoạn... Tỉnh cũng yêu cầu nghiêm cấm và xử lý dứt điểm các hiện tượng mê tín dị đoan, chèo kéo khách, bảo đảm môi trường văn hóa trong khu di tích. 
>>> Mời độc giả xem thêm video Hàng ngàn người tham dự Lễ hội tại chùa Tam Chúc:

Nguồn: THĐT


Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)