Hải Dương chỉ đạo “giải cứu” gần 100.000 tấn nông sản trong cách ly xã hội

Google News

Hiện gần 100.000 tấn nông sản của người dân đến kỳ thu hoạch. Hải Dương đưa ra nhiều giải pháp vừa phòng, chống dịch bệnh vừa sản xuất nông nghiệp, thu hoạch sản phẩm, hỗ trợ tiêu thụ nông sản…

Ngày 17/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản đã ký công văn yêu cầu Sở NN&PTNT, các huyện thị xã, thành phố trên địa bàn triển khai các biện pháp vừa phòng dịch vừa hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản sau Tết.
Đối với sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh Hải Dương giao UBND huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo phòng ban, xã đảm bảo tổ chức sản xuất nông nghiệp được diễn ra bình thường, kể cả khu vực có phong tỏa, các hộ gia đình có F2 bị cách ly nhưng phải hướng dẫn đảm bảo thực hiện 5K theo khuyến cáo ngành y tế.
Hai Duong chi dao “giai cuu” gan 100.000 tan nong san trong cach ly xa hoi
Hiện nông sản Hải Dương còn khoảng 90.767 tấn, trong đó cà rốt 26.766 tấn.
Lãnh đạo UBND cấp xã chịu trách nhiệm hướng dẫn và giám sát việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch của người dân trong quá trình tổ chức sản xuất.
UBND tỉnh Hải Dương giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn các địa phương tổ chức sản xuất nông nghiệp trong tình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Đối với việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các phương tiện vận tải nông sản phải cam kết theo mẫu hướng dẫn chuyển hàng hóa ra vào khu phong tỏa, cách ly của Sở GTVT. Giấy xác nhận phương tiện đã khử khuẩn, có ghi rõ thông tin tổ chức, cá nhân thực hiện trước khi đến các chốt kiểm soát.
Tài xế phải thực hiện khuyến cáo 5K của ngành y tế trong suốt quá trình vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa và không được dừng đỗ để tiếp xúc với người khác trong quá trình vận chuyển. Phải đeo khẩu trang và thực hiện đo thân nhiệt khi đi qua chốt kiểm dịch và cung cấp Giấy khai báo y tế theo mẫu của ngành y tế.
UBND tỉnh Hải Dương cũng giao các Sở, ngành: Công an tỉnh, Giao thông Vận Tải, Y tế, Công thương, và UBND các huyện, thành phố, thị xã có ngay các giải pháp ưu tiên, thực hiện nhanh chóng các thủ tục cho phương tiện của các cá nhân, đơn vị đi qua các chốt kiểm dịch để thu mua nông sản và cung cấp vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất theo đúng Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối tiếp nhận các thông tin về khó khăn, vướng mắc trong việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp khi đi qua các chốt kiểm dịch.
Đồng thời, giao UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan để hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc giúp các phương tiện vận chuyển nông sản, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp lưu thông các chốt kiểm dịch trên địa bàn.
Trước đó, ngày 16/2, UBND tỉnh Hải Dương cũng có công văn gửi Bộ Công thương, UBND TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và các địa phương có cửa khẩu về việc tạo điều kiện thông thương hàng hóa.
Sau Tết, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm cơ bản đã tổ chức triển khai sản xuất, kinh doanh. Do đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản thực phẩm, nguyên vật liệu sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa tăng cao sau kỳ nghỉ Tết.
Đối với nông sản, trên địa bàn tỉnh còn 4.087 ha rau vụ Đông đang đến kỳ thu hoạch; Sản lượng khoảng 90.767 tấn, chủ yếu là hành 55.902 tấn (80% bảo quản tại nông hộ, 20% chế biến tại tỉnh); cà rốt 26.766 tấn (90% xuất khẩu, 10% tiêu thụ nội địa); rau bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại 8.100 tấn (30% xuất khẩu, 70% tiêu thụ nội địa).
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều địa phương giáp ranh không cho xe hàng của Hải Dương đi qua, kể cả việc sang tải tại các chốt giáp ranh.
UBND tỉnh Hải Dương đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan cho phép phương tiện, tài xế chở hàng hóa từ Hải Dương được đi lại để lưu thông hàng hóa, kịp thời tiêu thụ, thông quan xuất khẩu.
Lĩnh vực, hàng hóa được phép hoạt động ở Hải Dương trong thời gian cách ly xã hội:
Ngày 17/2/2021, UBND tỉnh Hải Dương ban hành công văn số 521/UBND-VP công bố danh mục các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động trong thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống COVID – 19 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được mở cửa hoạt động và bán hàng trực tiếp cho khách hàng gồm:
Lĩnh vực kinh doanh Siêu thị tổng hợp (trừ dịch vụ vui chơi, ăn uống
tại chỗ trong siêu thị);
Lĩnh vực kinh doanh lương thực, thực phẩm trong các Chợ dân sinh;
Kinh doanh Cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa tại các
khu dân cư;
Lĩnh vực kinh doanh nông sản, thực phẩm tươi sống, chế biến;
Lĩnh vực kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình;
Lĩnh vực kinh doanh thuốc chữa bệnh, vật tư y tế, dung dịch sát khuẩn,
khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn;
Lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG);
Lĩnh vực kinh doanh giấy vệ sinh; tã, bỉm cho trẻ em, người cao tuổi;
Lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vắc-xin phòng bệnh gia súc, gia cầm.v.v.) phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được hoạt động nhưng không được mở cửa hàng mà chỉ bán hàng thông qua giao hàng trực tiếp cho khách hàng tại công trường, trang trại, nơi sản xuất, chăn nuôi gồm: Kinh doanh vật liệu xây dựng (gồm: xi măng, sắt thép, gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh.v.v.) phục vụ các công trình xây dựng; kinh doanh vật tư, trang thiết bị ngành điện, thiết bị ngành nước, đồ kim khí phục vụ cho các công trình xây dựng; kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.
Các loại hình dịch vụ khác được phép hoạt động như: Dịch vụ vận tải chuyên chở hàng hóa, hàng vật tư, nguyên liệu, sản phẩm cung ứng cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; Các loại hình dịch vụ cung cấp nguyên vật liệu, hàng hóa cho xuất khẩu;
Dịch vụ cung cấp điện, nước cho sản xuất và đời sống; Các loại hình dịch vụ như: cơ sở giáo dục; ngân hàng; kho bạc; các cơ sở kinh doanh trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm), chứng khoán, bưu chính, viễn thông; dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa; khám bệnh, chữa bệnh; tang lễ; dịch vụ thu gom xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; dịch vụ khách sạn lưu trú (trừ dịch vụ ăn uống giải khát không phục vụ khách lưu trú; vui chơi giải trí; massage; games; thể thao; ca nhạc…).
>>> Mời độc giả xem thêm video Từ vùng dịch Covid-19 đến TP.HCM phải khai báo y tế

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)