Vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội (TP) đã ban hành Kế hoạch số 152/KH-UBND thực hiện Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực TP Hà Nội.
7 mũi nhọn phòng chống tham nhũng
Kế hoạch nhằm mục đích cụ thể hóa để triển khai thực hiện hiệu quả, nghiêm túc các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực; tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý đối với hành vi tham nhũng, tiêu cực nhằm từng bước đẩy lùi tham nhũng.
|
Ông Đinh Tiến Dũng làm Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội.
|
Nội dung kế hoạch phải có tính khả thi, cụ thể, tránh hình thức, đảm bảo hiệu quả thực tế, đồng bộ, thống nhất; thực hiện hiệu quả Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “nâng cao hiệu quả công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025”, và gồm 7 nội dung chính như sau:
Một là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đơn vị trong công tác PCTN, TC: Xác định công tác PCTN, TC là nhiệm vụ trọng tâm, các sở, ngành địa phương, đặc biệt là người đứng đầu tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định về PCTN,TC; Kết luận số 05-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí…
Hai là, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, tiêu cực: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, tiêu cực có trọng tâm, trọng điểm, dưới nhiều hình thức, phù hợp với nhiều đối tượng để nâng cao sự hiểu biết, ý thức pháp luật trong cán bộ và nhân dân. Mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ động lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng và tình hình nhiệm vụ tại cơ quan, tổ chức, địa phương, đảm bảo hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong công tác PCTN, tiêu cực.
Ba là, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN, tiêu cực, tăng cường công tác cải cách hành chính: Tập trung nghiên cứu, cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, giải pháp về PCTN, TC của Đảng, Nhà nước; thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời sửa đổi hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản, quy định liên quan đến các cấp, các ngành và lĩnh vực đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, đặc biệt là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán...
Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về PCTN, TC: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Mua sắm trang thiết bị vật tư, sinh phẩm y tế; tài sản công, quy hoạch, đất đai.., lựa chọn nhà đầu tư, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt...
Năm là, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xét xử vụ việc, vụ án tham nhũng: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; khi có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố điều tra; đã kết luận có hành vi phạm tội thì phải truy tố xét xử nghiêm minh, kịp thời, công khai, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên, tạm giữ tài sản, phong tỏa tài khoản và xử lý tài sản tham nhũng ngay trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, có cơ chế giải quyết, xử lý nhanh các tài sản liên quan đến tham nhũng.
Sáu là, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan nội chính và các cơ quan tố tụng trong công tác PCTN, TC: Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan Đảng, cơ quan tư pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống, xử lý hành vi tham nhũng. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu để xảy ra tham nhũng; thực hiện chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xử lý đối với các hành vi, các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tội phạm, đảm bảo kịp thời, đúng quy định...
Bảy là, phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông, báo chí của Thành phố trong công tác PCTN, tiêu cực: Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, thanh tra nhân dân, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong công tác PCTN, tiêu cực.
"Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”
Tháng 5/2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 2835-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Hà Nội là địa phương đầu tiên cụ thể hóa chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ năm về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Ban Chỉ đạo gồm 15 thành viên. Ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố làm Trưởng ban Chỉ đạo; Ban Nội chính Thành ủy là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.
5 Phó Trưởng ban Chỉ đạo gồm các ông/bà: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Quang Đức, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy (Phó Trưởng ban Thường trực); Vũ Đức Bảo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy; Hoàng Trọng Quyết, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trung tướng - Giám đốc Công an thành phố.
Theo quyết định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thực hiện theo quy định của Ban Bí thư.
Đồng thời thay thế và thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phi giai đoạn 2021-2025”.
Trưởng ban Chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các thành viên Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo ban hành quy chế làm việc; quy định về công tác kiểm tra, giám sát; xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác. Ban Chỉ đạo được sử dụng con dấu riêng để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; kinh phí hoạt động do ngân sách thành phố cấp theo quy định.
Trước đó, tại Hội nghị lần thứ năm diễn ra từ ngày 4 đến ngày 10/5 tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã xem xét, cho ý kiến và quyết định nhất trí với Tờ trình của Bộ Chính trị về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đây là chủ trương có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.