Chủ trương đúng… nhưng nhiều bất cập
Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, cuối năm 2012, Hà Nội thực hiện đề án “Cải tạo, chỉnh trang hè phố Hà Nội đến năm 2020”; năm 2016 ban hành những quy định mới về cải tạo hè phố. Đến cuối tháng 3/2021, UBND TP Hà Nội lại tiếp tục ban hành Quyết định 1303/QĐ-UBND quy định về việc “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn”.
Căn cứ theo các quyết định, đề án được phê duyệt, UBND TP đã chấp thuận với đề xuất cải tạo, làm mới hè phố sử dụng vật liệu là đá tự nhiên thay thế gạch xi măng truyền thống. Đến nay, rất nhiều tuyến vỉa hè chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã xuất hiện tình trạng xuống cấp, mặt đá bị vỡ nát... Hiện tượng đó không hiếm gặp trên những tuyến phố thuộc địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng...
|
Nhiều vỉa hè lát đá tự nhiên ở Hà Nội xuống cấp. |
Đơn cử các tuyến phố Trần Phú (Hà Đông), Nguyễn Trãi (Thanh Xuân), dù vỉa hè mới được lát đá tự nhiên tuổi thọ 70 năm từ khoảng quý III/2017, đến nay cả hàng dài vỉa hè đầy vết nứt, vỡ, bề mặt vỉa hè lồi lõm, lởm chởm chưa được khắc phục.
Khu vực trước cổng Học viện An ninh cũng xuất hiện đến 5 vị trí xuống cấp. Nghiêm trọng hơn, đoạn vỉa hè đối diện Công ty CP Sông Đà 2 lún sâu, đá lát bong tróc, nứt vỡ, nhìn thấy cả phần đất bị trơ ra.
Vỉa hè đường Nguyễn Trãi, khu vực trước Viện Bảo tồn Di tích; Học viện Khoa học Xã hội, số 455 Nguyễn Trãi, đầu ngõ 475 Nguyễn Trãi cũng xuống cấp khá nghiêm trọng.
Tại vỉa hè đường Nguyễn Thái Học (Ba Đình), dù mới được đơn vị thi công bàn giao vỉa hè lát đá tự nhiên từ khoảng 3 tháng nay đã xuất hiện tình trạng bong bật, sụt lún. Từ số nhà 232 - 254 liên tục xuất hiện viên đá bị bật lên, không còn độ kết dính.
Ông Hoàng Cao Thắng, Phó Chi Cục trưởng phụ trách Chi cục Giám định xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội thừa nhận: “sau hàng hoạt những tồn tại, sai phạm được Thanh tra thành phố chỉ ra, cho thấy công tác quản lý chất lượng và hiện trạng chất lượng thi công thực tế tại các dự án vẫn còn nhiều bất cập”.
Ông Thắng cũng cho biết, theo quy định, thành phố giao cho Ban QLDA các quận, huyện làm chủ đầu tư tổ chức thực hiện dự án, tổ chức đấu thầu và lựa chọn đơn vị nhà thầu từ bước khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công và xây dựng công trình. Việc sử dụng loại đá nào để thi công là do quận, huyện lựa chọn. Do vậy, trách nhiệm chính trong việc thi công, vận hành vỉa hè thuộc về các quận, huyện.
KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng: “Chủ trương chỉnh trang vỉa hè, lát đá tự nhiên của Hà Nội là đúng và phù hợp với xu hướng phát triển hạ tầng đô thị nhưng còn tồn tại nhiều bất cập và lỗ hổng”.
Theo KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Hà Nội đang tốn cả nghìn tỷ để lát đá tự nhiên cho vỉa hè nhưng lại nhanh chóng xuống cấp sau khoảng 2, 3 năm. Nguyên nhân nhiều khả năng do quy trình thi công chưa đảm bảo, sử dụng giao thông hỗn hợp trên vỉa hè, xe cơ giới cũng di chuyển mà chưa được kiểm soát. Để tình trạng này xảy ra, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan quản lý địa phương. Sở Xây dựng là một trong những đơn vị có liên quan chính, có trách nhiệm phải giải quyết. Không loại trừ cả trách nhiệm của lãnh đạo thành phố khi để tình trạng gây lãng phí ngân sách mà chưa quyết liệt xử lý.
Ai chịu trách nhiệm?
Ngày 3/11 vừa qua, đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng Hà Nội, gồm Chi cục Giám định xây dựng, Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội đã kiểm tra công tác thi công lát đá vỉa hè tại công trình xây dựng cải tạo, chỉnh trang vỉa hè trên địa bàn quận Long Biên. Tại đây, các cán bộ, kỹ thuật đã rút lõi để lấy mẫu đánh giá sự tuân thủ tiêu chuẩn theo quy định về cường độ, độ dày bê tông.
Sau khi rà soát các lớp theo quy định, Trưởng đoàn kiểm tra Hoàng Ngọc Thắng - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Giám định xây dựng cho biết: Vật liệu này là gạch giả đá, có giá thành rẻ hơn đá tự nhiên khoảng gần 1/5 lần (đá tự nhiên khoảng 600 nghìn đồng/m2 - PV). Lớp vữa không đều, dày hơn 3 phân, trong khi theo quy định lớp này không quá 3 phân.
Ông Hoàng Ngọc Thắng đánh giá: "Sơ bộ dự án đã áp dụng theo mẫu hè đường đô thị theo địa bàn TP, tuân thủ thiết kế mẫu và được thẩm tra, thẩm định. Dự án đã đầu tư đồng bộ về hệ thống cống, viễn thông, hạ ngầm. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra chưa có văn bản góp ý, hồ sơ thiết kế, khớp nối hạ ngầm của các sở và đơn vị liên quan đã thi công. Về năng lực của nhà thầu tham gia công trình chưa cung cấp, nhật ký thi công chưa đầy đủ. Hồ sơ chưa có thiết kế cho người khuyết tật theo quy định, quy chuẩn, công tác thi công lát gạch quanh hố ga, hố kỹ thuật chưa đảm bảo yêu cầu. Cùng với kết quả lấy mẫu thí nghiệm (sau 5 ngày), Sở Xây dựng sẽ có đánh giá cụ thể, báo cáo UBND thành phố".
Được biết, dự án chỉnh trang vỉa hè đường Nguyễn Văn Linh được Trung tâm phát triển quỹ đất quận Long Biên và nhà thầu thực hiện khoảng 4,2km, đoạn từ ngõ 47 đến đường vành đai 3). Dự án có tổng mức đầu tư gần 18 tỷ đồng. Nguồn từ ngân sách TP Hà Nội. Công tác thi công từ ngày 10/8/20- 30/11/2022.
Nhìn nhận về công tác kiểm tra, rà soát trên, KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho rằng: “Để xảy ra tình trạng đá lát vỉa hè xuống cấp là do thiếu công tác kiểm soát và việc chọn chủ đầu tư. Việc phân cấp, ủy quyền cho quận, huyện thực sự hợp lý chưa khi cấp này có lực lượng chuyên môn để thẩm định chất lượng hay không?”.
Theo Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, lát đá vỉa hè là một giải pháp về chỉnh trang đô thị nhưng quan trọng hơn là xác định rõ mục tiêu của nó là gì? Nếu các tuyến phố chỉ phục vụ cho việc đi bộ và kinh doanh thì giải pháp về chất lượng đá, độ dày, kết cấu nền sẽ rất khác với việc vẫn sử dụng giao thông hỗn hợp như hiện nay.
Ông Hoàng Cao Thắng, Phó Chi Cục trưởng phụ trách Chi cục Giám định xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã có khoảng 255 tuyến phố, hè được lát đá tự nhiên, chủ yếu tập trung ở một số quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng...