Liên quan đến bài viết “Hà Nội: Trạm trộn bê tông Việt Phát xây dựng trái phép, gây ô nhiễm?", phản ánh tình trạng trạm trộn bê tông Việt Phát, tại xã Minh Cường, huyện Thường Tín nghi vấn tồn tại trên đất nông nghiệp, xây dựng và hoạt động sản xuất trái phép khiến người dân địa phương bức xúc mà Báo Tri thức và Cuộc sống đăng tải. Đồng thời, có giấy giới thiệu gửi UBND huyện Thường Tín phối hợp, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động của Trạm trộn bê tông Việt Phát.
|
"Phiếu giao việc" của lãnh đạo UBND huyện Thường Tín về việc kiểm tra, xử lý trạm trộn bê tông Việt Phát. |
Tuy nhiên, ngoài "Phiếu giao việc" của lãnh đạo UBND huyện Thường Tín đến Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, UBND xã Minh Cường kiểm tra, xem xét xử lý vi phạm của Trạm trộn bê tông Việt Phát (nếu có) theo đúng quy định ngày 11/11/2022 thì đến nay đã quá 30 ngày, các phòng ban chức năng của UBND huyện Thường Tín vẫn chưa có phản hồi, trả lời báo chí.
Thậm chí, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Tín
còn có dấu hiệu "né" trả lời phóng viên khi nhiều lần hứa hẹn thời gian cung cấp thông tin nhưng "biệt vô âm tín".
"Liên quan đến nội dung phản ánh, hiện phòng đang tổng hợp kết quả xử lý của xã. Ngay khi có kết quả huyện sẽ có văn bản phúc đáp", ông Lê Mạnh Hùng – Phó Trưởng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Tín nhắn qua điện thoại với phóng viên ngày 20/12/2022. Đây cũng là nội dung tương tự ông Lê Mạnh Hùng trả lời khi PV nhiều lần liên hệ hỏi về thời gian cung cấp thông tin suốt hơn 40 ngày qua.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tản, Chánh Văn phòng UBND huyện Thường Tín một mực yêu cầu PV liên hệ với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện để nhận thông tin vì đã có phiếu giao việc của lãnh đạo đến phòng chức năng này.
|
Trạm trộn bê tông Việt Phát gây ô nhiễm môi trường. |
Thông tin mới nhất mà PV tìm hiểu được, sau khi Báo Tri thức và Cuộc sống đăng tải bài viết “Hà Nội: Trạm trộn bê tông Việt Phát xây dựng trái phép, gây ô nhiễm?", lực lượng chức năng huyện Thường Tín đã kiểm tra, xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường đối với trạm trộn bê tông Việt Phát nhưng lại không thông tin, tuyên truyền rộng rãi kết quả đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Theo quy chế hội nghị thông tin báo chí của Thành ủy Hà Nội: Khi xảy ra những vụ việc, vấn đề gây bức xúc, các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố liên quan phải kịp thời báo cáo với lãnh đạo thành phố, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí của thành phố; đồng thời phải cung cấp thông tin chính xác cho báo chí, trong đó cần nêu rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan, kết quả, phương hướng, biện pháp xử lý, giải quyết.
Được biết, tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí 21/6/2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục đổi mới hơn nữa việc tương tác và cung cấp thông tin với báo chí theo tinh thần kịp thời và cởi mở hơn, nhất là đối với những vấn đề mới, nóng; không để báo chí vì không được cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ dẫn đến thông tin phiến diện, có những cách hiểu khác nhau.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo: Nhằm thắt chặt hơn mối quan hệ với báo chí, Thành ủy Hà Nội sẽ có văn bản chỉ đạo các cơ quan thành phố, các quận, huyện, thị xã trên tinh thần phải thật cởi mở, vừa chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, vừa kịp thời tiếp nhận ý kiến báo chí nêu. Đồng thời, Thành ủy mong các cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm, chia sẻ với những khó khăn của thành phố, góp phần giám sát, phản biện và luôn đồng hành với sự phát triển đi lên của Thủ đô.
Điều 39 Luật Báo chí quy định về cung cấp thông tin báo chí, trả lời báo chí.
1. Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí.
2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết.
Nếu quá thời hạn nêu trên mà không nhận được thông báo của cơ quan, tổ chức thì cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân đến cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền giải quyết hoặc đưa vấn đề đó lên báo chí.