Hà Nội rà soát toàn bộ việc mua sắm thiết bị y tế

Google News

Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết lãnh đạo thành phố sẽ họp với Sở Y tế và CDC Hà Nội để rà soát lại toàn bộ công tác mua sắm, chuẩn bị các thiết bị y tế.

Chiều 4/5, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì buổi giao ban công tác phòng chống dịch Covid-19 với các đơn vị trực thuộc.
Đánh giá về tình hình dịch trên thế giới, Chủ tịch UBND Hà Nội cho rằng số ca mắc có thể vượt con số 4 triệu trong thời gian tới. Một số nước có số người mắc, số người tử vong đã giảm nhưng lại phát sinh nhiều ổ dịch mới phức tạp như Singapore.
Làm việc với CDC Hà Nội về việc mua sắm thiết bị
Ông Chung cho biết sáng mai (ngày 5/5), lãnh đạo thành phố gồm Chủ tịch UBND Hà Nội và 2 phó chủ tịch sẽ họp với lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC) và lãnh đạo một số bệnh viện về công tác mua sắm thiết bị y tế.
Nội dung cụ thể là rà soát lại toàn bộ công tác mua sắm, chuẩn bị vật tư phòng chống dịch và nhấn mạnh việc chuẩn bị là cho lâu dài. "Xác định là không phải 1-2 tháng. Việc chống dịch phải đến khi nào thế giới hết dịch và có vaccine", ông Chung nhấn mạnh.
Dẫn lời một số chuyên gia, Chủ tịch Hà Nội đưa ra dự đoán vaccine phòng Covid-19 chỉ có thể được sản xuất vào cuối năm 2020, vaccine thực sự an toàn có thể xuất hiện vào giữa năm 2021 và việc sản xuất đại trà phải mất 3-4 năm.
Ha Noi ra soat toan bo viec mua sam thiet bi y te
 Chủ tịch UBND Hà Nội nhấn mạnh nguy cơ dịch vẫn hiện hữu do sắp có đợt người nước Việt ở nước ngoài về nước. Ảnh: Duy Hiệu.
Việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh, ngăn chặn, dập dịch Covid-19 vì thế là công việc dài hơi. Từ các yếu tố trên, Chủ tịch Hà Nội đưa ra 6 yêu cầu cho các đơn vị của thành phố để khuyến khích người dân thực hiện:
Thứ nhất, toàn thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch; tạo thói quen đeo khẩu trang, rửa tay, sát khuẩn; giữ khoảng cách; tuyệt đối hạn chế tụ tập, ra ngoài khi không cần thiết.
Thứ hai, các quận, huyện chuẩn bị tinh thần cảnh giác cao độ, ứng phó trong mọi tình huống, phát hiện nhanh các trường hợp ho, sốt, đau họng. Học sinh, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ốm thì phải nghỉ ở nhà.
Tránh dịch chồng dịch - bên cạnh dịch Covid-19 khi Hà Nội đang vào thời điểm có dịch sốt xuất huyết. Ông Chung yêu cầu vận động người dân không để ao tù, nước đọng và các điều kiện để nảy sinh mầm bệnh.
Thứ ba, về trường hợp ở huyện Gia Lâm khi phát hiện ca nghi ngờ nhiễm Covid-19 đã chuyển ngay về Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch thành phố cho rằng việc này không cần thiết.
Ông yêu cầu các quận huyện khi gặp các trường hợp tương tự thì đưa ngay về các trạm y tế xã, phường để lấy xét nghiệm nhanh và khẳng định lại bằng xét nghiệm PCR. Nếu có kết quả dương tính mới đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Thứ tư, Chủ tịch thành phố yêu cầu đối với các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm phải lập tức truy vết nguồn lây. Ông nhấn mạnh đây là việc làm rất quan trọng, làm rõ mọi nguồn gốc lây bệnh thì mới khoanh vùng, dập dịch được nhanh chóng.
Thứ năm, hạn chế số người chăm nom, đi theo bệnh nhân vào bệnh viện, chỉ cho phép 1 người. Theo ông Chung, việc này có thể giúp giảm 50.000-60.000 người ra khỏi nhà mỗi ngày, hạn chế được tập trung đông người.
Ông đề nghị các cơ sở y tế toàn thành phố học tập kinh nghiệm Bệnh viện Đa khoa Đức Giang triển khai phần mềm, ứng dụng tin học đặt lịch, hỗ trợ người đến thăm khám theo giờ. Việc này tránh được tình trạng tập trung đông người, người bệnh cũng không phải chờ đợi lâu.
Thứ sáu, về những khó khăn của Sở Giáo dục trong việc bố trí, sắp xếp chỗ cho học sinh đảm bảo giãn cách 1-2 m, ông Chung cho rằng việc này rất khó. Nên các trường học tự chủ, bố trí cho các cháu ngồi ở khoảng cách an toàn. Chủ tịch Hà Nội cũng nhấn mạnh người dân cũng nên tự tin vì dịch đã được kiểm soát tốt, các trường hợp dương tính, nguồn lây đã được xác định.
Chuẩn bị dỡ cách ly y tế Hạ Lôi
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết Hà Nội đã có 19 ngày liên tiếp không ghi nhận trường hợp dương tính mới Covid-19. 83/112 ca mắc đã hồi phục và xuất viện. Tại ổ dịch thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh), đến 0h ngày 6/5 sẽ hoàn thành việc cách ly y tế 28 ngày từ ngày 8/4.
Theo nhận định của Sở Y tế, thời gian tới có các chuyến bay đưa người Việt trở về nước nên vẫn có thể có các ca dương tính Covid-19 xâm nhập vào Việt Nam. Sở Y tế đề nghị các ban, ngành và người dân không chủ quan, lơ là, tiếp tục triển khai các biện pháp phát hiện, ngăn chặn, khoanh vùng và dập dịch.
Ha Noi ra soat toan bo viec mua sam thiet bi y te-Hinh-2
 Thôn Hạ Lôi sẽ được dỡ cách ly y tế đêm ngày 5/5. Ảnh: Việt Linh.
Về việc triển khai trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, ông Hiền nhấn mạnh các quận, huyện, đơn vị kiểm tra việc chấp hành của các cơ sở, doanh nghiệp các yêu cầu phòng chống dịch; xử lý đối với các đơn vị không thực hiện nghiêm.
Trước diễn biến có nhiều ca bệnh sau khi xuất viện sau khi điều trị Covid-19 tái dương tính, ông Hiền cho biết thành phố sẽ lấy mẫu xét nghiệm lại cho những người đã xuất viện và tiếp tục theo dõi sức khỏe, cách ly tại nơi cư trú trong 14 ngày. Hà Nội cũng xét nghiệm 41 trường hợp bệnh nhân Covid-19 được ra viện và kết quả đều âm tính.
Hà Nội hiện chỉ còn 13 trường hợp phải cách ly tại khu tập trung, 99 người đang được cách ly tại cộng đồng. Số trường hợp F1 hiện tại ở Hà Nội là 9 người, số F2 là 8 người.
Theo Sơn Hà/ Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)