Vừa qua, cử tri quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã đề nghị UBND Thành phố nghiên cứu, có giải pháp nhằm khai thác và phát triển mạnh hơn nữa “kinh tế đêm” của Hà Nội.
Trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp thứ 2 Hội đồng nhân dân thành phố khóa XIV, UBND TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội là nơi có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế ban đêm.
Thực tế, kinh tế ban đêm tại Hà Nội đang diễn ra khá sôi động với nhiều hoạt động như phố ẩm thực, phố đi bộ, chợ đêm, hệ thống cửa hàng tiện lợi... Trên địa bàn Thành phố Hà Nội có nhiều cơ sở dịch vụ kinh doanh về đêm, có hình thức dịch vụ, kinh doanh, có điều kiện về an toàn trật tự đã được quy định về nội dung cũng như thời gian hoạt động.
Hà Nội nhận định việc phát triển kinh tế ban đêm mang lại tác động tích cực đến nền kinh tế, là một phần không thể thiếu của phát triển du lịch. Tổ chức triển khai thí điểm kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và các khu vực có đủ điều kiện thúc đẩy tăng trưởng du lịch được coi là một trong những nhiệm vụ đột phá. Cần tập trung triển khai trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
|
Ảnh minh họa. |
Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế ban đêm có thể coi là đòn bẩy cho du lịch khi dịch COVID-19 cơ bản được khống chế, tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương cũng như đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Cùng với những định hướng của Thành phố, các quận, huyện trên địa bàn cũng đã chủ động trong việc phát triển kinh tế đêm, nhiều địa phương dần trở thành những khu vực tiềm năng để phát triển kinh tế đêm trong tương lai. Cụ thể:
Quận Hoàn Kiếm: là địa bàn đã có những thành tựu về phát triển kinh tế đêm. Từ năm 2016, Quận đã tổ chức không gian phố đi bộ quanh khu vực Hồ Gươm và phố cổ; một số quán bar nhà hàng trong khu Phố cổ kinh doanh thí điểm tới 2h sáng vào các ngày cuối tuần. Hiện nay, quận đang trình Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Đây là một trong những quận đi đầu của Thành phố để cụ thể hóa định hướng về phát triển kinh tế đêm và xác định những kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện.
Quận Tây Hồ: phát triển kinh tế đêm với Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố tại phố Trịnh Công Sơn. Kể từ khi quận Tây Hồ triển khai Đề án “Không gian biểu diễn, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ” nhận được sự quan tâm của người dân, khách du lịch và trở thành không gian đi bộ mới sau khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm.
Quận Hai Bà Trưng: đã có chủ trương để xây dựng Đề án hình thành tuyến phố đi bộ khu vực cổng Công viên Thống Nhất và Hồ Thiền Quang.
Quận Long Biên: là quận "trẻ" nhưng phát triển nhanh, có nhiều bứt phá, lợi thế phát triển về hệ thống giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy kết nối với các tỉnh, Thành phố Lạng Sơn, Hải Phòng. Long Biên có tốc độ đô thị hóa nhanh, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị khá hoàn chỉnh và ngày càng gia tăng giá trị mới hiện đại, tiềm năng trở thành trung tâm đô thị mới bên sông với nhiều khu đô thị lớn và hiện đại, trung tâm thương mại.
Huyện Đông Anh: Những năm gần đây, Đông Anh là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển kinh tế bền vững, toàn diện. Đây là mảnh đất của văn hiến, lịch sử, với những di tích lịch sử quốc gia (Cổ Loa, đền Sái, khu sinh thái Cọ Xanh, vườn Xoài, làng nghề chạm khắc gỗ Liên Hà,...).
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Đông Anh sẽ trở thành đô thị trung tâm, một quận của Thủ đô - một Thành phố thông minh bên bờ Bắc sông Hồng. Mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025, Đông Anh trở thành trung tâm kinh tế, tài chính hiện đại, trung tâm văn hóa, lịch sử của Thủ đô Hà Nội.
Trong quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội sẽ xây dựng 6 không gian du lịch, trong đó Đông Anh là một trong những vùng du lịch trọng điểm.