Hà Nội phát sinh hàng trăm dự án chậm triển khai: Ai chịu trách nhiệm?

Google News

Hàng trăm dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP Hà Nội bị nêu tên sau khi HĐND thành phố vào cuộc giám sát.

Mới đây, đoàn giám sát của HĐND TP. Hà Nội đã có buổi làm việc về kết quả tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND TP với đại diện UBND và các sở, ngành TP về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.
Đoàn giám sát đã tổng hợp danh mục dự án vẫn chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai còn tồn tại vi phạm từ thời điểm trước giám sát năm 2018 và phát sinh thêm từ năm 2018 đến nay (2021).
Theo kết luận, có 66 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt; 324 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai tính đến tháng 4/2021.
Ha Noi phat sinh hang tram du an cham trien khai: Ai chiu trach nhiem?
Nhiều dự án sai phạm tại TP Hà Nội chưa được giải quyết.
Cụ thể: Trong số 89 dự án chậm triển khai (tính từ năm 2012) đến nay còn 56 dự án vẫn chưa được khắc phục dứt điểm các vi phạm theo kiến nghị giám sát. Đặc biệt, 22 dự án có quyết định thu hồi đất, nhưng đến thời điểm tái giám sát vào tháng 3/2021, vẫn còn 18 dự án chưa được thu hồi đất trên thực tế.
Bên cạnh đó, 383 dự án chậm triển khai giai đoạn 2012-2017, đến nay vẫn còn 293 dự án tiếp tục chậm triển khai hoặc có vi phạm.
Đặc biệt, trong số 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính từ năm 2018, đến nay vẫn còn 37 dự án chưa nộp tiền sử dụng đất gần 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Thường trực HĐND TP đã phát hiện thêm 45 dự án chậm triển khai phát sinh sau khi HĐND TP giám sát vào tháng 7/2018 đến tháng 3/2021.
Về nguyên nhân của tình trạng chậm trễ này, Thường trực HĐND TP cho rằng, quy định pháp luật về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ; một số dự án chậm triển khai do phải tạm dừng để rà soát điều chỉnh quy hoạch; nhiều dự án trên địa bàn phải rà soát, khớp nối đồng bộ với các quy hoạch, dự án khác; một số dự án gặp khó khăn trong công tác thỏa thuận, đền bù GPMB. Ngoài ra, do dịch bệnh COVID-19 từ đầu năm 2020 ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nói chung…
Bên cạnh đó còn có không ít nguyên nhân chủ quan, đó là việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Nghị quyết về kết quả giám sát và các kiến nghị giám sát của HĐND TP, kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND TP chưa được chính quyền các cấp, các sở ngành triển khai thực sự quyết liệt, thường xuyên.
Cùng đó, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch Đầu tư chưa kiên quyết, chưa kịp thời, chưa làm hết trách nhiệm trong xử lý vi phạm của các nhà đầu tư; việc quản lý, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện dự án theo tiến độ đã được phê duyệt còn thiếu chủ động; việc hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch còn chậm và chưa quyết liệt.
Đồng thời, việc phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành mang tính thời điểm, chưa xuyên suốt; chưa quy định trách nhiệm cụ thể của từng ngành, cấp trong phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; công tác giám sát và đánh giá đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách bị buông lỏng…
Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư dự án chưa chấp hành tốt pháp luật đất đai, chấp hành chế độ báo cáo giám sát đầu tư; còn tình trạng cố ý sử dụng đất sai mục đích hoặc cố tình chây ỳ triển khai dự án chậm tiến độ; đề xuất điều chỉnh gia hạn dự án nhiều lần; chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính…
Liên quan đến sai phạm tại các dự án trên, luật sư Vũ Tuấn - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc để các dự án chậm tiến độ, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả những nguyên nhân từ phía các nhà đầu tư và một phần trách nhiệm từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc đôn đốc, thúc đẩy hoàn thiện các dự án còn dang dở.
Ở khoảng thời gian nửa cuối năm 2018 và đầu 2019, rõ ràng còn tồn tại nhiều dự án “ma” theo kiểu xin để “giữ đất”. Tồn tại nhiều chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm và yếu năng lực trong việc triển khai dự án, hoặc yếu về tài chính, nhưng vẫn “cố đấm ăn xôi” khi lập và trình xin dự án, sau đó mới rốt ráo huy động các nguồn lực tài chính, nhưng vì lý do nào đó dẫn đến không đủ để thực hiện các bước tiếp theo để triển khai dự án đã lập.
Theo luật sư Tuấn, nền kinh tế liên tiếp suy sụt do đại dịch COVID-19 trong gần 2 năm liên tiếp khiến cho nhiều chủ đầu tư thực sự không còn cơ hội để vực dậy và huy động đủ nguồn lực tiếp tục dự án.
Mặt khác, trong quy trình thực hiện dự án đầu tư, khó khăn lớn khác cũng xuất phát từ công tác giải phóng mặt bằng, để quản trị quy trình này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ theo lối thông mở cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về quản lý đất đai, quản lý dự án đầu tư còn nhiều lỗ hổng nên chưa thể “khơi thông”, giải phóng cho các dự án.
Về mặt quản lý nhà nước, thực tế mỗi dự án có những đặc điểm, thuận lợi và khó khăn riêng, việc theo sát quản lý, hỗ trợ các chủ đầu tư hiện có những cơ quan nhà nước chuyên biệt, nhưng xuất phát từ sự quá tải công việc của các cơ quan này, cùng với cơ chế luân chuyển nhân sự trong các cơ quan nhà nước khiến cho sự theo sát, giám sát, quản lý và đôn đốc thực hiện khó có tính liên tục. Đây cũng là một trong những hạn chế khiến cho sự tồn động các dự án còn tiếp diễn.
Để giải quyết các vấn đề này, HĐND, UBND thành phố cùng các cấp có thẩm quyền cần đưa ra những quyết sách hợp lý, trước hết là hỗ trợ, khai thông cho những dự án mà nguyên nhân chậm trễ không xuất phát từ phía chủ quan của chủ đầu tư.
"Đối với các dự án cố tình chây ỳ, hoặc khi tổ chức đánh giá lại năng lực của chủ đầu tư, nếu không còn phù hợp hoặc không đảm bảo thực hiện được dự án, hoặc dự án đã quá thời hạn thực hiện thì cần quyết liệt thu hồi, tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất, cũng là giảm thiểu áp lực cho các cơ quan chủ quản" - luật sư Tuấn nhấn mạnh.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Khởi tố nguyên Chủ tịch và kế toán xã Quảng Châu vì sai phạm về đất đai

Nguồn: TTV


Hiểu Lam - Văn Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)