Hà Nội đang có dấu hiệu chủ quan với COVID -19, cẩn trọng “bung - toang"

Google News

Từ việc hàng nghìn người tập trung đông trải nghiệm tàu Cát Linh - Hà Đông đến chủ quan nơi công cộng, nhiều người lo lắng nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19.

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, việc người dân chủ quan, tập trung đông người sẽ có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao.
“Ý thức người dân là rất quan trọng. Bây giờ ai có thân người đó giữ, Nhà nước không theo đuổi chính sách “Zero Covid” nữa. Trong khi hiện nay, Hà Nội có nhiều ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Cho thấy, trong cộng đồng vẫn còn nhiều người mang virus SARS-CoV-2, sau khi được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 thường ít có triệu chứng. Vì thế họ đi lại trong cộng đồng không ai biết được dễ lây nhiễm cho mọi người dẫn đến nguy cơ lây lan là rất cao” - PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.
Ha Noi dang co dau hieu chu quan voi COVID -19, can trong “bung - toang
 Từ việc hàng nghìn người tập trung đông trải nghiệm tàu Cát Linh - Hà Đông đến chủ quan nơi công cộng, nhiều người lo lắng nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19. (Ảnh Dân Việt).
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, khi tập trung đông người như vậy, không chỉ có nguy cơ lây lan nhau, người dân có thể bị lây bệnh sau đó về nhà lây lan sang những người cao tuổi và người chưa tiêm vắc xin COVID-19. Ông Nga cho rằng, những người dân thường xuyên đến nơi tập trung đông người phải tuân thủ việc khai báo y tế và theo dõi sức khoẻ bản thân.
Đề cập đến tình trạng tập trung đông người trải nghiệm tàu Cát Linh - Hà Đông, PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, việc trải nghiệm là nhu cầu của người dân nhưng cần đảm bảo an toàn, tuân thủ 5K, quét mã QR khi đến các ga tàu đường sắt đô thị.
“Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tận 15 ngày đi miễn phí sao phải vội vàng gì chen chúc để rồi dễ lây lan dịch COVID-19?" - ông Nga nói và cho rằng, việc chen chúc nhau xếp hàng không đảm bảo được giãn cách cũng như quy định tối đa 50% lượng người tham gia trải nghiệm tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
"Tôi khuyên người dân trong những ngày đầu chưa nên đi vội. Chúng ta đợi ít ngày giảm lượng người rồi đi vì hiện tại dịch bệnh đang phức tạp, nhiều ca nhiễm trong cộng đồng. Nếu đi đông như vậy không đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch rất dễ lây lan"- PGS.TS Nguyễn Huy Nga lưu ý.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dịch bệnh COVID-19 tại Hà Nội đang rất phức tạp. Hà Nội đã có quy định rõ ràng trong an toàn giao thông vận tải về phòng chống dịch, việc tập trung đông đúc sẽ rất nguy hiểm. Đồng thời đưa ra lời khuyên người dân không nên đi vào giờ cao điểm, nhất là những người chưa tiêm vắc xin, người già, người có bệnh nền.
PGS. TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, mấy ngày qua, số ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng ở Hà Nội bắt đầu tăng lên.
“Việc người dân tập trung đông người, không đảm bảo giãn cách là mối lo ngại cho mọi người dân thủ đô. Nếu Hà Nội tiếp tục bùng phát dịch bệnh thì hậu quả khôn lường. Bởi Hà Nội là nơi tập trung nhiều các cơ quan trung ương, cơ quan quốc tế và các doanh nghiệp lớn. Khi dịch bùng lên sẽ không thể thực hiện được việc vừa chống dịch, vừa sản xuất. Như vậy khó ổn định sản xuất và liên quan đến chuyện phát triển bền vững của thủ đô”- bà Bùi Thị An nêu ý kiến.
Theo bà An, tâm lý háo hức trải nghiệm tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông là chuyện bình thường của người dân tuy nhiên người dân phải có ý thức. Bên cạnh đó, khi xuất hiện những tình huống như vậy, đơn vị quản lý phải có biện pháp hoặc báo cáo lên Ban chỉ đạo thành phố để có những giải pháp phù hợp.
“Để tập trung đông người như vậy là không thực hiện đúng 5K. Ở đây là lỗi của cả hai, người dân và đơn vị quản lý. Do đó phải rút kinh nghiệm trong tổ chức, thực hiện. Những người được giao quản lý phải có đầu óc rất nhạy bén, linh hoạt để xử lý tình huống chứ ai lại để như vậy. Trong khi người dân chủ quan cũng không thực hiện 5K” - PGS. TS Bùi Thị An cho biết.
Theo PGS. TS Bùi Thị An, giải pháp phải thực hiện nghiêm các chỉ thị, chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, tuân thủ các quy định phòng dịch của Bộ Y tế, trong đó giải pháp rất quan trọng là 5K phải được thực hiện mọi nơi, mọi lúc, có sự giám sát. Đồng thời, người dân phải có ý thức trách nhiệm.
“Chỉ có thực hiện nghiêm như thế, Hà Nội mới đạt mục tiêu vừa chống dịch, vừa sản xuất. Không thể để dịch diễn biến phức tạp do không thực hiện đúng các quy định. Cần tăng cường các biện pháp giám sát, nếu cá nhân vi phạm cần bị xử ký”- bà An nói.
Lượng khách trải nghiệm tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông tăng cao:
Ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết, trong ngày 6/11 có 109 lượt tàu chạy, chở 25.680 hành khách, đa phần hành khách đi khứ hồi để trải nghiệm tuyến đường sắt trên cao. Đến ngày 7/11, lượng khách tăng từ 20-25% so với ngày đầu tiên. Trước tình trạng lượng khách tăng cao, đơn vị đã bố trí các trang thiết bị để phân luồng hành khách ngay tại sảnh tầng 1 và tầng 2 của các nhà ga. Trong những ngày tới sẽ tập trung đảm bảo công tác an toàn, phòng, chống dịch bệnh COVID-19. 
 >>> Mời độc giả xem thêm video WHO khuyến cáo về thuốc chữa sốt rét trong điều trị Covid-19:

Nguồn: THĐT

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)