|
GS.TS Vũ Quang Côn. |
GS.TS Vũ Quang Côn, Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam tâm tư, nhiều người “mắng” ông rằng sao ông lúc nào cũng chỉ “nhăm nhăm” đào tạo cả một lực lượng đông đảo xung quanh kế cận như thế. Ông bảo, làm khoa học mà không có người kế cận thì coi như thất bại.
Ở tuổi 72, GS.TS Vũ Quang Côn đảm nhiệm nhiều công việc đến mức nếu nhìn vào danh sách các công việc ấy, người ta có thể liên tưởng ngay đến một bà mẹ ba đầu sáu tay chăm những đứa con nhỏ. Ông vừa là Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành, thành viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam, lại còn liên tục tham gia giảng dạy các lớp sinh viên, nghiên cứu sinh.
Viết sách nhiều, ông vẫn ấp ủ viết tiếp được cuốn biến động mùa của côn trùng. Đam mê của ông là làm khoa học và làm thơ, xuất bản đến tập thứ 5 rồi. Hiện các loài côn trùng đã dần biến mất, số lượng bị giảm thiểu đi nhưng ông tin rằng, loài này biến mất thì loài khác xuất hiện, ông chẳng bao giờ “thất nghiệp”.
Điều ông tâm niệm trong sự nghiệp nghiên cứu của mình là làm sao để đào tạo được nhiều người kế cận nhất, làm sao để nhiều người trẻ yêu khoa học, lựa chọn chuyên ngành côn trùng học của ông để nghiên cứu. Ông ra sức làm điều đó, đến nỗi mà nhiều người “mắng” ông rồi đặt câu hỏi, ông đào tạo nhiều thế để làm gì, ông sợ ngành của ông mai một rồi biến mất như côn trùng hay sao?
Ông tự nhủ, làm khoa học mà không có đội ngũ kế cận thì coi như thất bại, yếu kém. Ông cố gắng hết sức mình dành thời gian đi giảng dạy, truyền đạt niềm đam mê với côn trùng, các cách bảo vệ côn trùng, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu như thế nào... dù những công việc ấy chẳng đem lại lợi nhuận nào cho ông.
Ngày còn trẻ thì ông có thể xông pha đi thực địa, đến mọi nơi, làm mọi việc, ra sức viết lách, cống hiến. Nhưng bây giờ có tuổi rồi, sức khoẻ không còn được như trước nữa nên ông chuyển hướng sang nghề “truyền lửa”. Ông mong ước giới trẻ yêu khoa học hơn nữa, coi khám phá tri thức là lẽ sống, chứ không phải là nhăm nhăm vào mục đích kiếm tiền.
Khi con người ta có lý tưởng để hướng tới, có đam mê để đeo đuổi thì giá trị cuộc sống sẽ không đo đếm bằng mỹ kim. Và chỉ khi làm được điều đó thì khoa học nói chung, chuyên ngành côn trùng học nói riêng mới cất cánh được đúng như ông mong ước, kỳ vọng.