Gợi ý giải đề môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Google News

Sáng nay 27/6, hơn 1 triệu thí sinh hoàn thành bài thi môn Ngữ văn với đề thi là tác phẩm "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Cụ thể, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2024 có 2 phần:
Phần I đọc hiểu (3 điểm) rơi vào đoạn trích tác phẩm "Dòng sông và những thế hệ của nước" của tác giả Nguyễn Quang Thiều với 4 câu hỏi.
Goi y giai de mon Ngu van thi tot nghiep THPT nam 2024
 Thí sinh tham dự bài thi môn Ngữ văn sáng 27/6.
Phần II làm văn (7 điểm) có 2 câu hỏi. Câu hỏi 1 yêu cầu viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của việc tôn trọng cá tính. Câu 2 yêu cầu phân tích đoạn thơ trong tác phẩm "Đất nước", từ đó nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của tác giả Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện trong đoạn thơ.
Theo đánh giá của các thí sinh, đề thi năm nay có phần hơi dài, nhưng vừa sức. Với nhiều thí sinh, "Đất nước" đã nằm trong dự đoán đề của các em. Với việc ôn tập có phần kỹ lưỡng hơn, cho nên các em đều làm bài rất tốt.
Đề thi hay, có tính phân loại
Trao đổi nhanh với PV Tri thức và Cuộc sống, ThS Lê Thị Hương Giang, giáo viên Trường THPT Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đánh giá đề thi môn Ngữ văn khá "đẹp đẽ". Với đề thi này, điểm có thể sẽ cao, ở khoảng từ 6,5 điểm trở lên, số điểm cao cũng sẽ nhiều lên.
Về việc một số thí sinh cho rằng đề hơi dài, cô Giang cho biết, cô lại thấy đó là sự hợp lý. Nhất là với những học sinh có học lực trung bình, không nhớ chi tiết vẫn có thể làm được bài.
Về việc liệu việc dự đoán đúng đề, "trúng tủ" của thí sinh có gây khó trong việc phân loại, cô Giang cho biết, đề thi nằm trong phần ôn tập trọng tâm, không gây bất ngờ. Tuy nhiên, điều đó vẫn không ảnh hưởng tới tính phân loại. Bởi học sinh sẽ phải mở rộng, làm sâu sắc cách cảm nhận, suy tư, cảm xúc... của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm so với các nhà thơ khác.
Về phần nghị luận, tôn trọng cá tính cũng là một vấn đề rất là nóng, được nhiều người quan tâm.
"Với một đề thi cuối cùng của chương trình cũ, đề thi năm nay vừa đẹp, không đánh đố", cô Giang nhấn mạnh.
Đề thi tạo hứng thú với học sinh
Đánh giá đề thi, TS. Trịnh Thu Tuyết – Giáo viên Ngữ văn - Hệ thống giáo dục HOCMAI cho hay, Phần I. Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi phân loại theo các mức độ nhận thức. Hai câu đầu (câu 1 và 2) đều là câu hỏi dừng ở mức độ nhận biết về một chi tiết đã hiện hữu trong nội dung văn bản.
Đó là dạng câu hỏi giúp các em có thể dễ dàng đạt mức điểm tối đa. Vẫn như những năm trước, những câu hỏi nhận biết về nội dung văn bản thực chất chỉ cần “nhận biết” và chép lại một chi tiết của đoạn trích, đó là yêu cầu có thể thực hiện quá mức dễ dàng.
Câu 3 là câu hỏi yêu cầu học sinh vận dụng vốn hiểu biết về kiến thức tiếng Việt. Về văn chương, nghệ thuật và cuộc sống để diễn giải được giá trị biểu đạt và biểu cảm của phép so sánh liên tưởng giữa dòng chảy của con sông với lịch sử sáng tạo nghệ thuật trong đoạn trích.
Khi có vốn hiểu biết nhất định về thiên nhiên, cuộc sống, văn chương… thí sinh hoàn toàn có thể phân tích và chỉ ra sự tiếp nối, kế thừa, thay đổi từ dòng chảy của con sông tới lịch sử sáng tạo nghệ thuật khi những khúc sông sau tiếp nối nhịp chảy, phù sa, sắc nước từ những khúc sông trước nhưng lại vươn mình tới những bến bờ mà khúc sông trước chỉ mới ước ao, hoặc tậm chí chưa từng nghĩ tới. Theo TS. Trịnh Thu Tuyết, đây là câu hỏi cần có sự sâu sắc của tư duy và trải nghiệm.
Câu hỏi số 4 là câu vận dụng cao, yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lối sống cho bản thân từ suy ngẫm của tác giả trong đoạn trích: “Nếu tách rời từng giọt nước ra khỏi sự thống nhất của đại dương thì chúng ta chỉ nhìn thấy những giọt nước nhỏ bé, đơn độc và dần dần biến mất”.
TS. Trịnh Thu Tuyết cho rằng, suy ngẫm của tác giả Nguyễn Quang Thiều xuất phát từ một sự thật hiển nhiên của tự nhiên và cuộc sống. Do đó thí sinh không khó khi tìm thấy thông điệp, bài học cho lối sống của bản thân mình. Đó là bài học về sự tồn tại có ý nghĩa khi gắn kết giữa cá nhân với cộng đồng. Câu hỏi này có khả năng phân loại học sinh tương đối tốt khi hướng trả lời, cách lập luận phụ thuộc nhiều vào tư duy và bản lĩnh độc lập, tự chủ của học sinh.
Đồng thời, đánh giá, các câu hỏi đọc hiểu rất vừa sức với học sinh, đảm bảo đúng các mức độ nhận thức, có ý nghĩa thực tế với cách sống của các em sau này.
(Phần II – Làm văn (7,0 điểm): Giữ nguyên cấu trúc quen thuộc, gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm).
Câu 1 (2,0 điểm): Câu lệnh cung cấp đầy đủ và chính xác các yêu cầu cụ thể để thí sinh có thể viết một đoạn văn với dung lượng khoảng 200 chữ về một khía cạnh của vấn đề rút ra từ đoạn trích của phần đọc hiểu: Yêu cầu “Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của sự tôn trọng cá tính”.
TS. Trịnh Thu Tuyết cho biết, câu hỏi ít nhiều có thể tạo bất ngờ và hứng thú cho thí sinh khi làm bài, khi yêu cầu các em luận bàn về “ý nghĩa của sự tôn trọng cá tính” - vấn đề tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng cá tính và tư duy độc lập lâu nay vẫn thường được đề cao trong các bài giảng hoặc đề tài thảo luận. Thực tế, đó vẫn là sự bức bối của không ít người trong thực tế cuộc sống hàng ngày.
"Ngay trong thực tế ngàng giáo dục, bản thân những đề văn yêu cầu học sinh “trả bài” của thầy cô lại cho thầy cô, càng đúng ý thầy cô bao nhiêu, điểm càng cao bấy nhiêu, như bao lâu nay, vốn đã là sự triệt tiêu cá tính sáng tạo, là sự “ngưng chảy” của những dòng sông sáng tạo, là sự mài mòn cá tính. Đề bài yêu cầu trình bày “suy nghĩ/cảm nhận của anh/chị” nhưng đáp án lại là “suy nghĩ/cảm nhận của thầy cô”, đó cũng là nguyên nhân sự trì trệ, nhàm chán trong tư duy, cách sống, cách nghĩ của nhiều lớp người thiếu vắng cá tính", TS. Trịnh Thu Tuyết bày tỏ.
"Có thể thấy đây là câu hỏi không mới nhưng khá thiết thực, tạo hứng thú với những học trò đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa mới mẻ của cuộc sống, nơi các em phải thể hiện năng lực và bản lĩnh cá nhân, thể hiện cá tính riêng của mình trong hành trình tới với thành công", TS. Trinh Thu Tuyết nhận định.
Câu 2 (5,0 điểm): Câu nghị luận văn học vẫn sử dụng cấu trúc đề quen thuộc, trong đó câu lệnh thứ nhất là nội dung chính của bài nghị luận yêu cầu thí sinh phân tích 18 dòng đầu trong đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm; câu lệnh thứ hai mang tính khái quát và nâng cao khi yêu cầu thí sinh “nhận xét về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ”.
Với mô hình câu nghị luận văn học hoàn toàn không thay đổi so với đề thi từ năm 2017 đến nay về thể loại, dung lượng ngữ liệu nghị luận, các yêu cầu nghị luận… thí sinh có thể được rút kinh nghiệm rất nhiều từ những kì thi năm trước, không bất ngờ, nếu không nói về sự quá đỗi quen thuộc làm giảm thiểu hứng thú.
Thí sinh có thể phân tích đồng thời sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ ngay trong quá trình cảm nhận các giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, hoặc tách thành hai luận điểm mạch lạc như yêu cầu của đề. Kiến thức và kĩ năng phân tích, cảm nhận, đánh giá… trong câu nghị luận văn học không hề khó với học trò. Sau khi các em đã có cả một chặng đường học tập, ôn và luyện.
TS. Trịnh Thu Tuyết cho rằng, hai câu lệnh của câu nghị luận văn học là sự tách bạch cơ học, khiên cưỡng, khiến thí sinh nếu nhập hai yêu cầu khi triển khai hệ thống luận điểm nghị luận thì có thể mất điểm, còn nếu tách riêng sẽ không tránh được sự nhàm lặp. Bởi lẽ không chỉ khi phân tích đoạn thơ đầu trong đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm mà dù phân tích bất kì đoạn văn/ thơ của tác giả nào đều không thể tách rời hai bình diện nội dung và hình thức. Khi mỗi nội dung đều thể hiện qua hình thức và hình thức nào cũng mang tính nội dung. Sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ thực chất là sự thể hiện phong cách thơ trữ tình - chính luận của nhà thơ, đó là điều rất cần làm rõ ngay khi phân tích từng câu thơ, ý thơ.
Nên chăng, nếu muốn thí sinh đặc biệt quan tâm một khía cạnh nào đó của văn bản, hãy lồng hai yêu cầu vào một câu lệnh cho phù hợp với qui luật cảm thụ văn chương, ví dụ: “Trình bày cảm nhận của anh/ chị về sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ sau…”/ hoặc “Trình bày cảm nhận của anh/ chị về chất trữ tình – chính luận trong thơ Nguyễn Khoa Điềm qua đoạn thơ sau…”.
Trịnh Thu Tuyết đánh giá: Đề thi Ngữ văn trong kì thi tốt nghiệp THPT 2024 đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp THPT; cũng phù hợp với yêu cầu cho một kì thi cuối cùng của Chương trình Giáo dục ra đời cách đây gần hai thập kỉ.
Hai phần Đọc hiểu và Làm văn trong đề đều theo mô hình cơ bản từ kì thi năm 2017 đến nay với cấu trúc, kiểu dạng và mức độ nhận thức trong các câu hỏi không có những bất ngờ vốn luôn bao hàm sự mới mẻ với thí sinh, không làm khó nhưng cũng không đem tới nhiều sự hứng thú, yếu tố vốn không nên thiếu khi tới với văn chương. Khả năng phân loại của đề vẫn là sự phân loại của các mức độ đọc hiểu và cảm thụ văn bản, sự phân loại được ghi nhận bởi cách đánh giá tinh tế, chính xác của giám khảo.
Bắt đầu từ sang năm, khi Giáo dục Việt Nam hoàn chỉnh một chặng đường đổi mới theo cách học và thi của Chương trình Giáo dục 2018, khi các ngữ liệu trong đề thi hoàn toàn là những văn bản bên ngoài sách giáo khoa, TS. Trịnh Thu Tuyết hi vọng đề thi Ngữ văn trong kì thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ đem lại nhiều hứng thú, thách thức và cơ hội cho các thí sinh yêu văn chương, ham hiểu biết, khám phá, có tư duy độc lập, không thích đi theo lối mòn.
"Đề thi chính thức môn Ngữ văn bám sát chương trình, có câu hỏi không mới nhưng khá thiết thực, tạo hứng thú với học sinh", TS Trịnh Thu Tuyết nhận định.
Dưới đây là gợi ý giải đề môn Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 do Hệ thống giáo dục Học Mãi thực hiện.
Goi y giai de mon Ngu van thi tot nghiep THPT nam 2024-Hinh-2
 

Goi y giai de mon Ngu van thi tot nghiep THPT nam 2024-Hinh-3
 

Goi y giai de mon Ngu van thi tot nghiep THPT nam 2024-Hinh-4
 

Goi y giai de mon Ngu van thi tot nghiep THPT nam 2024-Hinh-5
 

Goi y giai de mon Ngu van thi tot nghiep THPT nam 2024-Hinh-6
 

Goi y giai de mon Ngu van thi tot nghiep THPT nam 2024-Hinh-7
 

Mời quý độc giả xem video: Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ cảm xúc, dự đoán đề thi môn Ngữ văn trước Kỳ thi THPT năm 2024. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)