Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, từ 9h sáng 5/6 đến 15h chiều cùng ngày sẽ diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.
Các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn đối với Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn với các nhóm vấn đề sau:
+ Trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm;
+ Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước;
+ Giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.
Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Chủ tịch Quốc hội sẽ phát biểu kết thúc nhóm vấn đề chất vấn.
Kỳ vọng tất cả hoạt động sử dụng tài sản công được kiểm toán hằng năm
Trao đổi bên hành lang Quốc hội với PV Tri thức và Cuộc sống, đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay, đây là lần đầu tiên Kiểm toán Nhà nước - một trong 4 nhóm lĩnh vực được lựa chọn để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội.
|
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). Ảnh: Mai Loan. |
Điều này thể hiện sự đổi mới trong việc nâng cao trách nhiệm của những cơ quan, không chỉ là các cơ quan thực thi pháp luật mà kể cả những cơ quan kiểm soát quá trình các đơn vị thực thi pháp luật.
Đồng thời, cho thấy tư duy không ngừng đổi mới trong hoạt động của Quốc hội theo hướng ngày càng dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, thực sự vì Nhân dân, làm tốt vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân.
Đại biểu kỳ vọng, khi Tổng Kiểm toán Nhà nước đăng đàn trả lời chất vấn tại Kỳ họp này, chúng ta sẽ đưa ra được những vấn đề để tăng cường chất lượng công tác kiểm toán, đặc biệt không chỉ với kiểm toán của Nhà nước mà còn phát huy vai trò của các kiểm toán độc lập.
"Thậm chí, kiểm toán nhà nước có thể trưng dụng lực lượng kiểm toán độc lập để thực hiện các nhiệm vụ kiểm toán cho các khu vực công. Như vậy, sẽ giải quyết được yêu cầu tất cả hoạt động về sử dụng tài sản công đều phải thực hiện kiểm toán hằng năm”, đại biểu Hoàng Văn Cường chia sẻ.
Làm sao để không còn tình trạng kiểm toán hoạnh họe người dân
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho hay, cùng với tài nguyên và môi trường, kiểm toán là lĩnh vực ông quan tâm nhất trong chất vấn, trả lời chất vấn kỳ họp này.
|
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: Mai Loan. |
Thời gian qua, theo báo cáo, kiểm toán đã thể hiện hết tinh thần trách nhiệm sau khi kiểm toán có kết luận đề nghị các cơ quan chức năng xử lý những tiêu cực, tồn tại, đặc biệt xử lý về mặt hình sự với những đối tượng được kiểm toán.
Tuy nhiên, cũng có không ít các trường hợp người dân phản ánh, cơ quan kiểm toán, kiểm toán viên còn có sự “hoạnh hoẹ”. Thậm chí, trong quá trình kiểm toán còn diễn ra tình trạng bao che cho các đối tượng kiểm toán, hoặc giảm bớt thiếu sót để có phong bì.
Do đó, theo đại biểu, việc chất vấn tổng kiểm toán là để làm sao phát huy được thành quả những việc làm tốt và hạn chế tiêu cực để cho hoạt động kiểm toán ngày càng đi vào nề nếp và tạo sự tin tưởng tuyệt đối của Đại biểu Quốc hội với cơ quan kiểm toán.
“Tôi rất kỳ vọng trong kỳ chất vấn lần này, các đại biểu Quốc hội tập trung, xoay quanh hỏi những vấn đề bức xúc, nổi cộm của người dân qua tiếp xúc cử tri và những điều cử tri gửi gắm cho mình với các tư lệnh ngành", đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, các đại biểu nên tập trung vào các nhóm vấn đề chất vấn, nêu câu hỏi ngắn gọn. Các vị tư lệnh ngành trả lời trúng, đúng, xoay quanh những vấn đề đại biểu quan tâm, không vòng vo, không "câu thời gian".
"Tôi hy vọng lần này, 4 vị tư lệnh ngành có thể trả lời tốt, hay, và đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của người dân”, đại biểu Nguyễn Văn Hoà bày tỏ.