Thí sinh đoán đề thi môn Văn, nhưng không dám học “tủ”

Google News

Chiều 26/6, hơn 1 triệu thí sinh đã làm thủ tục đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2024. Nhiều thí sinh lo lắng đối với môn Văn, dù có dự đoán đề, nhưng vẫn không dám học “tủ”.

14h chiều nay 26/6, hơn 1 triệu thí sinh cả nước có mặt tại các điểm thi để làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT.
Lo lắng nhất là môn Văn
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống tại điểm thi Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), em Nguyễn Mai Thi và Trần Lê Ngọc Mai (đều là học sinh Trường THPT Việt Đức) cho hay, trước kỳ thi, tâm trạng rất hồi hộp và lo lắng. Các em được mọi người trong gia đình cũng như bạn bè động viên bình tĩnh, tự tin để làm bài cho tốt. Một số thì rủ đi chơi cho thư giãn.
Thi sinh doan de thi mon Van, nhung khong dam hoc “tu”
 Em Nguyễn Mai Thi (phải) và Trần Lê Ngọc Mai, Trường THPT Việt Đức). Ảnh: Mai Loan
Ngọc Mai cho hay, tại kỳ thi này, môn thi khiến em lo lắng nhất là môn Văn. Em ôn hết nhưng trọng tâm là thơ, trong đó, đặc biệt là hai bài Tây Tiến và Việt Bắc. Em sợ nhất là “lệch tủ”. Bởi nếu như không học, chắc chắn em không làm được.
Cũng chính vì sợ “lệch tủ” nên Mai đã học hết cả thơ và truyện, thậm chí, cả bài nằm trong chương trình giảm tải em cũng học luôn cho chắc. “Các môn khác em tự tin, chỉ sợ nhất môn Văn. Sau kỳ thi em phải đi du lịch, đi chơi, để “hồi sức”, chứ giờ em có cảm giác lo lắng không chịu nổi”, thí sinh chia sẻ dù cho biết đã đỗ xét tuyển sớm vào một số trường đại học.
Còn Mai Thi cho hay, em chỉ sợ khi vào phòng thi hồi hộp quá sẽ không thở được. “So với kỳ thi vào lớp 10 thì kỳ thi này căng thẳng hơn. Bởi nó quyết định cả cuộc đời, tương lai của em”, Thi nói.
Cả hai thí sinh đều gửi lời chúc tới các bạn sẽ có một kỳ thi đạt kết quả cao nhất.
Thi sinh doan de thi mon Van, nhung khong dam hoc “tu”-Hinh-2
 Thí sinh Nguyễn Quang Minh, thứ 2 từ trái qua chụp ảnh cùng các bạn. Ảnh: Mai Loan.
Thí sinh Nguyễn Quang Minh (Trường THPT Trần Phú) cũng chia sẻ, môn khiến em lo lắng nhất là Văn. Không phải vì em không học được môn này, trái lại, các bài thi ở trên lớp Minh làm khá tốt. Nhưng làm càng tốt thì khi đi thi càng cảm thấy áp lực.
“Mong có kết quả cao nhất, nên em đã cố gắng học nhiều nhất có thể. Nhưng càng học nhiều lại càng bị rối. Em sợ không vào phòng thi sẽ không đạt được kết quả như mong muốn”, Minh cho hay.
Tuy nhiên, nhận ra điều đó, cho nên gần đến ngày thi, Minh đã điều chỉnh lại cách học của mình. Thay vì chỉ dồn vào học một môn lo lắng nhất, thì em rải đều ra các môn. Đây cũng là kinh nghiệm “xương máu” Minh rút ra từ kỳ thi vào lớp 10, Minh đã dành thời gian khá nhiều cho môn Văn, nhưng cuối cùng đây lại là môn Minh đạt số điểm thấp nhất.
Dự đoán đề thi môn Văn có thể vào Việt Bắc hoặc Đất nước, nhưng Minh mong sẽ ra vào tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), vì đây là tác phẩm truyện, đối với Minh, các tác phẩm truyện sẽ dễ làm, dễ phân tích hơn thơ.
Trái với các bạn, em Nguyễn Phúc Trung Kiên (Trường THPT Việt Đức) cho biết, môn Văn không phải là môn khó đối với em, bởi cũng là môn em học khá ổn. Không học tủ, học đều tất cả các tác phẩm, nhưng Kiên dự đoán năm nay đề sẽ vào thơ, nhất là hai bài Việt Bắc và Đất nước. “Em nghe mọi người đồn năm nay có sự kiện Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ nên đề sẽ vào những bài liên quan tới tình yêu đất nước”, Kiên nói.
Kiên cho hay, từ hôm qua tới giờ, em cũng có nghe về những nghi vấn lộ đề thi, tuy nhiên, em không quan tâm hay bị ảnh hưởng tâm lý vì điều đó. Bởi Kiên đã học khá chắc, ôn tập kỹ. Em được dặn dò làm bài cẩn thận, không để mất điểm những câu dễ.
Lưu ý thí sinh nắm vững, thực hiện đúng quy chế thi
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, ông Lê Minh Trung, Phó Trưởng điểm thi Trường THPT Việt Đức cho biết, đến thời điểm này, điểm thi đã hoàn tất các khâu về cơ sở vật chất để chuẩn bị cho kỳ thi.
Thi sinh doan de thi mon Van, nhung khong dam hoc “tu”-Hinh-3
 Ông Lê Minh Trung, Phó Trưởng điểm thi Trường THPT Việt Đức. Ảnh: Mai Loan.
Theo đó, mỗi phòng thi có 24 bộ bàn ghế, cũng đã có các phòng dự phòng. Mọi thiết bị phục vụ phòng thi từ máy phát điện, máy photocopy, các vật dụng khác đều được chuẩn bị đầy đủ. Về phương án của Sở GD&ĐT chỉ đạo, trong trường hợp thời tiết trở nên bất thường, đã có hệ thống ô hỗ trợ cho thí sinh khi bước vào cổng trường.  
Khu vực để đồ của thí sinh được bố trí ở nơi rất xa khu vực phòng thi, có 22 thùng carton để đựng đồ của từng phòng thi.
Một điểm đặc biệt, là sáng nay ông mới nhận được thông tin, tại điểm thi Trường THPT Việt Đức có 1 thí sinh khiếm thính. Ông đã xin chỉ đạo từ Sở GD&ĐT Hà Nội và chiều nay, Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (A06) trực thuộc Bộ Công an đã đến kiểm tra thiết bị trợ thính cho thí sinh để đảm bảo đúng quy chế.
“Năm 2024 là năm cuối cùng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT theo chương trình cũ. Tôi chúc các thí sinh bình tĩnh, tự tin, làm bài tốt nhất với sức lực của mình”, ông Trung nói và lưu ý các thí sinh cần nắm vững và thực hiện đúng quy chế thi, để có được kết quả tốt nhất.

Chiều nay, các thí sinh đã một lần nữa được nhắc nhở lại về quy chế thi, trong đó, đặc biệt là những vật dụng được mang vào phòng thi. Theo đó, những vật dụng thí sinh được phép mang vào phòng thi gồm: Bút viết, thước kẻ, bút chì, tẩy chì, ê ke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình, máy tính cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ, Atlat Địa lí Việt Nam được biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

00:0000:0000:00
00:00
Mời quý độc giả xem video thí sinh tại điểm thi Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ cảm xúc trước Kỳ thi THPT năm 2024. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)