Giấy thông hành âm tính COVID-19: Tốn tiền, mất sức, ít hiệu quả… nên bỏ?

Google News

Hiện nay nhiều địa phương yêu cầu người dân ra, vào tỉnh phải có giấy xác nhận âm tính COVID-19, vô hình trung kết quả xét nghiệm trở thành giấy thông hành. Tuy nhiên, giấy thông hành COVID-19 này cũng đang tồn tại nhiều bất cập.

Kẹt xe vì giấy xét nghiệm
Ngày 5/7, tỉnh Đồng Nai ra quy định người về/đến Đồng Nai hàng ngày từ TP HCM, Bình Dương yêu cầu phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 7 ngày từ ngày có kết quả xét nghiệm.
Do đó, nhiều người có nhu cầu đi lại giữa Đồng Nai - TP HCM và Bình Dương đã đổ xô đi xét nghiệm để kiếm được tấm “giấy thông hành”.
Việc yêu cầu phải có “giấy thông hành” mang tên xét nghiệm âm tính COVID-19 đã khiến giao thông trong các ngày 5- 6/7 ở các chốt kiểm soát ra/vào tỉnh Đồng Nai bị kẹt cứng.
Tại các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có thông báo và lập chốt kiểm soát người lái xe vào địa phận phải có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2. Nhiều tài xế di chuyển ra/vào địa phần 2 tỉnh này liên tục phản ánh tình trạng ùn tắc trên QL51 vì đây là tuyến đường bộ độc đạo gần nhất từ TP HCM, Đồng Nai đi Bà Rịa - Vũng Tàu, mật độ luôn rất cao, ven QL51 có hàng chục khu công nghiệp, cảng biển hoạt động.
Giay thong hanh am tinh COVID-19: Ton tien, mat suc, it hieu qua… nen bo?
Nhiều tuyến quốc lộ ùn tắc vì "giấy thông hành" âm tính COVID-19.
Anh Cao Văn Lâm, tài xế đường dài thường xuyên vận chuyển hàng hóa liên tỉnh phía Nam cho biết, việc quy định bất nhất về giá trị thời gian của giấy xét nghiệm giữa các địa phương khiến cánh tài xế gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém chi phí.
“Nhiều trường hợp anh em tài xế đi trong vài ngày liền, khi về đến Vĩnh Long hay Cần Thơ mà giấy hết hiệu lực thì phải test lại. Ai được doanh nghiệp hỗ trợ thì đỡ, còn không phải tự bỏ tiền túi ra xét nghiệm. Tiền công một ngày chỉ khoảng 200.000 đồng, trong khi đó tiền xét nghiệm đã hơn tiền công rồi” – anh Lâm cho biết.
Nhốn nhao vì giấy xét nghiệm
Sáng 5/7, tại khu B của chợ chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TP.HCM), nơi tổ chức phát phiếu cho thương nhân, khách hàng điền thông tin cá nhân để làm xét nghiệm nhanh dịch COVID-19 (30 phút sẽ cho kết quả xét nghiệm). Do có tới 14.000-15.000 người tham gia nhận giấy lấy mẫu xét nghiệm, dù chợ đã yêu cầu trật tự, xếp hàng lấy phiếu, nhiều người không tuân theo, dẫn đến có thời điểm bị lộn xộn, chen lấn, vi phạm nguyên tắc 5K.
Giay thong hanh am tinh COVID-19: Ton tien, mat suc, it hieu qua… nen bo?-Hinh-2
Tiểu thương và người dân chen lấn, xô đẩy, không thực hiện nguyên tắc 5K để lấy được giấy xét nghiệm ra vào chợ Bình Điền. 
Theo đại diện chợ Bình Điền, từ tối 5/7, chợ áp dụng quy định khách hàng, thương nhân muốn vào chợ phải trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với dịch COVID-19. Giấy có thời hạn trong 3 ngày, sau đó sẽ xét nghiệm lại và tiếp tục áp dụng.
Ông Trần Thanh Tùng, Chủ tịch UBND Quận 8 (TP.HCM) cho biết, trước tình hình dịch bệnh căng thẳng và sự chen lấn, nhốn nháo, không bảo đảm quy tắc phòng chống dịch bệnh COVID-19, UBND Quận 8 đã yêu cầu tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền. 
“Giấy phép con” sinh ra tội phạm “vặt”
Mới đây, Công an TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định tạm giữ hình sự Nguyễn Tùng Lâm (SN 1988, trú phường Quang Trung, TP Hải Dương, Hải Dương) về hành vi “làm giả giấy tờ cơ quan tổ chức”. Lâm là cán bộ tại Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) tỉnh Hải Dương.
Giay thong hanh am tinh COVID-19: Ton tien, mat suc, it hieu qua… nen bo?-Hinh-3
Đối tượng Nguyễn Tùng Lâm tại cơ quan công an. 
Trước đó, ngày 26/6, một xe ô tô cứu thương chở 5 người đi qua chốt nhưng không khai báo y tế theo quy định. Những người này được mời về trụ sở Công an TX Quảng Yên để làm việc.
Số người trên khai được Lâm xét nghiệm và cấp giấy kết quả để sử dụng đi qua chốt kiểm dịch. Nguyễn Tùng Lâm được Công an TX Quảng Yên mời tới trụ sở để xác minh sự việc. Tại đây, Lâm khai nhận từ cuối tháng 5 đã làm giả chữ ký của lãnh đạo, đóng dấu cấp giấy xét nghiệm nhằm mục đích thu lợi.
Khi biết người có nhu cầu, Lâm sẽ đến nhà hoặc ở một địa điểm hẹn trước để lấy mẫu xét nghiệm. Mỗi trường hợp, Lâm thu từ 200.000 đồng đến 700.000 đồng/người.
Hiện Nguyễn Tùng Lâm khai nhận đã thực hiện lấy mẫu và cấp giấy cho 40 trường hợp, thu lợi bất chính gần 10 triệu đồng.
“Giấy thông hành” đã thực sự an toàn?
Chia sẻ về việc liệu tờ “giấy thông hành âm tính COVID-19” có đảm bảo an toàn, không lây nhiễm hay không, PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho rằng, tờ giấy này chỉ là chứng nhận tại thời điểm xét nghiệm về cơ bản một người không nhiễm SARS-CoV-2, không phải là nguồn bệnh lây cho người khác.
“Nói cơ bản vì nếu họ nhiễm 1, 2 ngày đầu thì xét nghiệm cũng không ra bệnh, hoặc trong xét nghiệm cũng có sai sót bởi không có xét nghiệm nào đạt chính xác 100%” - ông Phu nói.
Giay thong hanh am tinh COVID-19: Ton tien, mat suc, it hieu qua… nen bo?-Hinh-4
PGS. TS. Trần Đắc Phu. 
Nhấn mạnh giấy này chỉ chứng nhận ở thời điểm xét nghiệm (nghĩa là không có thời hạn lâu dài) nên theo ông Phu, sau xét nghiệm mọi người vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh để không bị nhiễm mới. Giấy xét nghiệm không thể có chứng nhận nào là một người không thể nhiễm mới.
“Khi lưu thông, đi xe đường dài, di chuyển giữa vùng này vùng khác, dù có giấy xét nghiệm không bị nhiễm song điều quan trọng nhất là vẫn phải thực hiện biện pháp 5K”- ông Phu lấy ví dụ một người vừa nhận kết quả âm tính SARS-CoV-2 nhưng nếu lên xe, tàu, hoặc gặp mặt người khác mà không tuân thủ 5K thì rất có thể sẽ nhiễm bệnh.
PGS. TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường Y tế, Bộ Y tế cũng cho rằng, việc xét nghiệm âm tính COVID-19 chủ yếu để kiểm tra dịch tễ và chỉ có hiệu lực tại thời điểm xét nghiệm. Bởi vì virus SAR-CoV-2 có thời gian ủ bệnh lâu, khả năng lây nhiễm lại rất nhanh.
Giay thong hanh am tinh COVID-19: Ton tien, mat suc, it hieu qua… nen bo?-Hinh-5
PGS. TS Nguyễn Huy Nga. 
“Việc xét nghiệm cũng tốn rất nhiều thời gian, công sức và thậm chí còn gây nguy cơ lây lan dịch bệnh. Vì nhiều người thi nhau đi làm xét nghiệm để có thể tự do đi lại, các cơ sở y tế bị quá tải sẽ dẫn đến việc không kiểm soát được số lượng cũng như giữ khoảng cách an toàn. Nếu chẳng may có một trường hợp mắc COVID-19, hậu quả sẽ rất khó lường” - PGS. TS Nguyễn Huy Nga nói và cảnh báo, nếu nhiều người có nhu cầu cần giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 sẽ xuất hiện những "cò mồi" để mua giấy xét nghiệm, dẫn đến việc mua, bán, làm giả giấy xét nghiệm để trục lợi.
PGS. TS Nguyễn Huy Nga cũng cho biết thêm, một số tỉnh áp dụng giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 như "giấy thông hành" để ra vào địa phương cần phải có sự đồng bộ, nhất quán giữa các địa phương dưới sự hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ Y tế cũng cần có quy định và hướng dẫn thực hiện cụ thể về việc này.
>>> Mời quý độc giả xem video: Quyết tâm tổ chức kỳ thi đảm bảo phòng dịch | VTV24

Nguồn: VTV


Hiểu Lam- Văn Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)