Giáo sư Ngô Bảo Châu và chuyện một gia đình Danh gia vọng tộc

Google News

Có những điều còn ít biết về gia đình GS Ngô Bảo Châu, những điều đã góp phần làm nên tài năng và nhân cách của Giáo sư.

Trò chuyện với những bậc sinh thành GS Ngô Bảo Châu trong căn phòng khách bày biện khá ngăn nắp, đúng phong cách của một gia đình trí thức lớn, một gia đình mà các thành viên trong nhà đều là những người làm khoa học, tại căn hộ cao cấp khu Vincom do Chính phủ Việt Nam tặng, tôi mới vỡ ra nhiều điều.
Mẹ của GS Ngô Bảo Châu - Phó GS, Tiến sỹ Trần Lưu Vân Hiền sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc. Cụ nội của bà là Đông các học sỹ Trần Lưu Huệ, từng là Tổng đốc Hà Nội, làm quan qua bốn triều vua. Tên Lưu Huệ của cụ là tên được vua ban cho. Bố của bà là Trần Lưu Hân - người mở trường tư thục đầu tiên ở Hà Nội. Bà Trần Lưu Vân Hiền vốn người Hà Nội gốc, vào những năm bốn mươi của thế kỷ trước, gia đình bà khá giầu, có nhiều nhà cửa, có cả xe ô tô và nhiều tài sản có giá trị…
Bà Hiền đã từng học ở trường nhạc Việt Nam hệ 7 năm, sau đó mới vào Khoa Hóa Đại học Bách Khoa. Bà theo nghề dược, nhiều năm làm việc ở Viện Y học cổ truyền Trung ương. Bà nói Ngô Bảo Châu chịu ảnh hưởng bên ngoại rất nhiều. Con trai bà rất thân thiết với ông ngoại, hai ông cháu rất hợp tính nhau.
GS Ngô Bảo Châu và các cụ thân sinh. 
Trường học đầu tiên của Ngô Bảo Châu là Trường thực nghiệm Giảng Võ mà GS Hồ Ngọc Đại là người sáng lập. Khi Ngô Bảo Châu chuyển sang học ở trường PTCS Trưng Vương, năm lớp 6, thi vào chuyên toán, Châu bị trượt. Như một gáo nước lạnh giội vào đầu, Châu buồn lắm. Nhưng, thầy Tôn Thân bảo cứ yên tâm, sang năm Châu thi sẽ đỗ. Đúng như thầy nói, lần thi sau Châu đỗ với số điểm rất cao. Có thể vì học ở trường thực nghiệm là chỉ học phương pháp thôi, nên khi vào đây Châu chưa quen.

Giáo sư Ngô Bảo Châu vừa được Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao huy chương Fields. Ảnh: AFP.

Có lần, Châu cùng mấy bạn chơi ném ống bơ trong giờ học, bị thầy bắt được, phải lên phòng hội đồng làm bản kiểm điểm. Các bạn khác ký vào bản kiểm điểm xong thì kéo nhau về. Trò nghịch ngợm của học trò như thế là chuyện thường. Còn Châu, lại khác. Châu vốn nhạy cảm, với lại bà Hiền thường bảo cháu rằng nếu con làm điều gì sai trái thì mẹ không sống nổi! Có thể vì quá lo khi mẹ biết, chắc mẹ sẽ đau lòng lắm nên Châu không dám về nhà. Hôm ấy Châu bỏ đi lang thang cả ngày làm cả nhà phát hoảng. “Chúng tôi tá hỏa đi tìm Châu khắp nơi. Cho đến tối vẫn chưa tìm thấy Châu về. Thật là một ngày kinh khủng.
Suốt ngày hôm đó ông ngoại và các bạn của Châu, các bạn của tôi, chia nhau đi tìm khắp nơi, có lúc lo lắng đến hết hy vọng… Thầy Tôn Thân cũng đến nhà Châu tối hôm đó, ngồi đợi nhiều giờ, cũng lo lắng, khắc khoải… Đến khoảng 8 giờ tối, ông ngoại Châu đang đứng ngơ ngác ở rạp Kim Đồng thì thấy một chú Công an dắt tay Châu qua đường. Hai ông cháu ôm lấy nhau mà khóc. Chú Công an nói đã tìm thấy Châu đang đi lang thang ngoài bờ sông” - Bà Hiền kể.

Gia đình GS Ngô Bảo Châu.

Bà bảo, "chuyện Châu bỏ đi lang thang, tôi chưa kể cho ai nghe đâu. Châu sinh ngày 28 tháng 6 năm 1972. Vài tháng đầu sau khi sinh, hai mẹ con đã sống tại một gian nhỏ ở tầng một với một căn hầm cũng nhỏ để tránh bom. Nhà tôi bỏ vào hầm mấy hộp sữa, một ít thức ăn sẵn… Châu rất thích uống sữa… Có ngày, bom thả rất gần. Khi bom Mỹ rơi vào Đại sứ quán Pháp chỉ cách nhà vài trăm mét. Hình như Châu đã nhận được ơn phúc của tổ tiên từ ngày đầy khó khăn đó… Châu có một trí nhớ rất tốt. Bà bán nước ở phố Hàng Bài thường khoe với mọi người về Châu… Châu đọc thuộc lòng cho bà nghe bài thơ rất dài "Ba mươi năm đời ta có Đảng". Châu không những học thuộc chuyện Thạch Sanh mà còn chuyển thành văn vần".
Tôi hỏi bà Hiền rằng, Ngô Bảo Châu là con một, sinh ra trong một gia đình khá giả, được đùm bọc, yêu thương hết lòng. Có thể nói là được nuông chiều từ nhỏ… ấy vậy mà Châu lại rất ngoan, học giỏi ít ai bằng. Châu là học sinh Việt Nam đầu tiên hai lần đoạt huy chương vàng Olympic toán học quốc tế tại Úc năm 1988 và tại Liên bang Đức năm 1989. Khi ra nước ngoài, Ngô Bảo Châu cũng học rất giỏi tại Trường đại học Paris 6. Rồi trở thành nghiên cứu sinh của Trường đại học Paris 11. Năm 1997 Ngô Bảo Châu trở thành nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp. Năm 2003, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ khoa học, Ngô Bảo Châu được bổ nhiệm làm giáo sư đại học Paris 11… không biết gia đình có bí quyết gì không?
Bà Hiền trầm ngâm một lúc rồi nói "Gia đình chúng tôi từ nhiều đời nay sống nhân ái, lương thiện, thì đến một lúc nào đó Trời ban phúc đức cho dòng họ… Mình sống thế nào thì con cái cũng sẽ nhìn vào mà sống, mà làm người như thế…". Trời đã ban cho dòng họ Ngô, họ Trần Lưu, cho gia đình bà, cho đất nước một tài năng toán học lớn. Hay chính là truyền thống là cách chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ của gia đình, của nhà trường đã tạo ra một Ngô Bảo Châu - một tài năng toán học lớn, một nhân cách lớn.
GS-TS Ngô Huy Cẩn, bố của Ngô Bảo Châu kể cho tôi nghe chuyện ông đã dạy toán cho Châu lúc nhỏ như thế nào. Ông nói "buổi đầu, tôi ra cho Châu mỗi ngày 7 đến 8 bài toán để Châu làm. Tôi không ngờ, Châu làm nhanh quá. Về sau, tôi ra bài tập cho cả một chương trình toán. Tôi ra bài theo cấp số nhân như vậy… Châu thường chơi cờ với các chú dạy toán sau mỗi buổi học. Đánh cờ cũng là một cách để ôn luyện tư duy toán học. Châu chơi cờ rất khá. Các chú ở viện cơ học nơi tôi công tác thường chơi cờ với Châu và khen Châu lắm…".
GS-TS Ngô Huy Cẩn sinh năm 1941, quê ở Tảo Khê, Ứng Hòa (Hà Tây cũ) . Ông học ở Nga, làm luận án tiến sỹ khoa học ở đó và được nhà nước ta phong giáo sư năm 1990. Nhiều năm ông ở trong quân đội. Ông nói vì ở trong quân đội khá lâu, đi công tác nhiều cho nên việc chăm sóc Châu chủ yếu là nhờ bên ngoại. Được biết Ngô Bảo Châu là cháu của GS toán học Ngô Thúc Lanh người viết cuốn đại số đầu tiên ở Việt Nam. Có thể nói, Ngô Bảo Châu đã được giáo dục, được thừa hưởng truyền thống tri thức, truyền thống hiếu học của gia đình bên nội lẫn bên ngoại.
Từ nhỏ Ngô Bảo Châu đã được giáo dục toàn diện. Được học vẽ, học nhạc, học chơi đàn Violong. Bà Vân Hiền nói rằng, việc quan trọng bậc nhất mà gia đình luôn nhắc nhở, định hướng cho Châu là học làm người; mà điều quan trong bậc nhất của con người là tính trung thực. "Mẹ tôi có bảo tôi nói dối là tội to nhất trên đời. Bây giờ, tôi mới thấy, đi làm khoa học thì trung thực là điều quan trọng bậc nhất trên đời", GS Ngô Bảo Châu tâm sự.
Theo từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia: GS Ngô Bảo Châu là nhà toán học nổi tiếng với công trình chứng minh Bổ đề cơ bản cho các dạng tự đẳng cấu do Robert Langlands và Diana Shelstad phỏng đoán. Ông là người Việt Nam đầu tiên giành được huy chương Fields (như là giải Nobel trẻ về toán học). Công trình này đã được tạp chí danh tiếng Time bình chọn là một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009.
Ngô Bảo Châu là nhà khoa học trẻ nhất Việt Nam được phong hàm GS. Năm 2012, GS Ngô Bảo Châu được bầu là hội viên Hội toán học Hoa Kỳ. Khi viện nghiên cứu cao cấp về toán học của Việt Nam thành lập, GS Ngô Bảo Châu đảm nhận chức Giám đốc khoa học của viện. GS Ngô Bảo Châu đã được Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh. Ngô Bảo Châu cũng được vinh danh là công dân Thủ đô Hà Nội lần thứ nhất. Trường Đại học danh tiếng Chicago của Hoa Kỳ đã tặng danh hiệu giáo sư xuất sắc cho Ngô Bảo Châu và mời GS Ngô Bảo Châu ở lại giảng dạy.
Năm 1994, GS Ngô Bảo Châu kết hôn với Nguyễn Bảo Thanh, người bạn học chuyên toán cùng lớp thời còn học ở trường THCS Trưng Vương. Vợ chồng GS Ngô Bảo Châu đã có ba cô con gái: Ngô Thanh Hiên (sinh năm 1995); Ngô Thanh Nguyên (sinh năm 2000) và Ngô Hiền An (sinh năm 2003). Hiện vợ chồng GS Ngô Bảo Châu đang làm việc ở Trường Đại học Chicago và các con của GS Châu cũng đang học ở Hoa Kỳ. GS Ngô Bảo Châu sinh sống và học tập nhiều năm ở châu Âu, nhưng trong tư tưởng luôn thấm nhuần những minh triết của phương Đông.
Nói về đạo Phật, GS Ngô Bảo Châu cho rằng: "Triết lý nhà Phật giúp cho con người một nhân sinh quan rộng rãi giải phóng nhiều định kiến; đấy là một tố chất quan trọng của nhà khoa học". GS Ngô Bảo Châu cũng chia sẻ rằng: "Không phải ai cũng có khả năng đoạt giải Nobel hay Fieds, nhưng ai cũng có thể sống để cuộc sống của mình có ý nghĩa". Để tạo nên thiên tài, có rất nhiều yếu tố. Nhưng để mỗi người có cuộc sống có ý nghĩa như Ngô Bảo Châu đã nói thì việc giáo dục, bồi dưỡng nhân cách cho con, cho cháu là việc mà ai cũng phải làm và có thể làm được.
Khổng Tử nói "nhân chi sơ tính bản thiện" là ý nói khi mới sinh ra, con người ai cũng như ai, cho nên việc giáo dục làm người mà trong đó giáo dục gia đình và môi trương văn hóa xã hội là tối quan trọng. Nhưng, Tuân Tử lại nói "nhân chi tính ác, kỷ thiện giả ngụy giả”, tức bản tính con người là ác, điều thiện là do con người đặt ra. Tuy hai bậc tiền nhân nói có vẻ khác nhau, trái ngược nhau, nhưng cái đích cuối cùng vẫn là việc nhấn mạnh vai trò giáo dục của con người, của gia đình và xã hội. Tài năng, dù trên bất cứ lĩnh vực nào cũng luôn gắn với sự sáng tạo.
Để có sáng tạo, con người phải được sống và làm việc trong một môi trường gia đình và xã hội tối ưu. Con người phải được tự do đúng theo nghĩa chính xác nhất của từ này. Đúng như GS Ngô Bảo Châu, một tài năng toán học lớn, một nhân cách lớn, một người con hiếu thảo, một công dân gương mẫu đã nói "bám theo lề là việc của con Cừu, không phải là việc của con người tự do…".
Theo CAND

Bình luận(0)