Tỉnh nghèo - quan chức giàu, chuyện này bây giờ không còn là nghịch lí nữa. Nó là sự thật hiển nhiên, cũng giống như cơm ăn nước uống hằng ngày. Chấp nhận cái sự thật ấy nhưng mà vẫn thấy cay lắm nơi khóe mắt sống mũi.
Một ông phó chủ tịch tỉnh chơi xe sang được ưu ái gắn biển số xanh. Xe riêng của ông có giá dăm bảy tỉ, vẫn ngày ngày lượn trước mắt dân chúng trên đường đến công sở ở một tỉnh nghèo đồng bằng sông Cửu Long. Khi dư luận tiếng ong tiếng ve, ông thanh minh đấy là xe mượn của người thân.
Nhưng, cái kim trong bọc giấu còn chẳng được huống chi là một chiếc Lexus gắn biển xanh bày ra giữa bàn dân thiên hạ. Thì ra, chiếc xe ấy ông lại mượn của anh… tài xế ở tổng công ty cũ - nơi từ mấy năm trước khi ông còn ngồi ghế chủ tịch hội đồng quản trị thì tổng công ty từ chỗ là đơn vị anh hùng lâm vào cảnh bết bát. Nhất cử lưỡng tiện, ông mượn luôn cả chủ của nó từ Hà Nội vào Hậu Giang làm xế cho mình với mục đích giúp anh ta mở mang tầm hiểu biết. Quả là tình thương mến thương. Trên đời này có lẽ chẳng có mối quan hệ "chủ-tớ" nào đầy ân huệ đến thế.
Các cụ xưa có câu: "Ăn vụng phải biết chùi mép". Cái lí do mà ông phó chủ tịch đưa ra để thanh minh nào có ai tin dù sếp trên đã đỡ lời cho rằng, khi mới vào nhậm chức, ông phó chủ tịch cảm thông tỉnh còn nghèo, dân còn khổ nên đề nghị không cấp xe riêng cho mình sợ lại nặng gánh thêm cho ngân sách… Thật hiếm có vị công bộc nào nghĩ được như ông. "Tấm lòng" của ông đối với dân với nước thật đáng quí, nó trở thành "di sản" đóng hộp trong chiếc Lexus gắn biển xanh sang trọng để bây giờ cấp trên phải yêu cầu các ban, ngành, địa phương liên quan nhanh chóng tìm cho ra đặng làm gương cho hình mẫu lãnh đạo thăng tiến "đúng qui trình".
Chuyện "Xe tư nhân gắn biển số xanh và "di sản" của phó chủ tịch Hậu Giang" chưa hết sốt thì lại thêm một chuyện khác mà cái sự li kì cũng không kém, khiến dư luận tròn mắt: Địa phương trở thành con nợ của Bí thư, chủ tịch huyện.
Chuyện lạ có thật này xảy ra ở huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.
Được chọn là huyện điểm xây dựng nông thôn mới (NTM), lãnh đạo địa phương huyện Phước Long đã nóng vội chạy theo thành tích, lập tức cho xây dựng ồ ạt các công trình phục vụ NTM. Chẳng bao lâu sau, huyện trở thành con nợ lớn của các nhà thầu, các cơ sở bán vật liệu xây dựng... Số tiền nợ của huyện tăng chóng mặt chỉ trong vòng có vài năm, từ 124 tỉ đồng năm 2013 lên gần 400 tỉ đồng năm 2015.
Điều đáng nói là Phước Long không chỉ là con nợ của các nhà thầu mà còn là con nợ của bí thư, chủ tịch và một số vị lãnh đạo khác của huyện.
Trong lúc huyện lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, hàng ngàn giáo viên, công chức trên địa bàn nhiều tháng liền không được phát lương do ngân sách cạn kiệt thì các vị lãnh đạo địa phương lại dư tiền tỉ cho huyện vay để trả nợ.
Cụ thể, ông Trần Hoàng Duyên, nguyên bí thư (nhiệm kì 2010-2015) cho vay đến 13,450 tỉ đồng, đã thu hồi vốn được 11,7 tỉ đồng, tiền lãi là 267 triệu đồng.
Ông Lâm Thành Sáo, chủ tịch huyện đương nhiệm (thời điểm đó là phó chủ tịch) cho vay 5,3 tỉ đồng, đến khi “chốt sổ” thì số tiền lãi thu được là 216 triệu đồng.
Ông Phan Thành Đông, chủ tịch UBND huyện (2010-2016) cho vay 1,4 tỉ đồng, tiền lãi 80 triệu đồng.
Vụ việc khiến dư luận không chỉ ở Phước Long (Bạc Liêu) mà trong cả nước tròn xoe mắt thán phục: Quan chức mình giỏi thiệt. Mới là lãnh đạo cấp huyện mà vị nào cũng sêm sêm hàng tỉ đồng tiền mặt trong tay. Ai dám bảo công chức mình nghèo, lương ba cọc ba đồng?
Đồng lương nhà nước đã có khung có bậc, hơn kém nhau chẳng bao nhiêu, anh nào biết tiết kiệm chi tiêu thì sẽ có tiền tỉ. Các vị quan chức hơn dân thường là ở chỗ đó, các vị có thể vung tay quá trán "tiền chùa" nhưng "tiền nhà" thì chắt bóp, thu vén ghê lắm. Nhờ thế mà các vị mới có tiền tỉ trong tay để mà cho vay lấy lãi ngồi mát ăn bát vàng, mới tậu được xe sang đi làm, mới có anh tài xế sẵn sàng cho mượn xe Lexus năm bảy tỉ và tự nguyện làm xế suốt đời vì tình huynh đệ xoắn xít.
Người ta bảo nghèo thì hèn. Thấm nhuần câu ngạn ngữ ấy nên nhiều quan chức mình bây giờ chả thấy ai nghèo. Các vị giàu sang thì dân cũng được mở mày mở mặt, bởi dẫu sao thì các vị cũng là bộ mặt của địa phương, "quan trên trông xuống người ta trông vào" mà.