Nâng điểm thi bằng thủ đoạn tẩy, tô quét lại trong máy
Ngày 22/5, phiên xét xử sơ thẩm 12 bị cáo liên quan vụ án gian lận điểm thi trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 xảy ra ở Sơn La tiếp tục diễn ra phần xét hỏi để làm rõ các tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ", "Nhận hối lộ", "Đưa hối lộ". Qua lời khai các bị cáo đã cho thấy quy trình xóa dữ liệu nâng điểm thi một cách tinh vi.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Sơn La) khai nhận, trước kỳ thi THPT quốc gia 2018, bị cáo được ông Trần Xuân Yến gọi vào phòng trao đổi về việc nâng điểm bài thi trắc nghiệm cho một số con em trong cơ quan và một số người, trong đó có ông Hoàng Tiến Đức (nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La).
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga cũng trao đổi với ông Yến về cách thức thực hiện việc nâng điểm đó là cần phải tẩy, tô lại và quét lại trong máy. Muốn làm được, bài thi phải không được niêm phong và có sự giúp đỡ của cán bộ công an làm nhiêm vụ.
|
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga tại tòa. Ảnh: Công Lý. |
Theo lời khai của bị cáo Nga, trước và trong thời gian chấm thi đều trực tiếp nhận thông tin nhờ nâng điểm cho 39 thí sinh.
Cụ thể, ngày 28/6/2018, bà Nga được cấp trên là Lò Văn Huynh (Trưởng phòng Khảo thí) đưa thông tin 7 thí sinh để nhờ nâng điểm. Ngoài ra, bà Nga nhận thêm thông tin 20 thí sinh từ các bị cáo khác với mục đích tương tự.
Ngày 30/6/2018, ông Yến chuyển 3 tờ danh sách thí sinh cần nâng điểm cho bà Nga. Trong các tờ danh sách này đều có thông tin của thí sinh gồm: Họ tên, số báo danh, mã đề thi, địa điểm thi và số điểm cần nâng.
"Bị cáo Yến nói sửa theo số điểm của từng thí sinh ghi trong danh sách" – bị cáo Nga khai và cho biết tối 30/6, khi bị cáo đang sửa bài thi thì bị cáo Nguyễn Minh Khoa (Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an Sơn La) gọi điện nhờ nâng điểm thêm cho một em.
Theo lời bị cáo Nga, tất cả các trường hợp không có thỏa thuận, trao đổi về tiền bạc, chỉ riêng trường hợp của Trần Văn Điện đã cảm ơn bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga số tiền hơn 1,04 tỷ đồng cho 4 thí sinh.
Nói về thủ đoạn nâng điểm, bà Nga khai với bài trắc nghiệm, bị cáo tẩy xóa kết quả cũ sau đó tô lại cái mới và thực hiện quét để cập nhật vào đĩa kết quả. Với môn tự luận, bị cáo không sửa mà chỉ giúp bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Phó phòng Khảo thí) lấy giúp khóa phách của một số thí sinh để chấm nâng điểm.
Nói về việc rút bài, sửa nâng điểm cho các thí sinh, bị cáo Nga khai nhận, ngày 29, 30/6 và 1/7/2018, Nguyễn Thị Hồng Nga cùng các bị cáo Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn rút bài thi mang về sửa tại nhà Thủy. Để rút được bài, Đỗ Khắc Hưng và Đinh Hải Sơn (những người được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự khu vực chấm thi) đã mở cửa tầng 1 còn chìa khóa phòng chấm Nguyễn Thị Hồng Nga tự mở; chìa khóa do Sơn đưa.
Bà Nga khai sau khi có thông tin đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT lên kiểm tra, bà được ông Trần Xuân Yến (Phó giám đốc Sở GD&ĐT) gọi điện, dặn tải phần mềm trên mạng rồi hướng dẫn cách xóa hết dữ liệu nâng điểm thi trong máy tính để đề phòng thanh tra phát hiện. Trước khi hướng dẫn, bị cáo Yến dặn Nga sao lưu kết quả vào đĩa CD để tránh bị mất dữ liệu. “Bị cáo nghĩ việc sao lưu đó không ảnh hưởng do kết quả thi đã được công bố”, bị cáo Nga khai sau khi sao lưu, bị cáo đưa cho ông Yến 16 đĩa CD.
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga khẳng định trong quá trình chấm thi trắc nghiệm nếu không có sự đồng ý của bị cáo Trần Xuân Yến với vai trò tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm thì không thể sửa bài thi.
Cựu Phó giám đốc sở phủ nhận nhờ nâng điểm
Theo cáo trạng, bị cáo Trần Xuân Yến, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La đã làm trái nhiệm vụ được giao khi nhận thông tin 13 thí sinh để chuyển cho bị cáo Nga nâng điểm. Dù không trực tiếp tham gia việc sửa bài thi nhưng bị cáo Yến đã tạo điều kiện, đồng thuận cho nhóm bị cáo cấp dưới rút bài thi từ phòng niêm phong để mang về nhà chỉnh sửa. Khi bị thanh tra, ông Yến đã chỉ đạo bị cáo Nga xóa dữ liệu trên máy tính để trốn tội.
Tại phiên xét hỏi ngày 22/5, bị cáo Trần Xuân Yến đã phủ nhận cáo trạng quy kết bị cáo đã nhờ nâng điểm cho thí sinh thi THPT tại Sơn La 2018, đồng thời bác bỏ lời khai của những bị cáo khác tố ông chỉ đạo vụ nâng điểm thi. Bị cáo Yến chỉ thừa nhận đã đưa thông tin 13 thí sinh để nhờ bà Nga xem điểm. Trong đó có tờ đánh máy của ông Hoàng Tiến Đức (Giám đốc Sở GD&ĐT).
Bị cáo Yến thừa nhận ngày 29/6/2018, nhiều người thân và bạn bè nhắn tin để nhờ bị cáo xem điểm cho các thí sinh.
|
Bị cáo Trần Xuân Yến. Ảnh: Zing. |
Đặc biệt, ông Trần Xuân Yến nhiều lần khẳng định bị cáo không chỉ đạo Nguyễn Thị Hồng Nga dùng phần mềm để xóa dữ liệu nâng điểm thi như nữ bị cáo khai. Nói lý do đưa danh sách cho bà Nga xem điểm, ông Yến trình bày do bà Nga là người trực tiếp sử dụng phần mềm quét bài thi và đối chiếu kết quả. Bị cáo Yến là người quản lý đĩa kết quả chấm điểm, theo quy trình bài thi sẽ chuyển cho Nga đưa vào máy chấm, nên chỉ bà Nga mới có thể xem điểm trước.
Trình bày sau khi có thông tin đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT lên làm việc, bị cáo đã yêu cầu Nguyễn Thị Hồng Nga và những người khác rà soát toàn bộ quy trình của việc chấm thi để báo cáo đoàn thanh tra. Riêng với bà Nga, ông Yến chỉ đạo thêm việc bàn giao dữ liệu của kỳ thi ra để bảo quản.
Bị cáo Trần Xuân Yến khai ngày 19/7/2018, bà Nga chuyển cho bị cáo 2 hộp đĩa CD, nói đó là dữ liệu bài thi nhưng lúc đó, ông ta không biết bên trong có gì. Trả lời HĐXX về việc vì sao tiêu hủy các bộ đĩa ở nghĩa trang?, ông Yến cho biết, sau khi hoàn tất các công việc, bị cáo "tiện đường đi làm về nhà nên đã hủy bộ đĩa".
Bị cáo Trần Xuân Yến cũng thừa nhận có thiếu sót duy nhất trong việc đóng, mở niêm phong túi đựng bài thi. Theo đó, bị cáo chỉ lập một biên bản, trong khi theo quy định phải lập biên bản đóng, mở niêm phong riêng biệt, cho rằng việc này không có mục đích tạo điều kiện cho các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội.
Trong phần xét hỏi, bị cáo Lò Văn Huynh (nguyên Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La) đã phủ nhận cáo trạng quy kết nhận 1 tỷ đồng từ Nguyễn Minh Khoa (nguyên Phó phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) để giúp nâng điểm cho 4 thí sinh.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra tháng 10/2019, bị cáo Lò Văn Huynh thừa nhận hành vi nhận hối lộ 1 tỷ đồng do nhận thức chưa đầy đủ. Tuy nhiên, theo lời bị cáo này, sau khi vụ án bị trả hồ sơ điều tra bổ sung, ông Huynh thay đổi lời khai, khẳng định không nhận 1 tỷ từ cựu cán bộ công an Nguyễn Minh Khoa.
"Sau khi điều tra lại, bị cáo nghĩ khai đúng sự thật sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ" – bị cáo Huynh nói.
Về nguồn gốc của số tiền, bị cáo Lò Văn Huynh khai đó là tiền tiết kiệm của gia đình và tiền bán mảnh đất ở quê, không phải là tiền mà bị cáo có được khi thực hiện hành vi phạm tội, nhận từ bị cáo Khoa. Trước khi bị bắt, Lò Văn Huynh đã cho em vợ là Lê Thanh Sơn vay.
Bị cáo Lò Văn Huynh cũng mong muốn HĐXX xem xét trả lại 1 tỷ đồng cho gia đình. Còn cáo buộc nhận 300 triệu từ Lò Thị Trường để nâng điểm cho con trai bà này, bị cáo Huynh đã thừa nhận.
Trả lời Hội đồng xét xử sau đó với vai trò người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, ông Lê Thanh Sơn cho rằng số tiền 1 tỷ đồng đã nộp cho cơ quan điều tra là vay của bị cáo Lò Văn Huynh. Ông Lê Thanh Sơn cũng mong muốn được cơ quan chức năng trả lại 1 tỷ đồng mà mình đã giao nộp trước đó.
Ngày 23/5, phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị cáo.
>>> Mời độc giả xem video Mở lại phiên sơ thẩm gian lận thi cử Sơn La