Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Hội chứng các dự án đội vốn "khủng" ở Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - "Hội chứng" các dự án đội vốn khủng ở Việt Nam mà tiêu biểu là tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang là bất cập trong bối cảnh ngân sách Nhà nước và địa phương đang rất hạn chế.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông gây rất nhiều lùm xùm khi trước đó được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2009 với tổng mức đầu tư hơn 550 triệu USD (gần 8.800 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.
Khởi công tháng 10/2011 với mục tiêu hoàn thành vào tháng 6/2014, một năm sau chính thức khai thác, tuy nhiên, sau đó dự án lùi tiến độ vận hành đến tháng 6/2016, rồi tiếp tục lùi đến cuối năm 2016, cuối quý 2/2017. Sau khi được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 868 triệu USD (18.000 tỷ đồng), dự án lùi đến tháng 10/1017, rồi đến tháng 2/2018, cuối năm 2018.
Tháng 9/2018, dự án chạy thử nghiệm và lại lùi thời gian vận hành đến tháng 4/2019. Dịp 30/4, dự án tiếp tục lỡ hẹn, lùi đến quý 2/2019.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là một trong 5 dự án đường sắt đô thị được triển khai ở Hà Nội và TP HCM với tổng cộng trên 81.000 tỷ đồng đã bị đội vốn cho 5 dự án này.
Tuyến đường sắt đội vốn nhiều nhất phải nhắc đến là ĐSĐT số 1 của TP HCM tuyến Bến Thành – Suối Tiên đã tăng từ 17.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng (đội vốn khoảng 30.000 tỷ đồng). Dự án này nếu làm đúng tiến độ, sẽ được hoàn thành vào năm 2017 và vận hành vào 2018.
Tuy nhiên cho đến thời điểm cuối tháng 8 vừa qua, chỉ 50% khối lượng của dự án này, kéo theo hạn hoàn thành và đưa vào vận hành đến năm 2020. Tuy nhiên, dự kiến này đang đặt nhiều nghi ngờ bởi tiến độ "rùa bò" như đã nêu.
Duong sat Cat Linh - Ha Dong: Hoi chung cac du an doi von
Tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên có tổng chiều dài gần 20 km, gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km trên cao. 
Cũng ở TP HCM với mức độ đội vốn chỉ xếp sau dự án nói trên là tuyến tàu điện ngầm số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương) dài 9,2km. Vào năm 2010, tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu của dự án là khoảng 26.100 tỷ đồng, tuy nhiên, đến nay ước tính mức đầu tư khoảng 47.000 tỷ đồng (tăng 21.000 tỷ đồng).
Như vậy, chỉ 2 tuyến ĐSĐT ở TP HCM đã  bị đội lên tới 51.000 tỷ đồng.
Còn tại 3 dự án đường sắt đô thị của Hà Nội, gồm các tuyến Nhổn - Ga Hà Nội; Cát Linh - Hà Đông và Yên Viên - Ngọc Hồi có số tiền đầu tư tăng thêm so với phê duyệt ban đầu, lần lượt là 14.052 tỷ đồng; 9.232 tỷ đồng và 5.602 đồng tỷ đồng.
Tính cả 5 tuyến ĐSĐT đang triển khai, đã có hơn 81.000 tỷ đồng bị đội vốn, nhưng chắc con số trên chưa dừng lại ở đó khi có những dự án chưa xác định được thời hạn về đích (ví dụ như ĐSĐT Cát Linh – Hà Đông). Hoặc như một số dự án dù đã chốt tiến độ, nhưng không ai dám chắc có đảm bảo đúng thời hạn hay không.
5 dự án kể trên là số ít trong nhiều dự án bị đội vốn trên khắp cả nước từ lúc manh nha đến khi được thông qua chủ trương, triển khai thực hiện và hoàn thành, có những dự án vòng đời lên tới 20 năm, và số vốn sơ toán ban đầu khi quyết toán cũng tăng gần 10 lần. Tuy nhiên tới thời điểm này, trách nhiệm vẫn chỉ chung chung do chủ đầu tư, do Bộ, địa phương... nhưng chưa có ai bị xử lý.
Duong sat Cat Linh - Ha Dong: Hoi chung cac du an doi von
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông "chây ì" rất nhiều lần.
Tháng 5 vừa qua, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017 gửi đến Quốc hội, chỉ ra hàng loạt vấn đề ở mục kiểm toán chi ngân sách nhà nước về hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước điểm danh nhiều dự án khác "đội" vốn đầu tư với giá trị lớn, điều chỉnh nhiều lần như: Dự án tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi 3 lần, tăng 147,9 tỷ đồng; Dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh điều chỉnh 6 lần, tăng thêm 3.956 tỷ đồng, tương đương 233% (từ 1.698 tỷ đồng lên 5.654 tỷ đồng); Dự án công trình cầu Cửa Đại 4 lần, tăng 970 tỷ đồng; Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận 03 lần, tăng 2.687 tỷ đồng, tương đương 105% (từ 2.552 tỷ đồng lên 5.239 tỷ đồng)...
Thậm chí, một số dự toán duyệt còn sai sót như: Dự án thành phần 1-Đoạn qua TPHCM và tỉnh Long An (Km3+004 - Km34+300) là 180,5 tỷ đồng; Dự án tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi 226,6 tỷ đồng; Dự án xây dựng mới trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tối cao 72,7 tỷ đồng; Dự án đường Nha Trang đi Đà Lạt, đoạn Nha Trang - Diên Khánh (Cao Bá Quát - Cầu Lùng) 45,5 tỷ đồng; 6 dự án thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa 23,4 tỷ đồng...
Cá biệt có dự án phát hiện thấy tổng dự toán được duyệt vượt tổng mức đầu tư theo kết quả kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư XDCB giai đoạn 2015-2017 trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa: Huyện Mường Lát 1 dự án, Bá Thước 1 dự án.
Bên cạnh đó, còn nhiều dự án phê duyệt chủ trương đầu tư chưa đủ thủ tục, điển hình như tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá có tới 19/33 dự án thuộc chuyên đề việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2015 – 2017.
Duong sat Cat Linh - Ha Dong: Hoi chung cac du an doi von
Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) là một trong nhiều nơi tràn lan dự án đội vốn. 
TS Võ Trí Thành, nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng đây là vấn đề “đáng nói” bởi việc giải ngân vốn đầu tư công thực tế là “rất chậm”.
“Lý do thứ nhất là những vướng mắc pháp lý liên quan đến Luật Đầu tư công, rồi Luật Quy hoạch. Thứ hai, liên quan đến câu chuyện quan hệ giữa Việt Nam với các nhà tài trợ (những ràng buộc trong hợp đồng ODA). Lý do thứ ba, là sự tương thích giữa kế hoạch ngân sách hàng năm với kế hoạch ngân sách trung hạn có những va đập, mắc mớ, không tương thích”.
Kỹ sư Vũ Thắng - nguyên Phó giám đốc Phân viện thiết kế tổng hợp, Sở GTVT TP.HCM cho biết: “Tình trạng đội vốn, trình giá mồi thấp sau đó thực hiện giá cao là chuyện phổ biến ở hầu khắp các công trình thuộc nhiều lĩnh vực ở Việt Nam, không chỉ những dự án lớn vài ngàn đến vài chục ngàn tỉ tăng vốn, mà hàng ngàn dự án lớn nhỏ ở các địa phương, được đầu tư từ vốn ngân sách mà người dân ít quan tâm, thiếu giám sát, nếu ở đâu cũng đội vốn gấp đôi gấp ba, thậm chí gấp cả chục lần và người thực hiện cũng nại ra đủ thứ lý do khách quan thì sự thất thoát sẽ lên tới mức không tưởng”.
Mặt khác, cũng vì hàng trăm dự án đội vốn, chậm trễ nhưng chưa thấy ai phải chịu trách nhiệm nên người sau kế người trước, dự án sau nối dự án trước, đội vốn gần như đã trở thành hệ thống và tất yếu.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ: “đối với 5 dự án đường sắt đô thị đội vốn hiện nay giống như 'đâm lao phải theo lao', dự án đã xây dựng đến như vậy rồi buộc phải hoàn thành, nếu để không thì không được".
Ông Doanh cũng thẳng thắn chỉ rõ, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương đang rất hạn chế, nếu tiếp tục vay ODA cũng không phải dễ dàng vì Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Mặt khác, dù có vay được vốn ODA thì nền kinh tế cũng phải mang thêm một món nợ, đặt thêm gánh nặng cho nền kinh tế.
>>> Xem thêm: "Chây ì" dự án tỷ đô Cát Linh - Hà Đông

Nguồn: VTC.

Quý An

>> xem thêm

Bình luận(0)