“Nếu như mọi việc suôn sẻ, hết 31/12/2019, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ khai thác thương mại” –Đó là phát biểu của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm tháng 11/2019.
Tuy nhiên, đến thời điểm đã bước sang năm mới 2020, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa thể đưa vào khai thác thương mại, đồng nghĩa lại thêm một lần lỡ hẹn.
Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trước đó đã đưa ra 4 vấn đề lớn chưa được giải quyết khiến dự án này chậm tiến độ và chưa thể đưa vào vận hành.
Thứ nhất, hội đồng nghiệm thu nhà nước phải tiến hành nghiệm thu đánh giá về an toàn khi đưa toàn bộ hệ thống của dự án vào vận hành.
|
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Tiền Phong. |
Theo ông Chung, dù hiện nay đã đồng ý cho Công ty đường sắt 6 Trung Quốc đưa toàn bộ chứng minh liên quan nguồn gốc, xuất xứ toàn bộ thiết bị theo tiêu chuẩn Trung Quốc. Tuy nhiên, tổng thầu đang chậm và hứa sẽ sớm cung cấp, khi đó, hội đồng nghiệm thu nhà nước mới nghiệm thu hoàn toàn.
Thứ hai là những nội dung về kiểm toán. Theo ông Chung, tổng thầu nói không phải kiểm toán nhưng quan điểm rõ ràng là bất kể một dự án FDI, vốn ODA của bất cứ nước nào hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam phải chấp hành theo pháp luật của Việt Nam, cơ quan kiểm toán Việt Nam hoàn toàn có quyền và tổng thầu phải giải trình.
Thứ ba, tất cả các thiết bị liên quan đến nguồn gốc xuất xứ là phải phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để cung cấp trang thiết bị và các nội dung trong hợp đồng đã ký thì phải thực hiện.
Thứ tư, tất cả các kiến nghị của kiểm toán là phải khắc phục, Hà Nội cũng đồng ý việc này vì sau khi dự án kiểm định sẽ bàn giao cho Hà Nội quản lý và sử dụng.
Theo báo cáo mới đây của Chính phủ do Bộ trưởng GTVT thừa ủy quyền của Thủ tướng ký trình Quốc hội nêu rõ, nếu không hoàn thành đánh giá hệ thống đảm bảo an toàn thì khó nghiệm thu đưa vào khai thác dự án Cát Linh-Hà Đông.
Cụ thể, về đánh giá an toàn đoàn tàu, qua đánh giá ban đầu của Tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống (đơn vị tư vấn của Pháp: Liên danh Apave - Certifer - Tricc), tổng thầu chưa cung cấp được các chứng chỉ mức độ an toàn, các kết quả thử nghiệm an toàn từ nhà sản xuất, chưa thực hiện đầy đủ giải pháp đánh giá bằng thử nghiệm thực tế tại hiện trường nơi sản xuất dẫn đến chưa đủ cơ sở để tư vấn độc lập hoàn tất đánh giá an toàn của đoàn tàu về hồ sơ, điện, phanh hãm.
Nếu không giải quyết triệt để, có khả năng phải kéo dài thời gian khắc phục và hoàn chỉnh đánh giá để nghiệm thu đưa vào khai thác.
Về đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, theo báo cáo của Tư vấn độc lập, do tồn tại chưa đánh giá an toàn của đoàn tàu và một số khiếm khuyết của hệ thống tín hiệu điều khiển, quản lý an toàn vận hành; đồng thời, do tổng thầu chưa cung cấp đủ các chứng chỉ, hồ sơ tài liệu kỹ thuật an toàn, thử nghiệm thí nghiệm an toàn nên Tư vấn độc lập chưa thể hoàn tất báo cáo cuối cùng về đánh giá an toàn hệ thống.
"Ngoài ra, quá trình vận hành thử toàn hệ thống sẽ đánh giá khả năng thành thục của nhân sự trực tiếp vận hành và khả năng ứng phó các tình huống khẩn cấp. Do đó, nếu không hoàn thành đánh giá Hệ thống đảm bảo an toàn sẽ khó có thể nghiệm thu đưa vào khai thác", báo cáo của Chính phủ nêu rõ.
Bộ GTVT cho rằng, tổng thầu đã đề xuất mốc thời gian hoàn thành công tác nghiệm thu, chuyển giao dự án dự kiến vào ngày 31/12/2019.
Tuy nhiên, do tiến độ tổng thầu đưa ra còn có nhiều nội dung chưa chi tiết và có các điều kiện ràng buộc (Công tác nghiệm thu thanh toán phải được thực hiện bao gồm thanh toán trọn gói và các hạng mục phát sinh, Tổng thầu nhận được chứng chỉ hoàn thành công trình), nên theo đánh giá của Bộ GTVT, mốc thời gian nêu trên là khó khả thi.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư năm 2008 với tổng vốn gần 8.800 tỷ đồng (khoảng 553 triệu USD), trong đó 400 triệu USD là vốn vay Trung Quốc. Tổng mức đầu tư sau đó được điều chỉnh lên trên 18.000 tỷ đồng (868 triệu USD) vào năm 2016, đáng nói phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm hơn 7.220 tỷ đồng, lên mức gần 13.900 tỷ đồng (669,6 triệu USD).
Trong báo cáo của Chính phủ lý giải, việc tổng mức đầu tư của dự án được điểu chỉnh từ 8.769 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng (tăng 9.231 tỷ đồng) là do thay đổi phương án nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng; bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu Depot; Bổ sung hạng mục đường tránh Quốc lộ 6; Điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox; kinh phí mặt bằng thay đổi, biến động về giá nguyên, nhiên, vật liệu,...
Tuy nhiên, đến nay sau 11 năm phê duyệt, 8 năm thi công, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành tới 99% khối lượng và chỉ còn 1% các hạng mục phụ trợ, nhưng vẫn chưa thể cán đích.
Mới đây, Công ty vận hành đường sắt đô thị Hà Nội đã vận hành chạy 5 ngày liền, sau khi chạy đủ 20 ngày thì sau đó sẽ nghiệm thu. Sau đó, hệ thống sẽ đưa vào chạy. Tuy nhiên, đã sang năm mới 2020, vẫn chưa biết ngày nào chính thức đưa vào khai thác thương mại dù đã gần chục lần lỡ hẹn từ chạy thử đến khai thác thương mại các đoàn tàu với người dân Thủ đô.
>>> Mời độc giả xem video Bế tắc nghiệm thu cản trở đường sắt Cát Linh-Hà Đông?:
Tháng 10/2019, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình thực hiện và các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện một số dự án hạ tầng giao thông cấp bách của Bộ GTVT.
Dù ghi nhận những đóng góp của Bộ GTVT, Thủ tướng nhấn mạnh việc triển khai các công việc quan trọng, cấp bách của ngành còn chưa được chủ động, hiệu quả chưa cao, còn tồn tại, hạn chế.
Chỉ đạo cụ thể với dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng giao Bộ GTVT phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét đưa vào sử dụng nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn.
“Những sai phạm phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.