Đường “Nhuệ” khai đến công ty Lâm Quyết để “bảo vệ”, không cướp tài sản?

Google News

(Kiến Thức) - Trả lời HĐXX về việc cùng đàn em đến và chiếm đoạt tài sản tại công ty Lâm Quyết, Đường “Nhuệ” nói rằng, có ý tốt muốn “bảo vệ” giữ tài sản cho vợ chồng Lẫm Quyết chứ không phải để cướp tài sản.

Tại phần tranh tụng phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ vợ chồng chủ Công ty TNHH Lâm Quyết (Thái Bình) là ông Nguyễn Văn Lẫm (58 tuổi) và vợ Phạm Thị Quyết (53 tuổi, trú TP Thái Bình) lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, phần đối chất với Nguyễn Xuân Đường thu hút sự chú ý của dư luận.
Khi trả lời Hội đồng xét xử về việc cùng đàn em đến và chiếm đoạt tài sản tại công ty TNHH Lâm Quyết, Đường “Nhuệ” khai rằng, sáng 3/10/2017, Đường nghe vợ nói vợ chồng Lẫm Quyết bỏ trốn nên đã cùng con nuôi Bùi Mạnh Tiến (Tiến “trắng”) đến Công ty TNHH Lâm Quyết.
Duong “Nhue” khai den cong ty Lam Quyet de “bao ve”, khong cuop tai san?
Đường "Nhuệ" trả lời HĐXX tại tòa. 
“Khi đến nơi, tôi thấy có nhiều nhân viên của Công ty TNHH Lâm Quyết trong đó có người đang cẩu gỗ mang đi nên đã yêu cầu họ dừng lại vì có ý tốt muốn giữ tài sản cho vợ chồng Lẫm Quyết. Sau đó, tôi có đến Công ty TNHH Lâm Quyết thêm vài lần nữa" – Đường “Nhuệ” nói và khẳng định, hoàn toàn không biết những người đến công ty, bản thân cũng không lấy đồ đạc gì của công ty này và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc này.
Đường "Nhuệ" cũng thừa nhận đã bảo con nuôi Tiến “trắng” ở lại Công ty TNHH Lâm Quyết nhưng khai là để ngăn không cho ai lấy đồ của công ty này ra ngoài. Đáng chú ý, Đường “Nhuệ” phủ nhận việc huy động đàn em xăm trổ đến chiếm và cướp tài sản, giấy tờ ở Công ty TNHH Lâm Quyết như các bị cáo và một số nhân chứng nói.
Theo Đường "Nhuệ", đến ngày 19/10/2017, khi có người tên Kiên mang theo giấy ủy quyền của vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết giao cho con trai đứng ra giải quyết toàn bộ số tài sản trong công ty. Nhận thấy như vậy là đúng quy định pháp luật nên Đường và đàn em đã rút về. Trước khi về, có em trai ông Lẫm là ông Nhàn và công an xã chứng kiến.
Khi đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội hỏi Đường "Nhuệ" về việc tiếp cận trụ sở công ty với mục đích bảo vệ, nhưng khi đến có báo cho công an, chính quyền địa phương hay không?
Khi cho người ở lại để ngăn ngừa người khác lấy tài sản của công ty thì có đăng ký tạm trú với cơ quan chức năng? Có điện thoại cho vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết và có được đồng ý hay không?
Trả lời câu hỏi trên, Đường “Nhuệ” khẳng định, có báo chính quyền địa phương nhưng không đăng ký tạm trú và có điện thoại cho ông Lẫm. Tuy nhiên, Đường "Nhuệ" lại thừa nhận không được vợ chồng ông Lẫm đồng ý cho "bảo vệ" và cho rằng minh không sai.
Tuy nhiên, đại diện VKS nói Nguyễn Xuân Đường không xác định được vi phạm, cơ quan tố tụng sẽ làm rõ việc buộc Đường thừa nhận hành vi vi phạm của mình.
Đáng chú ý, trả lời HĐXX, Đường “Nhuệ” nói chưa bao giờ đòi nợ số tiền 1,7 tỷ vợ chồng ông bà Lẫm Quyết nợ gia đình mình. Tuy nhiên, Đường “Nhuệ” thừa nhận khi nói chuyện với ông Lẫm qua điện thoại đã nóng giận chửi bới, đe dọa ông Lẫm.
Đường “Nhuệ” cũng nói không có ý định yêu cầu ông Lẫm bán lại công ty như trong cuộc gọi mà ông Lẫm đã ghi âm vì không có nhu cầu.
"Đây là cái bẫy của ông Lẫm đưa tôi vào tròng, để tôi nổi nóng, dọa nạt, đe dọa ông Lẫm, nhưng đó chỉ là do tức giận. Còn việc ép để chuyển nhượng, bán công ty thì bản thân tôi không có nhu cầu. Đó chỉ là đề xuất có lợi cho ông Lẫm" – Đường “Nhuệ” nói.
Trong lúc bị xét hỏi, Đường “Nhuệ” đã đề nghị được giao nộp 1 giấy vay nợ gán xe Toyota Camry của ông bà Lẫm Quyết với người khác.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cơ quan dân cử Thái Bình đùn đẩy trách nhiệm trả lời vụ Đường Nhuệ

Nguồn: VTC News

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)