Một số chuyên gia cho rằng, nên tận dụng dự án đã hoàn thành để chủ động đào tạo trong nước, giảm chi phí đầu tư.
Một số chuyên gia cho rằng, có thể tận dụng hệ thống metro Cát Linh - Hà Đông để tổ chức đào tạo nhân sự cho dự án Bến Thành - Suối Tiên, thậm chí cả với các dự án khác trong tương lai. Ảnh: Tạ Hải
Mỗi dự án một kiểu đào tạo gây lãng phí
Dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên, TP.HCM) được khởi công năm 2012, quy mô đầu tư tuyến đường 20km và 14 nhà ga, đang bước vào giai đoạn cuối.
Đơn vị quản lý dự án cho biết, dự án hiện đạt gần 89% tiến độ tổng thể và dự kiến chạy các đoàn tàu từ giữa năm nay, khai thác vận hành năm 2023.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, dự án cần đảm bảo tiến độ về đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp khai thác, vận hành dự án (lái tàu, chỉ huy chạy tàu, điều độ, bảo trì…).
Theo kế hoạch ban đầu, 10 lái tàu sau khi hoàn thành đào tạo trong nước sẽ được đưa sang Nhật Bản đào tạo nâng cao để về truyền đạt lại cho các lái tàu khác.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, từ tháng 7/2020, dự án bắt đầu tổ chức đào tạo nghề cho 58 lái tàu, nhưng từ cuối năm 2020 đến nay, nhà thầu đã dừng việc đào tạo. Với các công việc khác cũng chưa tổ chức đào tạo nhân sự.
Nguyên nhân là do hạng mục đào tạo nhân sự nằm trong gói thầu tư vấn chung của dự án. Trong khi đó, gói thầu này đang bị nhà thầu dừng lại do chưa đạt được thỏa thuận về phát sinh chi phí gói thầu.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, gói thầu tư vấn chung dự án (gồm cả hạng mục đào tạo, lắp đặt thông tin tín hiệu…) được ký với Liên danh nhà thầu NJPT từ năm 2007, giá trị gần 1.300 tỷ đồng.
Quá trình thực hiện phát sinh chi phí nên phải ký 18 phụ lục hợp đồng và đang đề xuất thêm phụ lục thứ 19, với dự toán tăng thêm 1.669 tỷ đồng.
Đây cũng là điều kiện để nhà thầu khởi động lại công tác đào tạo lái tàu và nhân sự khác. Hiện phụ lục hợp đồng thứ 19 đang trình UBND thành phố phê duyệt.
Lãnh đạo một đơn vị liên danh đào tạo lái tàu dự án Bến Thành - Suối Tiên cho biết, việc dừng chương trình đào tạo làm chậm trễ tiến độ đào tạo và gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý học viên.
“Thời gian đào tạo lái tàu đường sắt đô thị là 1,5 năm. Nếu việc đào tạo không sớm được khôi phục lại sẽ ảnh hưởng đến tiến độ vận hành dự án”, ông này cho biết.
Tại dự án metro Nhổn - ga Hà Nội (Hà Nội), việc tổ chức đào tạo khác hẳn so với dự án Bến Thành - Suối Tiên. Đó là hạng mục đào tạo không nằm trong gói thầu tư vấn chung, mà các gói thầu xây lắp, thiết bị đã bao gồm cả hạng mục đào tạo nhân sự.
Đơn vị quản lý dự án thông tin, hiện các lái tàu đang bắt đầu được đào tạo thực hành. Do dịch Covid-19, toàn bộ học viên được đào tạo trong nước và không đưa một số học viên sang Pháp đào tạo như kế hoạch trước đây. Nhân sự của các bộ phận khác cũng đang được tuyển dụng để xúc tiến đào tạo.
Đào tạo thế nào khi khác nhau về công nghệ?
Kỹ thuật viên bộ phận kiểm tra, sửa chữa tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông
Từ thực tế dự án Bến Thành - Suối Tiên, một số chuyên gia cho rằng, có thể tận dụng hệ thống metro Cát Linh - Hà Đông để tổ chức đào tạo cho nhân sự cho dự án Bến Thành - Suối Tiên, thậm chí cả với các dự án khác trong tương lai.
Theo chuyên gia đường sắt Nguyễn Ân, tuyến metro Cát Linh - Hà Đông hiện là hệ thống đường sắt đô thị hoàn chỉnh và đã vận hành ổn định.
Đây là điều kiện tốt nhất, khả thi để đào tạo thực hành cho các chức danh công việc cho dự án Bến Thành - Suối Tiên, giúp giải quyết vấn đề hiện nay của dự án trên và có thể tiết kiệm chi phí đào tạo.
“Tuyến Cát Linh - Hà Đông hiện vắng khách do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tổ chức đào tạo tại đây không gây ảnh hưởng đến vận hành tuyến”, ông Ân nói.
Đồng tình, một giáo sư cố vấn tại Trường Đại học GTVT đánh giá đây là cách làm hiệu quả, song cần phải có một cơ quan đứng ra chủ trì tổ chức thực hiện.
Tuy vậy, TS. Phạm Văn Ký (Trường Đại học GTVT Hà Nội) và giảng viên Nguyễn Thái (Trường Đại học GTVT TP.HCM) tỏ ra băn khoăn khi cho rằng công nghệ tuyến Bến Thành - Suối Tiên không hoàn toàn giống với Cát Linh - Hà Đông. Do đó, chỉ có thể đào tạo các nội dung cơ bản, còn vẫn phải do chuyên gia dự án đào tạo.
Tương tự, lãnh đạo Cục Đường sắt VN nhận định, việc này sẽ gặp phải khó khăn do sự khác nhau về công nghệ giữa hai tuyến.
Toàn quốc có dự án metro Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ 6/11/2021. Hai dự án khác đang triển khai giai đoạn cuối là Nhổn - ga Hà Nội và Bến Thành - Suối Tiên.
Theo ông Phạm Văn Chánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đường sắt, việc tận dụng tuyến metro Cát Linh - Hà Đông để đào tạo nhân sự khả thi ở một số chức danh như: Bảo dưỡng, sửa chữa hoặc ở giai đoạn thực hành. Sắp tới lái tàu tuyến Nhổn - ga Hà Nội cũng sẽ được đào tạo trên tuyến Cát Linh - Hà Đông.
“Quy trình đào tạo nhân lực đường sắt đô thị cũng tương tự như đường sắt quốc gia, gồm 3 bước: đào tạo lý thuyết, thực hành cơ bản tại trường và thực hành sản xuất trên tuyến. Giai đoạn thực hành trên tuyến yêu cầu rất nghiêm ngặt, nếu xảy ra sai sót sẽ không khắc phục được như học mô phỏng tại trường”, ông Chánh phân tích và cho rằng, Bến Thành - Suối Tiên và Cát Linh - Hà Đông có công nghệ khác nhau nên sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, theo chuyên gia Nguyễn Ân, với 3 chức danh: Lái tàu, nhân viên điều hành hệ thống chỉ huy chạy tàu OCC và nhân viên kiểm tra, sửa chữa tàu cần có sự bàn bạc kỹ lưỡng về đào tạo; các chức danh còn lại không khó để đào tạo tại tuyến Cát Linh - Hà Đông.
Về phía đơn vị khai thác vận hành tuyến metro Cát Linh - Hà Đông, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, tuyến Cát Linh - Hà Đông hiện khai thác vận hành ổn định.
Vì vậy, có thể tận dụng tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này cho công tác đào tạo nhân sự cho dự án Bến Thành - Suối Tiên, cũng như các tuyến đường sắt đô thị khác.
“Hiện mỗi tuyến metro được áp dụng theo một công nghệ, hệ thống đào tạo cũng không có môi trường thực tập. Nếu các tuyến có sự đồng nhất công nghệ thì có thể chỉ cần thí điểm một tuyến, các tuyến sau đó chỉ việc đúng như vậy sẽ giúp tối ưu về chi phí đào tạo nhân lực.
Giảng viên Nguyễn Thái, Trường Đại học GTVT TP.HCM”