Liên quan đến việc Ban quản lý bến xe (Sở GTVT tỉnh Điện Biên) thuê hơn 300m2 đất nông nghiệp của một hộ dân để mở rộng bến xe Bản Phủ (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) và được Sở GTVT tỉnh ra Quyết định tạm thời công bố bến xe khách Bản Phủ đạt chuẩn bến xe khách loại 6 khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa điều chỉnh bổ sung quy hoạch bến xe khách, ngày 21/3, ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: "Tỉnh đang giao cho các đơn vị kiểm tra lại và sẽ thông tin".
Trước đó, sau khi nhận phản ánh của Báo Tri thức và Cuộc sống về nội dung trên, Bí thư tỉnh Điện Biên Trần Quốc Cường cũng cho biết đã giao cho Chủ tịch UBND nắm tình hình và chỉ đạo giải quyết đúng quy định.
|
Bến xe Bản Phủ sử dụng đất nông nghiệp để mở rộng nhằm đạt tiêu chuẩn bến xe loại 6. |
Như Báo Tri thức và Cuộc sống thông tin, việc mở rộng, nâng cấp bến xe để phục vụ đông đảo người dân là chủ trương đúng đắn và đáng khuyến khích. Tuy nhiên, việc thuê đất nông nghiệp sáp nhập vào bến xe Bản Phủ cho đủ diện tích để nâng cấp, công bố bến xe lên loại 6 nhằm chạy tuyến liên tỉnh của Ban Quản lý bến xe (Sở GTVT tỉnh Điện Biên) dường như có dấu hiệu trái luật, chưa đảm bảo quy trình, thủ tục.
Cụ thể, ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Ban quản lý bến xe khách tỉnh Điện Biên thuê 330m2 đất nông nghiệp (đất tiếp giáp liền kề với bến xe Bản Phủ) của hộ dân Nguyễn Thị Thanh Tú với mục đích “mở rộng diện tích đất bến xe khách Bản Phủ”, thời hạn thuê mặt bằng là 10 năm. Toàn bộ 330m2 đất nông nghiệp đã bị bê tông hóa mà không tiến hành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước khi đưa vào sử dụng. Thậm chí, công tác quy hoạch đất mở rộng bến xe còn chưa được hoàn thiện.
Mặc dù dự án mở rộng bến xe Bản Phủ đến nay vẫn chưa được lập và UBND tỉnh Điện Biên chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng Ban Quản lý bến xe khách tỉnh Điện Biên đã sử dụng đất nông nghiệp để mở rộng làm bến xe Bản Phủ.
Ngoài ra, việc Sở GTVT tỉnh Điện Biên chấp thuận và có Quyết định tạm thời công bố bến xe khách Bản Phủ đạt chuẩn bến xe khách loại 6 (sau khi Ban quản lý bến xe sử dụng đất nông nghiệp để mở rộng, đạt tiêu chuẩn diện tích) với lý do: “Tạm thời chấp thuận công bố bến xe khách Bản Phủ vào khai thác là do trong thời gian chờ cơ quan có thẩm quyền xem xét, rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch bến xe khách” là có dấu hiệu vi phạm khi cơ quan này hiểu rõ thời điểm công bố là chưa có điều chỉnh bổ sung quy hoạch bến xe khách theo quy định.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.
Khoản 25 Điều 3 Luật đất đai 2013 quy định:“Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định“.
Hành vi san lấp đất nông nghiệp được hiểu là hành vi thay đổi cấu tạo của đất, thay đổi giá trị, công dụng của đất nên có thể bị coi là hành vi hủy hoại đất, sử dụng đất không đúng mục đích; mà hành vi hủy hoại đất là hành vi cấm trong luật đất đai 2013, nên sẽ bị xử phạt. Ngoài xử phạt hành chính, người có hành vi hủy hoại đất còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Điều 12, Luật đất đai 2013 cũng quy định: Những hành vi bị nghiêm cấm:
1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.
2. Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.
3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.
4. Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.
5. Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này.
6. Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền...
>>> Mời độc giả xem thêm video Cười “rớt hàm” với màn phạt nhóm học sinh vi phạm luật giao thông: