Dự kiến sơ tán khoảng 30.000 người để ứng phó bão số 1

Google News

Để ứng phó bão số 1, các tỉnh ven biển Quảng Ninh - Ninh Bình dự kiến sơ tán gần 30.000 người. Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định đang lên kế hoạch cấm biển.

Sáng 17/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp trực tuyến với 27 địa phương từ Quảng Ninh đến Nghệ An về công tác ứng phó với cơn bão số 1 (Talim).
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, diễn biến bão số 1 được nhận định còn rất phức tạp, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương theo sát diễn biến của bão; thực hiện nghiêm Công điện số 646/CĐ-TTg ngày 16/7/2023. Theo đó, tuyệt đối không được chủ quan dù đã có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống bão; chủ động linh hoạt trong xử lý tình huống; phối hợp chặt chẽ trong ứng phó; chuẩn bị chu đáo nhất có thể để ứng phó bão.
Du kien so tan khoang 30.000 nguoi de ung pho bao so 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp 
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, linh hoạt; phối hợp tốt trong cung cấp thông tin và ứng xử với diễn biến của bão; tiếp tục chuẩn bị chu đáo nhất có thể với mục tiêu không để có thiệt hại về người và giảm thiểu thiệt hại về tài sản.
Tâm bão dự kiến đổ bộ Quảng Ninh - Thái Bình
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, sáng 17/7, bão số 1 duy trì cường độ cấp 11-12. Lúc 4h, tâm bão cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) 340km về phía Đông Đông Nam.
Dự báo trong sáng và chiều 17/7, bão chủ yếu di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, hướng về bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sau khi vượt qua đảo Lôi Châu, bão sẽ tiến vào Vịnh Bắc Bộ.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ giờ đến chiều, bão duy trì cường độ cấp 11-12, có thể tăng thêm cấp, hướng về bán đảo Lôi Châu. Sau khi qua Trung Quốc, do gặp ma sát, bão giảm 1-2 cấp khi vào vịnh Bắc Bộ và hướng thẳng vào khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh chiều 18/7.
Do đây là cơn bão mạnh và hoàn lưu rộng, vùng ảnh hưởng của bão bao trùm Bắc Bộ và mở rộng xuống Thanh Hóa, Nghệ An. Trọng tâm mưa lớn là Quảng Ninh, Hải Phòng với thời gian nguy hiểm nhất có gió mạnh trên đất liền là trưa và chiều 18/7.
Theo ông Khiêm, phương án bão đi lên phía Bắc bán đảo Lôi Châu và sau đó men dọc theo đất liền Trung Quốc thì mưa, gió ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam sẽ ít hơn, lượng mưa ở miền Bắc dao động 250-300mm nhưng vẫn cần đề phòng.
Du kien so tan khoang 30.000 nguoi de ung pho bao so 1-Hinh-2
 
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, về tác động của bão trên đất liền, trọng tâm chịu ảnh hưởng của bão gồm các tỉnh thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình với cường độ gió bão mạnh cấp 9-10, sâu hơn trong đất liền có thể đạt cấp 7-8, giật cấp 10. Thời gian gió mạnh nguy hiểm nhất trên đất liền từ trưa và chiều 18-7.
Hoàn lưu bão tương đối rộng nên từ hôm nay rìa phía tây của bão có thể tác động tới đất liền Việt Nam và vịnh Bắc Bộ gây mưa dông, lốc, gió giật mạnh. Từ đêm 17/7 đến ngày 20/7, ở khu vực Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-400mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Khu vực Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ trên sông suối nhỏ ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng. Nguy cơ sạt lở đất ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái.
Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định dự kiến cấm biển
Ông Phạm Đức Luận, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, cho biết, để ứng phó với bão số 1, các địa phương Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định dự kiến cấm biển từ 12h ngày 17/7; Hải Phòng dự kiến từ 21h ngày 17/7. Các địa phương khác được đề nghị tiếp tục theo dõi diễn biến của bão để xem xét quyết định phù hợp với tình hình thực tế.
Các địa phương đã rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm và trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản. Trong đó các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh - Ninh Bình dự kiến sơ tán gần 30.000 người.
Báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính đến 6h ngày 17/7, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 5.188 tàu/26.183 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh. Hiện không còn tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, cần quan tâm đến các tàu nhỏ, tàu du lịch đi về trong ngày.
Theo Bộ GTVT, khu vực từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 533 tàu và phương tiện thủy nội địa đang hoạt động; các phương tiện đã nhận được thông tin về bão số 1. Bộ đề nghị các tỉnh cần quan tâm đên việc neo đậu của các tàu hàng tại các cảng, khu vực cửa sông.
Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 119.803 ha; 20.189 lồng/bè. Các địa phương đã thông tin về bão cho người dân để chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn.
Về tình hình du lịch trên biển, tính đến 18h ngày 16/7, tại Quảng Ninh, Hải Phòng còn tổng số 17.414 khách du lịch lưu trú trên các tuyến đảo, trong đó Quảng Ninh có 4.096 người, Hải Phòng còn 13.318 nguời. Toàn bộ du khách đã nhận được thông tin về bão và bắt đầu di chuyển về đất liền. Đối với khách có nhu cầu ở lại đảo, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch tổ chức bố trí nơi lưu trú an toàn.
Với hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ, mực nước các hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đang thấp hơn mực nước cho phép.
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, trong những ngày qua, lực lượng quân đội không chỉ làm tốt công tác ứng phó bão tại các đơn vị mà còn triển khai lực lượng ở các Quân khu 1, 2, 3, 4, Cảnh sát biển... giúp dân chằng chống nhà cửa, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền ứng phó bão số 1.
Trước đó, ngày 16/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển, đảo; chủ động cấm biển đối với tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi chặt chẽ, tăng cường bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng, đưa tin kịp thời về diễn biến của bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh….
>>> Mời độc giả xem thêm video Toàn cảnh ngập lụt do mưa lũ ở Hà Nội
  
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)