Đánh giá về tình hình thời tiết năm 2016, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, trong năm 2016 đã có 23 đợt nắng nóng trên diện rộng, nhiều hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Các đợt nắng nóng tập trung nhiều trong các tháng 5 và 6, đây cũng là thời kỳ có nền nhiệt cao nhất trong năm (41,8 độ C). Cũng trong năm 2016, đã có 26 lần xuất hiện mưa đá, lốc xoáy tập trung từ tháng 4 đến tháng 8, riêng trong tháng 6 đã có hiện tượng thời tiết nguy hiểm đặc biệt ít xảy ra tại Việt Nam là vòi rồng với tần suất 2 lần vào lúc 9h sáng và 13h30 chiều ngày 5.6.2016 ở đảo Cô Tô (Quảng Ninh).
|
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định trong năm 2017, bão, dông, lốc xoáy, mưa đá sẽ xuất hiện nhiều hơn. Ảnh: IT |
Những tháng đầu năm 2017 lốc xoáy mưa đá đã xuất hiện ở nhiều địa phương như Điện Biên, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An; từ ngày 17 đến ngày 25.3 liên tiếp xuất hiện mưa đá và lốc xoáy tại Bảo Hà, Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn (Lào Cai).
Về thời tiết trong năm 2017, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho rằng đa số các cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới đều nhận định, hiện tượng ENSO sẽ có xu hướng chuyển sang trạng thái El Nino từ nửa cuối năm 2017 và nếu vậy, sẽ là năm thứ 3 liên tiếp xuất hiện El Nino chỉ sau một thời kỳ tương đối ngắn chuyển sang pha lạnh. Nếu hiện tượng ENSO chuyển sang trạng thái El Nino vào nửa cuối năm 2017, mặc dù nhiều khả năng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên khu vực Biển Đông vẫn sẽ xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, nhưng số lượng bão và ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta sẽ ít hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Ngoài ra, tính bất quy luật của bão sẽ tăng cao vào những năm chịu tác động của El Nino.
TS. Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: “Bão và ATNĐ trong năm 2017 có khả năng xuất hiện sớm trên Biển Đông và số lượng hoạt động có khả năng cao hơn TBNN và tập trung ở khu vực Bắc Biển Đông trong các tháng đầu mùa mưa bão. Tuy nhiên số lượng bão và ATNĐ có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta ít hơn TBNN.
Trong các tháng mùa mưa bão, đặc biệt tháng 4 và tháng 5 là những tháng chuyển mùa, do vậy nhiều khả năng các hiện tượng dông, sét, tố lốc, mưa đá sẽ xuất hiện gia tăng về tần suất trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ".
"Nhiệt độ trung bình trong 6 tháng tới trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn TBNN từ 0.5-1.0 độ C. Mức độ cao hơn giá trị TBNN của nhiệt độ trung bình ở khu vực miền Bắc cao hơn ở khu vực miền Nam. Nắng nóng tại các khu vực trên toàn quốc có xu hướng xuất hiện muộn và ít có khả năng kéo dài” – TS.Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương.