Bỏ phố lên rừng làm thổ phỉ
Trùm giang hồ một thời khét tiếng khu vực Hòa Bình, Lương Văn Giang (xóm Tháu, xã Thái Thịnh, Hòa Bình) hàng chục năm nay sống ẩn dật giữa lòng hồ Sông Đà. Muốn gặp được anh, phải đi bộ cả giờ, sau đó dùng một con thuyền độc mộc mới có thể để được nhà của đại ca giang hồ.
Ở cái tuổi lục tuần nhưng Lương Văn Giang còn rất khỏe mạnh và rất tinh nhanh, phong thái vẫn có chút gì đó ngang tàng ngày nào.
|
Sinh ra trong gia đình có điều kiện nhưng ông Giang lại chọn con đường giang hồ để rồi ân hận quay đầu. |
Thay vì những chuyện dao kiếm, đâm chém, anh háo hức khoe bưởi được mùa, cam sai quả, rồi chuyện con lợn, con trâu. Ít ai tưởng tưởng được đó lại là lời của một đại ca giang hồ khét tiếng khắp tỉnh Hòa Bình trước đây.
Thực tâm anh Giang cũng chẳng muốn kể về quá khứ của mình. Với anh đó là một quãng đời đen tối nhất, cùng cực nhất và đáng quên nhất.
Sinh ra trong một gia đình cơ bản, bố vốn là Chánh án Tòa án nhân dân TP Hòa Bình, còn mẹ công tác tại bệnh viện tỉnh. Tuổi thơ của anh so với bạn bè được liệt vào hàng đáng mơ ước và có một tương lai xán lạn.
Tốt nghiệp cấp 3, cậu thanh niên Lương Văn Giang quyết định lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của tổ quốc. Cho đến năm 1980, anh xuất ngũ trở về quê hương, khi ấy anh đã được bố mẹ sắp xếp cho một suất đi du học nước ngoài nhưng anh nhất định không chịu chỉ vì thích tự do.
Nhận thấy lòng hồ sông Đà là nơi hái ra tiền của những kẻ buôn gỗ lậu, lại được sống ngao du sông nước Giang quyết định đi buôn gỗ. “Bố mẹ tôi như đột quỵ khi biết tin tôi muốn đi buôn lỗ lậu. Họ có chết cũng không thể tưởng tượng được một thằng công tử con nhà trí thức lại lên rừng làm thổ phỉ”. – Anh Giang nhớ lại.
Những thập niên 80 của thế kỷ trước, buôn gỗ dọc con sông Đà được coi là nghề hái ra tiền. Khi ấy dọc hai bên bờ sông là bạt ngàn những cánh rừng nguyên sinh, gỗ được đốn chặt không thương tiếng sau đó vận chuyển bằng đường thủy trở về xuôi.
Lợi nhuận từ việc buôn gỗ lậu có khi còn cao hơn cả buôn ma túy lúc bấy giờ. Khi lợi nhuận cao, các băng nhóm bắt đầu hình thành để phân chia địa bàn. Lương Văn Giang có sức khỏe, được tôi rèn trong môi trường quân đội, cộng với bản tính liều lĩnh anh sớm trở thành đại ca trong những băng nhóm buôn gỗ lậu ngày bấy giờ.
Giang nổi tiếng bởi những chuyến buôn với lượng gỗ khủng, đàn em đếm không xuể. Đám lục lâm thảo khấu chỉ cần nghe danh cũng đủ khiếp vía kinh hồn.
Anh nhớ lại: “Ngày đó tiền kiếm dễ lắm….chỉ cần một chút bản lĩnh, một chút liều thì kiếm tiền như thể lấy trong tủ nhà mình ra. Tiền của tôi nhiều đến mức không đêm được từng cọc mà phải đếm bằng bao tải”.
Tiền nhiều, cuộc sống của các đại ca buôn lậu bắt đầu “thăng” cùng với cờ bạc, gái gú rồi cả ma túy.
“Tôi xách cả bao tải tiền xuống Hà Nội chơi bời nhảy múa. Nếu hết tiền họ sẵn sàng cho vay, thanh toán sau. Bởi họ thừa biết những người như tôi tiền lúc đó chỉ bé bằng con kiến”.- Anh Giang tâm sự.
Với vị thế của một đại ca, lượng tài sản và phong cách chịu chơi ai cũng nghĩ Giang sẽ kiếm một ả bốc lửa, ăn chơi về làm vợ. Thế nhưng Giang lại đem lòng thương mến một người con gái quê mùa, quanh năm buôn bán trên sông.
“Thấy cô ấy hiền lành, ưa nhìn lại đảm nên tôi để ý. Mấy lần duyên cớ gặp nhau, tôi hỏi luôn “có dám lấy anh làm vợ không?” , cô ấy đồng ý thế là chúng tôi nên vợ chồng”, anh Giang kể.
Bò quanh núi hàng nghìn lần để cai nghiện
Rừng ngày một cạn kiệt, cơ quan công quyền bắt đầu siết chặt việc khai thác gỗ, rất nhiều bang phái, đại ca cầm đầu bị tiêu diệt. Lương Minh Giang cũng không nằm ngoài quy luật này. Một núi tiền bất chính dần cũng tan biến, Giang không chỉ là một kẻ trắng tay mà còn là một con nghiện nặng.
Hết tiền, những cơn vật thuốc làm anh tưởng như muốn chết. Trong lúc cô đơn nhất, chán nản nhất thì hình ảnh người vợ ở quê nhà khiến anh thấy ấm lòng nhất.
Anh Giang xúc động: “Cô ấy lấy tôi khi tôi đã bị nghiện, tức là cô ấy chấp nhận những gì tồi tệ nhất. Nếu không có cô ấy chắc tôi cũng thành ma lâu rồi”.
Anh bảo, anh chiến hữu thời buôn gỗ lậu có khoảng 10 người thì tất cả đều là những con nghiện nặng. Anh là người nghiện nặng nhất thì nay lại còn sống, 9 người kia đã chết vì nghiện ngập lâu lắm rồi.
|
Để cai nghiện, ông Giang đã bò hàng nghìn lần quanh núi cho qua cơn vật thuốc. |
Để có tiền mua thuốc phiện Giang bất chấp mọi thủ đoạn, kể cả trấn lột, cướp của. Lương Văn Giang là cái tên khiến nhiều người phải khiếp đảm. Thế rồi cái tin con trai trở thành kẻ nghiện, đầu trộm đuôi cướp khắp thành phố Hòa Bình, bố của Giang như chết đi sống lại. Ông quyết định viết đơn xin nghỉ hưu sớm vì thấy quá nhục nhã. Ông đã chỉ thẳng vào mặt Giang mà mắng “sẽ không có thằng con như mày”.
Vào đầu những năm 1990, thành phố Hòa Bình khuyến khích nhân dân lên khu vực núi xóm Tháu khai hoang, làm kinh tế. Trong lúc lòng rối bời không biết làm sao, bố Giang quyết định bắt vợ chồng anh lên đó làm kinh tế. “Có lẽ bố tôi muốn chúng tôi lên xóm Tháu này để cai nghiện. Ở đó hoang vu lắm, lại biệt lập với thế giới bên ngoài”. – Anh Giang kể.
Khu dất vợ chồng anh được giao là một thung lũng hoang vu nằm lọt thỏm bốn bề là núi. Hai vợ chồng đã ôm nhau mà khóc, bởi họ chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng. Cơn nghiện xuất hiện ngày một dày hơn, những lúc đó Giang lại hành hạ vợ, ép vợ phải chèo thuyền lên thành phố mua cho bằng được thuốc để cắt cơn.
Chị Huệ thương chồng nên làm đủ thứ để có tiền mua thuốc. Chị lặn lội khắp rừng sâu chặt củi rồi đêm đi bán mua thuốc cho Giang. Chỉ cần chậm thuốc một chút thôi là chị lại hứng chịu những cơn thịnh nộ của chồng. Khi ấy xóm Tháu coi Giang như nỗi ám ảnh kinh hoàng. Anh đánh, chửi bất cứ ai trong lúc mình lên cơn nghiện thuốc.
Thế rồi đứa con gái đầu lòng đã ra đời, một mình chị Huệ cáng đáng bao việc nhà, con nhỏ mà người chồng chẳng mảy may lấy một lời. Đứa nhỏ lớn lên trong sự sợ hãi, nó coi cha mình như quái vật mỗi khi lên cơn. Nhìn thấy cha mình đứa nhỏ lại khóc thét lên kinh hãi.
“Một hôm, vợ tôi quyết định không mua thuốc cho nữa. Mặc cho tôi lên cơ vật vã, cắn xé mọi thứ trước mặt mình. Trong lúc đó, cô ấy mang đứa con nhỏ để trước mặt tôi và nói: Nếu anh không cai nghiện em sẽ bế con nhảy xuống sống mà chết. Chẳng hiểu sao khi nhìn ánh mắt đứa nhỏ lúc đó tôi lạnh hết sống lưng. Tôi quỳ xuống và hứa với vợ con sẽ quyết tâm cái cho bằng được”. – Anh Giang rưng rưng.
Những cơn vật liên tiếp ập đến, và mỗi khi lên cơn hình ảnh đứa con nhỏ cứ hiện lên ám ảnh anh. Anh Giang hô hào mọi người tránh xa mình ra, rồi lấy dây thừng tự trói tay mình, lăn quanh núi để qua cơn. Anh chẳng còn nhớ mình bò quanh núi bao nhiêu nghìn lần. Và, cũng chẳng thể đếm được những vết sẹo trên người mình sau mỗi lần đau đớn tự hành xác mình để qua cơn nghiện.
Anh lao vào lao động như một con trâu điên, đêm nào cũng đốt đuốc đào ao, vác đá để xây kè. “Trong 3 năm cai nghiện tôi đào được gần 2000 mét vuông ao, chia thành 2 ao thả cá. Một ao thả cá thịt, một ao thả cá giống để bán cho bà con trong xóm. Tiền cá hàng năm cũng được hơn trăm triệu đấy. Gần đây tôi cũng nuôi được mấy chục con bò và trồng khá nhiều cây ăn quả. Nói chung cuộc sống hiện tại cũng khá ổn định rồi”. Nói đến đây anh Giang nhìn về vô định, nước mắt cứ thế lăn dài: “Năm ngoái bán đàn bò được 500 triệu, dồn cả vào con bé lớn. Nó bị ung thư nên tốn kém tiền thuốc, tiền viện phí lắm. Nó chịu nhiều thiệt thòi khi còn nhỏ, giờ tôi phải bù đắp, phải cứu được nó”.
Ông Nguyễn Văn Lượng, Trưởng Công an xã Thái Thịnh chia sẻ: Anh Giang hiện nay sống rất tốt với mọi người. Hiện anh vẫn sinh hoạt trong hội Cựu chiến binh của xã. Anh Giang được liệt vào danh sách có của ăn của để trong xã. Anh có khu đất khá rộng, vừa trồng cây ăn quả, vừa chăn nuôi gà, bò, thả cá. Với những người lầm lỡ, anh Giang là tấm gương để họ noi theo.