Kinh tế - xã hội năm 2016 có nhiều điểm sáng
Năm 2016, trong bối cảnh rất khó khăn về thiên tai, nhân tai nhưng nhờ sự đoàn kết vượt qua khó khăn, cả nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về kinh tế, xã hội. Những kết quả nổi bật của kinh tế, xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017 được tổ chức trong ngày 28 và 29/12/2016 vừa qua.
Cụ thể, 10 kết quả nổi bật về kinh tế xã hội năm 2016 gồm: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế khá trong bối cảnh ngành khai khoáng và nông nghiệp gặp khó khăn rất lớn. Tín dụng tăng khoảng 17%, dự trữ ngoại hối đạt 41 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách Nhà nước đạt mục tiêu đề ra. Tổng đầu tư toàn xã hội 33% GDP; xuất khẩu tăng 8,6%, xuất siêu 2,68 tỷ USD; Kết quả phát triển doanh nghiệp khởi sắc. Lần đầu tiên có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 891.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và 48,1% về vốn. Có gần 27.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động.
|
Hình ảnh chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Nguồn báo điện tử ĐCSVN.
|
Thu hút đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục. Vốn FDI thực hiện đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9%, cao nhất từ trước đến nay. Đến 26/12, cả nước có 2.556 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký 15,18 tỷ USD. Tính chung, tổng vốn đăng ký mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần đạt 24,4 tỷ USD, tăng 7%; Khu vực dịch vụ tăng 6,98%; khu vực du lịch thu hút trên 10 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh được cải thiện, Việt Nam xếp thứ 82/190, tăng 9 bậc so với năm 2015.
Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Đến nay có 30 đơn vị cấp huyện và 2.235 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt trên 25%. Các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 8,5%. Tạo việc làm cho trên 1,6 triệu lượt người. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế lần đầu tiên đạt trên 81%… Trong lĩnh vực thể thao, lần đầu tiên Việt Nam đạt Huy chương Vàng tại Olympic; Công tác xây dựng pháp luật được chú trọng. Ban hành 162 nghị định quy định chi tiết các luật, nhất là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; không còn nợ đọng văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Tập trung phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc trong phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; đã có chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, xử lý nghiêm các vụ phá rừng. Trong bối cảnh khó khăn, chủ trương của Chính phủ là không để người dân nào bị đứt bữa, bệnh tật trong thiên tai. Chỉ đạo quyết liệt xử lý các vấn đề quan trọng, cấp bách, bức xúc, sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; quyết tâm chống tham nhũng, lợi ích nhóm; thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.
Tuy nhiên, năm 2016 cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế được Thủ tướng Chính phủ nêu đích danh gồm ngành công nghiệp khai khoáng giảm mạnh. Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm, kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm 36,7% do giá dầu thô giảm mạnh; Thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt nghiêm trọng; Sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, nhất là môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung; Các dự án nghìn tỷ thua lỗ, mất vốn; Các ngân hàng thương mại yếu kém, mất vốn, rủi ro cao, trong đó có một số ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng; Xảy ra nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông nghiêm trọng. Nhiều vụ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng cũng xảy ra. Các sai phạm trong công tác cán bộ như vụ Trịnh Xuân Thanh… Xếp hạng quốc tế về năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo giảm (xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu giảm 4 bậc, ở vị trí 60; Việt Nam đứng thứ 6 trong các nước ASEAN. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2016 giảm 7 bậc, xếp hạng 59 trong tổng số 128 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á).
Nhiều thách thức về kinh tế - xã hội trong năm 2017
Những thành tựu kinh tế xã hội năm 2016 đã tạo điều kiện để kinh tế xã hội Việt Nam năm 2017 có nhiều thuận lợi để phát triển với Chính phủ kiến tạo, liêm chính, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, ngành dịch vụ năm nay đã tăng trưởng cao hơn các năm trước, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao... Tuy nhiên, vẫn sẽ có nhiều khó khăn thách thức. Những thách thức của năm 2017 cũng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra: “Năm 2017 dự báo vẫn còn rất nhiều khó khăn (thiên tai, nợ công, năng lực cạnh tranh, biến động quốc tế phức tạp, khó lường...), để đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp tốt hơn nữa, cả hệ thống phải chuyển động, đặc biệt là chính quyền cơ sở vì nơi đây sát dân”.
Để vượt qua những khó khăn thách thức, đưa kinh tế xã hội phát triển trong năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cả nước tập trung điều hành trong năm 2017, phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát nhằm tạo điều kiện để tăng trưởng cao hơn năm 2016, trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh... Với tinh thần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững, xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ lưu ý lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương, rà soát loại bỏ những quy định bất cập, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu, đẩy mạnh cơ chế khoán, công khai ngân sách, "tiết kiệm từng đồng bạc của dân", chống xa hoa, lãng phí, phô trương hình thức, kiên quyết chống lợi ích nhóm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị chủ đề của năm 2017 phải nhấn mạnh tinh thần "phát triển nhanh và bền vững". Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành nhanh chóng khắc phục hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, hỗ trợ giống cây, con, triển khai phòng dịch,... tiếp tục thực hiện đề án hỗ trợ nhà vượt lũ cho người dân. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT tiến hành rà soát lại tổng thể quy hoạch hệ thống Cảng hàng không của Việt Nam; phối hợp với Bộ Quốc phòng tập trung sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể, nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất; hoàn thành dự án khả thi sân bay Long Thành; khẩn trương hoàn thành đề án đường cao tốc Bắc-Nam; xây dựng cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng đường cao tốc; nâng cấp hệ thống đường sắt hiện có; hoàn thành báo cáo về xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam...Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương rà soát, điều chỉnh quy hoạch điện; tái cấu trúc lại các lĩnh vực sản phẩm công nghiệp; lựa chọn các sản phẩm chủ lực để ưu tiên phát triển như: Ô tô, may mặc, da giầy, đồ gia dụng... mở rộng thị trường sản phẩm có lợi thế của Việt Nam, đặc biệt là gạo, nông, thủy sản; rà soát lại các dự án đầu tư để điều chỉnh những yếu tố chưa phù hợp, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí, thua lỗ như vừa qua;.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề cập đến một số nội dung liên quan đến đấu tranh phòng chống gian lận thương mại, lành mạnh hóa thị trường, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh trật tự, an ninh kinh tế, bảo đảm an toàn các công trình trọng điểm.... Bên cạnh đó, Bộ đã đề xuất Bộ Chính trị ban hành văn bản về đảm bảo an ninh kinh tế; liên tục mở các đợt cao điểm về đấu tranh phòng chống tội phạm. Đồng thời, kiến nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước về di dân, di cư để bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đời sống dân sinh, nhất là ở những khu công nghiệp, các thành phố lớn với tinh thần "phát triển phải đi liền với ổn định"...
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu bộ máy ngành Công thương; đơn giản hóa thủ tục hành chính với những cải cách triệt để, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong các hoạt động nhập khẩu, lưu thông. Khẳng định tầm quan trọng của hệ thống phân phối bán lẻ nội địa cả trong đóng góp vào tăng trưởng GDP, giải quyết công ăn việc làm, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công thương đang xây dựng chiến lược để phát triển hệ thống bán lẻ trong nước trong bối cảnh hội nhập. Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành hệ thống các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, năm 2017 nhiều thách thức đối với ngành nông nghiệp có mặt gay gắt hơn như: Chính sách bảo hộ sản phẩm của các nước sẽ ảnh hưởng tới cả xuất khẩu, nhập khẩu nông sản; biến đổi khí hậu ngày càng khó lường (gió mùa đông bắc có xu hướng lệch đông gây mưa lớn, lũ lụt ở miền Trung, miền Nam); nguy cơ dịch bệnh trong chăn nuôi... Bộ trưởng đề nghị các địa phương quan tâm, lường trước khó khăn để có giải pháp quản lý tích cực, hiệu quả.
Thống đôc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh: điều hành lãnh suất, cả mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay được quản lý ổn định..., góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức độ hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới; chính sách tiền tệ của một số nước lớn... đặt ra nhiều thách thức trong điều hành tiền tệ, tỷ giá trong năm 2017. NHNN kiến nghị một số vấn đề: Kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát; trong điều hành vĩ mô hết sức hạn chế trong sử dụng công cụ tiền tệ; triển khai gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao; phát hành trái phiếu Chính phủ; tăng cường công tác thông tin truyền thông trong lĩnh vực tiền tệ, ngăn chặn tin đồn thất thiệt... để ổn định thị trường.
Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2017 được xem là thách thức lớn do đây là mức khá cao trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, phục hồi chậm. Tuy nhiên, với sự tích cực của Chính phủ, các Bộ, Ngành, địa phương như đẩy mạnh cải cách thể chế, xây dựng Chính phủ kiến tạo, giúp doanh nghiệp, người dân đầu tư mở rộng sản xuất, thành lập doanh nghiệp mới... tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và nhiều giải pháp đang được triển khai sẽ đưa kinh tế xã hội năm 2017 đạt những kết quả đã đề ra.