Lo dự án BT biến tướng thành cuộc “giao dịch ngầm” giữa DN và cơ quan QLNN
Thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 29/10, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng, việc sử dụng ngân sách tài sản công và vốn đầu tư công còn lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả.
Đại biểu Mai Sỹ Diến đã lấy ví dụ điển hình như dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT và cho rằng, đang có khoảng trống pháp lý trong vấn đề sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư.
“Báo cáo của Kiểm toán nhà nước công bố gần đây có đến 90% dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư qua chỉ định thầu dù pháp luật có quy định cả hình thức đấu thầu công khai”, ông Diến nói.
|
Đại biểu Mai Sỹ Diến. |
Đại biểu Mai Sỹ Diến cũng chỉ ra rằng, quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT và thời điểm giao dự án BT còn bất cập, không rõ ràng dẫn đến việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc.
“Không ít dự án BT đang bị biến tướng thành cuộc giao dịch ngầm theo cơ chế xin cho giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, gây thất thoát nguồn đầu tư công và tài sản công rất lớn”, ông Diến nói.
Ông Mai Sỹ Diến lấy ví dụ, qua kiểm toán 30 dự án BT từ trước đến nay, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án được kiểm toán.
“Nhiều dự án giao cho nhà đầu tư thực hiện từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán và lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát dẫn đến có thể không đảm bảo tính khách quan. Công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, dẫn đến xảy ra sai sót ở tất cả các khâu, gây thất thoát trong quá trình thi công thực hiện dự án”, đại biểu Mai Sỹ Diến cho biết.
“Điều này cho thấy việc thực hiện dự án BT chưa thực sự giảm đáng kể gánh nặng cho ngân sách. Vậy, có nên tiếp tục thực hiện các dự án BT như thời gian vừa qua nữa hay không. Phải chăng phải có thể chế mới để siết lại kẽ hở trong quản lý”, ông Diến nêu ý kiến.
Nói về việc đầu tư công trung hạn cho chương trình mục tiêu quốc gia, ông Mai Sỹ Diến cho rằng, báo cáo của Chính phủ có những hạn chế, bất cập cũng cần có giải pháp hiệu quả để khắc phục.
Suất đầu tư của Việt Nam bao giờ cũng cao hơn các nước trong khu vực
Đại biểu Sùng Thìn Cò (Hà Giang) thẳng thắn đề cập đến vấn đề mà ông nói rằng, chưa thấy Quốc hội thảo luận đến vấn đề thất thoát nguồn vốn ngân sách nhà nước.
“Con người Việt Nam chúng ta rất giỏi, nhưng rất tinh vi, ma ranh, từ khâu thực hiện đầu tư và kết thúc đầu tư, nhất là khâu chuẩn bị đầu tư. Khâu khảo sát, thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật dự toán thi công, khâu này nếu các đơn vị liên quan, bộ chủ quản, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn khảo sát thông đồng với nhau nâng suất đầu tư ngay từ khâu này thì rất khó quản lý và rất khó giám sát”, đại biểu Sùng Thìn Cò cho biết.
Đại biểu Sùng Thìn Cò cho cũng cho rằng, suất đầu tư của Việt Nam bao giờ cũng cao hơn suất đầu tư của các nước trong khu vực và ông nghi ngờ đoạn này.
“Ví dụ một đoạn đường giao thông nông thôn loại B lẽ ra chỉ cần khoảng 7,5 tỷ thì được nhưng cố nâng lên khoảng 10 tỷ, sau khi dự án hoàn thành sẽ được quyết toán là 10 tỷ, trong đó sẽ chênh lệch 2,5 tỷ thì nó đi đâu thì các đồng chí tự hiểu. Tôi nói xây dựng nhà cao tầng ở dưới Hà Nội, một cột bê tông chỉ cần đến 60 thanh sắt phi 22 nhưng có thể nâng lên từ 80 thanh sắt phi 22, quá trình thi công rút đến 20 thanh rất gọn nhẹ mà nhà cũng không đổ, chất lượng vẫn đảm bảo. Vấn đề này là vấn đề chúng ta cần phải suy nghĩ”, đại biểu Sùng Thìn Cò nói.
Đại biểu Sùng Thìn Cò cũng cho rằng, chất lượng hồ sơ kém, quá trình tổ chức thực hiện kém dẫn đến vấn đề phát sinh và kéo dài công trình không những một năm, vài năm, thậm chí kéo dài đến chục năm, gây bức xúc trong nhân dân.
“Tôi đề nghị phải có cơ chế, chính sách để giám sát ngay từ bước thiết kế cơ sở, không để thất thoát tiền vốn của nhà nước. Thứ hai, phải xử lý nghiêm những các trường hợp vi phạm”, Đại biểu Sùng Thìn Cò nói.