Ngày 29/10, Bộ Tư pháp cho biết cơ quan thi hành án đã thi hành xong toàn bộ các khoản thi hành án gồm án phí, tiền phạt và tiền truy thu sung công quỹ vụ án Nguyễn Đức Kiên (tức “Bầu” Kiên) kinh doanh trái phép. Vụ án Phạm Công Danh cũng đã thi hành xong hơn 5.200 tỷ đồng, đạt 45%.
Tuy nhiên, việc thi hành án nhiều đại án kinh tế, tham nhũng khác gặp khó khăn, phải đề xuất liên ngành nội chính trung ương tháo gỡ.
Như vụ án Châu Thị Thu Nga và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng số tiền án phí và bồi thường các bị cáo phải nộp là gần 400 tỷ đồng. Nhưng đến nay, cơ quan thi hành án mới thu được 4 tỷ đồng, xử lý một ôtô được hơn 600 triệu.
|
Việc thi hành án đại án Oceanbank và các vụ án tham nhũng lớn gặp khó khăn. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Trong đại án Oceanbank, tiền án phí và truy thu sung công quỹ là hơn 71 tỷ đồng. Ngoài ra, các bị cáo phải trả cho ngân hàng Oceanbank và các cá nhân khác là hơn 84 tỷ. Bản án cũng buộc Hứa Thị Phấn, Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu… phải bồi thường cho ngân hàng Đại Dương gần 1.850 tỷ đồng. Nhưng đến tháng 10, cơ quan chức năng thu được hơn 100 tỷ đồng, chưa tính 5 bất động sản và cổ phiếu đã kê biên.
Hay vụ án Tập đoàn Dầu khí góp 800 tỷ vào ngân hàng Đại Dương, riêng tiền án phí là hơn 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Đinh La Thăng và 5 người khác phải bồi thường cho Tập đoàn Dầu khí hơn 820 tỷ.
Cơ quan thi hành án mới thu 521 triệu đồng tiền án phí và 20 tỷ đồng bồi thường. Số tiền còn phải thi hành án là hơn 800 tỷ đồng.
“Đây là vụ việc gặp khó khăn về thi hành án. Cơ quan điều tra đã kê biên 17.567 cổ phiếu. Cơ quan thi hành án đang có hướng xử lý số cổ phiếu này và truy tìm các tài sản khác”, đại diện Bộ Tư pháp nói song cũng thừa nhận việc xác minh, truy tìm tài sản rất khó vì hầu hết người bị thành án không còn tài sản trực tiếp đứng tên.
Tiến độ thi hành án cũng bị ảnh hưởng bởi tài sản phải thi hành án thường nằm ở nhiều địa phương. Nhưng Điều 57 Luật Thi hành án dân sự bắt buộc phải xử lý xong tài sản tại nơi ra quyết định thi hành án, sau đó mới ủy thác thi hành cho địa phương khác.
Từ tháng 9 vừa rồi, liên ngành nội chính trung ương đã thống nhất cơ quan thi hành án được phép ủy thác cho địa phương khác để đồng thời thi hành án, thu hồi tài sản. Việc thi hành án vụ án Giang Kim Đạt tham ô tài sản đã áp dụng trình tư này.
Trong những lý do Bộ Tư pháp đưa ra để lý giải cho sự chậm trễ trong tiến độ thi hành án có việc tài sản xử lý là cổ phiếu, liên quan chứng khoán, hoặc tài sản của vợ chồng chưa được tòa án tòa án xác định là tài sản chung hay tài sản do phạm tội mà có. Thậm chí những tài sản phát sinh tranh chấp buộc cơ quan chức năng phải yêu cầu tòa án giải quyết trước khi xử lý.