Mới đây, sau khi Tuấn "khỉ" bị tiêu diệt khi sử dụng AK chống trả quyết liệt lực lượng cảnh sát, nhiều người dân hiếu kỳ đã kéo đến căn nhà bỏ hoang số 19/4C ấp Tân Hòa, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn – nơi Tuấn khỉ ẩn nấp và bị tiêu diệt để quay clip.
Thậm chí, một số người còn kéo đến nhà Tuấn "khỉ" sau khi đối tượng này bị tiêu diệt để livestream cảnh gia đình tổ chức tang lễ.
Trước đó, không ít người đã đổ về nơi hàng trăm cảnh sát vây ráp, truy bắt Tuấn khỉ khi đối tượng này bị tình nghi lẩn trốn, trong khu vực đầy nguy hiểm để tranh nhau ghi hình, livestream, bất chấp cảnh sát phải năn nỉ đám đông nên về nhà để bảo đảm an toàn, tránh làm ảnh hưởng đến quá trình truy bắt.
Hành vi của nhóm người trên khiến dư luận đặt câu hỏi có vi phạm pháp luật? và làm sao để ngăn chặn những hành vi tương tự tái diễn không chỉ trong vụ án Tuấn "khỉ"?
|
Nhiều người tụ tập tại khu vực phía sau căn nhà hoang Tuấn "Khỉ" bị tiêu diệt để livestream. Ảnh: Zing.
|
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, qua vụ vây bắt Tuấn "khỉ" và một số vụ việc mà cảnh sát bắt đối tượng có hung khí thời gian gần đây cho thấy có rất nhiều người Việt Nam hiếu kỳ, tò mò, không sợ chết, sẵn sàng lao vào gần những đối tượng có hung khí, vũ khí chỉ để “nhìn cho rõ”, chứng kiến “trực tiếp”, thậm chí livestream lên mạng xã hội, quay clip để đăng Youtube...
Đây là một hiện tượng rất đáng buồn, thậm chí lo ngại về tình trạng dân trí và tính hiếu kỳ. Những người này thể hiện sự tò mò thái quá và thiếu kỹ năng sống, coi thường tính mạng, sức khỏe của mình và có thể cản trở việc thi hành công vụ.
"Những hành vi như thế này không chỉ đặc tính mạng, sức khỏe của bản thân mình và của người khác vào vòng nguy hiểm mà còn có thể gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tìm, bắt giữ đối tượng gây án, cản trở hoạt động thi hành công vụ, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và có thể xem xét bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể", luật sư Cường nêu ý kiến.
Theo ông Cường, trường hợp hành vi được xác định là lôi kéo, kích động người khác gây mất trật tự công cộng (tham gia theo dõi vụ việc nhưng hò hét, gây rối trật tự, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự...) thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3, điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Với những người lao vào khu vực hiện trường vụ án, cản trở hoạt động thi hành công vụ, đã được nhắc nhở nhưng vẫn vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 nghị định 73/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội thì hành vi cản trở, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 1 triệu tới 2 triệu đồng.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Trong trường hợp người dân chứng kiến vụ việc bắt giữ tội phạm mà không chấp hành mệnh lệnh, yêu cầu của lực lượng chức năng mà có hành vi cản trở thi hành công vụ hoặc chống người Thi hành công vụ đến mức nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015.
Luật sư Cường cho biết, hiện nay, mặc dù Tuấn "khỉ" đã bị tiêu diệt, tuy nhiên nơi Tuấn "khỉ" ẩn náu, nơi bị tiêu diệt là hiện trường của vụ án hình sự.
"Khi đã được xác định là hiện trường, được khoanh vùng bảo vệ để thực hiện các hoạt động tố tụng như tìm kiếm dấu vết, thu thập chứng cứ, xác định vai trò đồng phạm... và các yếu tố khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án hình sự mà người dân do hiếu kỳ hoặc có mục đích, ý đồ cá nhân khác mà xâm phạm vào hiện trường vụ án hình sự, gây xáo trộn hiện trường, ảnh hưởng đến hoạt động điều tra thì cũng sẽ bị xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.
Luật sư cho rằng, tùy vào hành vi và tính chất mức độ cụ thể của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội danh liên quan đến nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp hoặc tội che giấu tội phạm (nếu như xóa bỏ các dấu vết)...
Bởi vậy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của công dân để hạn chế những vụ việc tụ tập đông người đi xem bắt tội phạm có hung khí nguy hiểm, có vũ khí nóng mà đông như xem hội như vậy.
"Hiện tượng này thể hiện tính hiếu kỳ rất cao ở một số địa phương, thậm chí còn thể hiện văn hóa lạc hậu, vô công rồi nghề, nhiều người còn coi nhẹ mạng sống của mình và vô tình cản trở hoạt động truy bắt tội phạm của cơ quan chức năng.
Lợi dụng tình trạng này, các đối tượng xấu, các đồng phạm của đối tượng bị truy bắt có thể trà trộn để gây khó khăn, cản trở cho hoạt động bắt giữ tội phạm cũng như để che giấu tội phạm.
Bởi vậy, mỗi người dân cần nhận thức được hành vi của mình, cần ý thức được hành vi của mình có thể gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội và gây nguy hiểm cho bản thân mình và người thi hành công vụ mà có những ứng xử cho phù hợp pháp luật", luật sư Cường nêu ý kiến.
Luật sư Cường cho rằng, người dân livestream trong đám ma Tuấn "khỉ" có thể xâm phạm các quyền tự do cá nhân, tự do nhân thân, tự do về hình ảnh làm đảo lộn đời sống của gia đình, người thân của nghi phạm này. Đây là những người không có tội, họ không đáng để nhóm người hiếu kỳ bêu rếu họ lên mạng xã hội.
Trong trường hợp sử dụng thông tin, hình ảnh trái phép của người khác mà không được sự đồng ý của người có hình ảnh, hành vi này là vi phạm quy định của hiến pháp và Bộ luật dân sự về quyền tự do nhân thân, quyền tự do về hình ảnh.
"Nếu người thân Tuấn "khỉ" có đơn thư trình báo, tố cáo việc các cá nhân livestream đưa hình ảnh trái phép của họ trong đám tang lên mạng xã hội thì những người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi thu thập, sử dụng trái phép thông tin của người khác theo quy định tại nghị định 174 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện.
Theo đó, hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 3, điều 66, nghị định 174 với mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
"Hành vi phát trực tiếp thông tin, hình ảnh đám tang của gia đình người khác lên mạng xã hội để câu view, gây sự chú ý hoặc để hả hê là không phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục và xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do cá nhân, quyền tự do về hình ảnh. Bởi vậy, hành vi này sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Hành vi của Tuấn "khỉ" là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, rất đáng lên án và phải đền tội. Tuy nhiên tội phạm là hành vi của cá nhân, người nào sai đến đâu người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đến đó. Vợ con, gia đình, người thân của Tuấn khỉ không có tội. Không nên vì hiếu kỳ, vì động cơ cá nhân nào đó mà gây tổn thương thêm đối với gia đình các nạn nhân cũng như tổn thương đến người thân, gia đình của Tuấn khỉ", luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
>>> Mời độc giả xem video Tuấn "khỉ" bị tiêu diệt, cảnh sát phong tỏa hiện trường: