Hàng loạt xe bị nổ lốp trên cao tốc Hà Nội - Ninh Bình
Phản ánh về tình trạng xe nổ lốp, dính đinh trên cao tốc Hà Nội - Ninh Bình với PV Kiến Thức và trên diễn đàn mạng OFFB, anh Chu Hải Nam cho biết: "Tối ngày 9/2, tại nút giao QL21 hướng đi Phủ Lý - Nam Định anh bị một vật sắc nhọn chém thủng lốp".
Anh Nam bức xúc: "Nếu đúng bị rải đinh thế này thì có khác gì giết người đâu. Ở khu vực này không chỉ mình tôi bị mà rất nhiều người cũng mắc phải.
Tình trạng này không chỉ năm 2020 mới xuất hiện mà năm 2019 cũng đã có người tham gia giao thông bị vật sắc nhọn cứa thủng lốp ô tô."
Anh Đỗ Quang, một nạn nhân khác chia sẻ: "Khoảng 16h ngày 20/12/2019, khi anh đi đến trạm thu phí Pháp Vân hướng về Hà Nội xe anh bị xịt nhanh, phải tấp lề thay lốp dự phòng. Sau đó anh được đội tuần tra đường cao tốc hỗ trợ đưa xe anh về Hà Nội để sửa chữa".
|
Hình ảnh chiếc xe sau khi vật nhọn đâm phải. |
"Thực sự cần phản ánh gay gắt! Vì với những vật thể lạ giống đinh như thế đi ở tốc độ cao, lốp mỏng hoặc tải nặng thì sẽ bị xé toang ra ngay. Nếu bị mất lái có thể sẽ gây tai nạn nghiêm trọng" - anh Đỗ Quang nói.
|
Vật nhọn mà tài xế đâm phải. |
Độc giả Gia An bày tỏ: "Tình hình là có rất nhiều xe của thành viên đăng lên cho biết thủng lốp, chém lốp do vật sắc, nhọn trên cao tốc Hà Nội - Pháp Vân - Cầu Giẽ... việc này xảy ra tại 1 số đoạn và ở khu vực đó thường có các số điện thoại cứu hộ lốp viết lên đường và hàng rào tôn. Gọi các số điện thoại này thì các bác nông dân bản địa xuất hiện...
Chúng ta không thể kết luận gì khi không có bằng chứng rõ ràng, nhưng nếu nó xảy ra liên tục tại 1 số điểm nóng nghi ngờ thì có lẽ cơ quan quản lý giao thông, công ty quản lý đường cao tốc phải vào cuộc. Các số điện thoại cứu hộ này từ đâu, ai cho viết lên khu vực do công ty quản lý, cần thiết phải tăng cường tuần tra hành lang an toàn và gắn camera giám sát, bảo vệ lái xe.. Nổ lốp trên cao tốc là vô cùng nguy hiểm, hầu như gắn liền với tai nạn, đó là chưa kể mất công mất việc mất tiền".
Theo tìm hiểu của PV, sau khi các tài xế đâm phải vật sắc nhọn giống đinh thì xuất hiện một loạt các tờ rơi về cứu hộ thậm chí còn có cả sơn chữ hay dán vào lan can về dịch vụ cứu hộ. Nếu gọi điện thì chỉ ít phút sau đã có sự xuất hiện của một nhóm người ở bên đường ra sửa xe.
Nhiều tài xế cho rằng, với những chiếc đinh được hàn, gọt dũa cầu kỳ, công phu như trên thì chỉ có thể do con người làm và có chủ đích.
Hành động rải đinh có thể bị phạt 10 năm tù
Trao đổi với PV về vấn nạn đinh tặc, dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Từ trước đến nay đã có nhiều người dân và người tham gia giao thông phản ánh về nạn rải đinh ra đường xảy ra thường xuyên trên các đoạn giao lộ, quốc lộ, cao tốc… từ Bắc đến Nam.
Báo chí đã từng phản ánh về những đoạn đường chỉ dài vài mét nhưng có đến hàng chục mảnh đinh nhiều hình thù, góc cạnh sắc bén nằm la liệt… Nạn rải đinh không chỉ gây thiệt hại đến phương tiện và đánh trực tiếp vào túi tiền của người tham gia giao thông, mà nguy hiểm hơn là trong trường hợp tài xế chạy xe với tốc độ cao hoặc chạy xe vào trời tối thì rất có thể xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về tính mạng sức khỏe và tài sản của con người.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
|
Hiện nay, pháp luật hiện hành đã có chế tài xử phạt khá nghiêm khắc đối với những người có hành vi này. Tùy vào tính chất mức độ hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.
Do đó căn cứ vào những thông tin phản ánh của người dân, người tham gia giao thông và cơ quan báo chí nêu trên thì các lực lượng chức năng cần vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân đinh xuất hiện trên tuyến giao thông cao tốc Hà Nội - Pháp Vân - Gầu Giẽ...thường xuyên như vậy cùng những dấu hiệu bất thường về dịch vụ cứu hộ, vá xe,..quanh địa điểm có đinh để có phương án xử lý nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Theo điểm a khoản 10 Điều 11 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì hành vi: Ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ; chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông có thể sẽ bị phạt tiền từ Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải thu dọn đinh, vật sắc nhọn, dây hoặc các vật cản khác và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
|
Số điện thoại được viết lên lan can của đường cao tốc. |
Còn theo Điều 261 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì Tội cản trở giao thông đường bộ được quy đinh như sau: Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ … gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Tại đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm; Làm chết 02 người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm chết 03 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Cản trở giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 261 nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm. Như vậy, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm của hành vi rải đinh trên đường bộ mà người thực hiện có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
>>> Xem thêm video: Nạn rải đinh: Đã trở lại, ‘lợi hại’ hơn xưa