Điều chỉnh quy hoạch chung cư nhiều lần: Ai được lợi?

Google News

(Kiến Thức) - Ngày 27/5, Quốc hội dành trọn 1 để nghe báo cáo giám sát và thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Điều chỉnh quy hoạch ai được lợi?
Theo báo cáo giám sát chưa đầy đủ của các địa phương, cả nước có 1.390 dự án có quy hoạch điều chỉnh từ 1 - 6 lần. Quy hoạch được điều chỉnh thường có xu hướng tăng tầng cao, số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất; giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng làm gia tăng chênh lệch địa tô, tăng mật độ xây dựng, quy mô dân số và thường xảy ra tại các tỉnh, thành phố lớn, có sức hấp dẫn và thu hút đầu tư cao.
Dieu chinh quy hoach chung cu nhieu lan: Ai duoc loi?
ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ)phát biểu tại Hội trường Quốc hội. Ảnh: TH. 
Theo ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) con số cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần là điều đáng suy nghĩ và đã gây tổn thất về kinh tế, bức xúc cho xã hội và người dân, thậm chí không thể khắc phục được như tình trạng ngày càng kẹt xe, ô nhiễm môi trường, mưa ngập, quá tải điện nước, hệ thống thải v.v... ngày càng tăng.
“Suy cho cùng, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện thực chất cũng là làm nát quy hoạch, nát vốn, đội vốn, chậm tiến độ, lãng phí, thất thu ngân sách giảm hiệu quả đầu tư công và gây ra nhiều hệ lụy bức xúc khác”, ĐB thẳng thắn nói.
Trên cơ sở đó, ĐB đề nghị Chính phủ thắt chặt kỷ cương, quản lí trong quy hoạch đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm trách nhiệm nhằm chặn đứng căn bệnh trên.
Đề cập đến các dự án “treo” mà theo ĐBQH Lê Công Đỉnh (Long An) thực tế con số còn lớn hơn như báo cáo của đoàn giám sát nêu, gây bức xúc rất lớn cho người dân, ĐB Đỉnh đề nghị cần có chế tài xử lý, quy định rõ trách nhiệm bồi thường đối với tổ chức cá nhân liên quan đến việc để xảy ra quy hoạch treo.
"Các dự án đều có thời gian yêu cầu thực hiện nhưng lại không có ràng buộc bồi thường khi chậm, muộn triển khai gây thiệt hại cho dân", ĐB Đỉnh nói.
Dẫn ra việc các dự án chung cư bị tăng tầng, nâng mật độ, các đại biểu nghi vấn có lợi ích nhóm, sân trước sân sau, khiến quy hoạch bị nhà đầu tư dẫn dắt, chi phối, phá nát.
Thảo luận tại Quốc hội sáng 27/5, nhiều đại biểu Quốc hội đã chỉ ra những vấn đề bức xúc hiện nay trong công tác quản lý, quy hoạch và sử dụng đất đai.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đặt câu hỏi các sai phạm như tại 8B Lê Trực có thể chỉ là “tảng băng chìm” của nhiều sai phạm chưa được phát hiện ra. Ông chỉ ra nguyên nhân chính là tư duy quản lý tùy tiện, thay vì sử dụng tài nguyên đất đúng mục đích thì lại tạo kẽ hở.
Ông Nhân cũng đặt câu hỏi công tác quy hoạch tại nhiều địa phương có phải đang điều chỉnh theo đề xuất của các chủ đầu tư.
Ông chỉ ra, trong 1.390 dự án xin điều chỉnh quy hoạch, đã có nơi xin tăng mật độ từ 24,6% lên 40%. Một số dự án xin điều chỉnh từ 20-30 tầng lên 40 tầng.
“Thay vì thuyết phục các nhà đầu tư chấp hành quy hoạch, tại sao nó bị bẻ cong theo đề xuất các nhà đầu tư?”, đại biểu Nhân đặt câu hỏi.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đề nghị Chính phủ rà soát lại các dự án không tuân thủ quy chuẩn xây dựng Việt Nam về bố trí đất cho giáo dục, y tế, bãi đỗ xe, cây xanh, giao thông nội bộ… Đặc biệt là các dự án không tuân thủ giấy phép xây dựng, các quy định về phòng cháy chữa cháy.
“Cần rà soát các dự án không tuân thủ hợp đồng đã ký kết với người dân mua nhà, đất, căn hộ để yêu cầu chủ đầu tư có phương án giải quyết, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân”, ông Hàm đề xuất.
Ông Hàm cho rằng đây là vấn đề rất bức xúc. Tại nhiều chung cư người dân tập trung đông người, treo băng rôn khẩu hiệu để đòi quyền lợi. Ông lấy ví dụ tại chung cư Kinh Đô tại ngõ 102 Trường Chinh (Hà Nội) từ năm 2017 đến nay người dân nhiều lần tập trung phản đối nhà đầu tư, khẩu hiệu, băng rôn giăng kín mặt tiền tòa nhà. Tình trạng này kéo dài và chưa chấm dứt.
Có hay không lợi ích nhóm, sân trước sân sau
Cũng tại buổi thảo luận sáng 27/5, đại biểu Đinh Duy Vượt cho biết cử tri mong muốn các trụ sở cũ của các cơ quan khi di dời sẽ biến thành vườn hoa, công viên, công trình công cộng, chứ không phải là các tòa chung cư.
"Cử tri kỳ vọng các trụ sở cũ sẽ trở thành vườn hoa, công viên chứ không phải nhìn thấy các tòa chung cư cao chọc trời của đại gia A, đại gia B trên mảnh đất đó trơ trơ như thách thức cùng dư luận", ông phát biểu.
Ông cũng chỉ ra việc một số địa phương có kẽ hở trong việc giao đất cho doanh nghiệp để thực hiện dự án.
“Nhiều tỷ phú ôm nhiều đất vàng, đất kim cương tại các đô thị, thậm chí là hàng nghìn ha đất tương lai là đô thị để chờ thời. Việc giao đất theo chỉ định đang diễn ra phổ biến. Cử tri hoài nghi có hay không lợi ích nhóm, sân trước sân sau, cùng cộng sinh giữa các quan chức có thực quyền, lợi dụng cơ chế chưa hoàn thiện, lợi dụng cơ chế chỉ định đầu tư dự án có sử dụng đất thay đấu giá”, đại biểu nêu.
Đại biểu cũng nhấn mạnh cơ chế “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong định giá đất, vừa đấu giá sử dụng đất cũng xảy ra trong quá trình cổ phần hóa.
“Nhiều nơi định giá đất rẻ như bèo. Không chỉ các doanh nghiệp mà cả các cơ sở y tế, giáo dục, tín ngưỡng, tôn giáo… làm tổn hại lớn đến quyền lợi của Nhà nước”, ông nói.
Từ đó ông đề nghị thực hiện giao đất và cho thuê đất phải thông qua đấu giá. Ngoài ra cần có chế tài xử lý nghiêm các đối tượng sử dụng lãng phí đất mà không đúng mục đích.
“Cần thu hồi tài nguyên để “chọn mặt gửi vàng”, thay vì “giao trứng cho ác”, ông nói.
Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn từ năm 2015-2018, toàn ngành Tài nguyên - Môi trường đã tiến hành hơn 2.300 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý thu hồi diện tích 22.362 ha đất.
Qua thanh tra, đã chỉ ra việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai ở các địa phương còn chậm, nhất là đối với các dự án khu thương mại, du lịch, dự án phát triển nhà ở không phải là khu đô thị mới... không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm, gây lãng phí đất đai.
Số liệu báo cáo của 48 tỉnh, thành phố cho thấy, có đến 3.088 dự án công trình chậm triển khai thực hiện với tổng diện tích 80.453,2 ha. Đến nay, 38 tỉnh trong số 48 tỉnh, thành phố có báo cáo thì mới xử lý được 1.336 dự án chậm triển khai với tổng diện tích 22.707,9 ha.
Cũng trong giai đoạn từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu đến hết năm 2018, ngành Thanh tra đã tiến hành 4.289 cuộc thanh tra trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai. Qua đó, phát hiện sai phạm về đất đai hơn 1.373 tỷ đồng, 40.185 ha đất; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm, xử lý hành chính 2.931 tổ chức, 14.120 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 71 vụ, 91 đối tượng
Kim Ngưu

>> xem thêm

Bình luận(0)