Mức tính điện 1 giá vẫn quá cao
Mới đây, tại dự thảo về cơ cấu biểu giá điện bán lẻ, Bộ Công thương đã đưa ra 2 phương án lựa chọn về biểu giá điện. Đáng chú ý, trong 2 phương án đều có phương án cho phép người dùng điện được lựa chọn một giá điện thay vì dùng bậc thang luỹ tiến.
Cụ thể, giá bán lẻ điện sinh hoạt cho khách hàng lựa chọn một giá theo 2 phương án tương ứng là 145% và 155% so với mức giá bán lẻ điện bình quân. Hiện giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng một kWh. Do đó, nếu theo 2 phương án trên, nếu lựa chon một giá điện, người dùng sẽ phải trả khoảng 2.703 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT) nếu chọn phương án 145% và khoảng 2.890 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT) nếu chọn phương án 155%.
|
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, ngay khi tiếp nhận thông tin trên, không chỉ nhiều người dân mà ngay cả các chuyên gia, Đại biểu Quốc hội đều cho rằng, mức một giá điện theo các phương án trên là rất cao, không hợp lý đố với đại đa số khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Dù đa số người dân muốn trả tiền điện một giá, tuy nhiên, hàng chục triệu hộ gia đình sẽ không thể lựa chọn hình thức này mà vẫn phải lựa chọn bậc thang luỹ tiến 5 bậc.
Bởi nếu theo phương án trên, chỉ những đối tượng khách hàng sử dụng điện sinh hoạt từ 700kWh trở lên với giá điện theo bậc khoảng hơn 5.000 đồng/kWh mới chọn lựa mức một giá.
Tuy nhiên, đại đa số người dân đều sử dụng ở mức thấp hơn 700 kWh/tháng.
Cụ thể, theo chính số liệu của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), số hộ sử dụng điện dưới 400 kWh lên đến hơn 22 triệu hộ. Nếu khách hàng dùng dưới 400 kWh/tháng theo cách tính 5 bậc sẽ đóng ít hơn so với mức giá hiện nay, nhưng nếu khách hàng này chọn trả một giá là 2.703 đồng/kWh thì phải đóng cao hơn đến 186.300 đồng/tháng, nếu chọn trả một giá là 2.890 đồng/kWh phải đóng cao hơn 261.074 đồng/tháng.
Tương tự, với mức sử dụng điện từ 400 kWh đến dưới 700 kWh, nếu lựa chọn phương án trả một giá 2.703 đồng hay 2.890 đồng/kWh, khách hàng vẫn bị thiệt hơn chọn mức giá 5 bậc. Do đó họ sẽ không thể lựa chọn trả một giá vì sẽ bị thiệt thòi so với trả theo mức 5 bậc. Trong khi dó, có đến 98,2% số hộ gia đình có mức sử dụng điện dưới 700 kWh.
Bộ Công thương cho rằng, biểu giá đề xuất trên đã nghiên cứu, xây dựng các phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bậc thang và đã lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị gồm các cơ quan của Quốc hội, các Bộ ngành, tổ chức, đoàn đại biểu Quốc hội, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Với phương án 2, đưa ra cách tính 5 bậc và 1 bậc, Bộ Công Thương cho rằng khách hàng có thêm quyền lựa chọn.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang được thực hiện theo nguyên tắc như đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đảm bảo thuận lợi cho hộ sử dụng điện cũng như thuận lợi cho quản trị doanh nghiệp; nâng cao tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện.
Đồng thời, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và công bằng xã hội; khắc phục được tình trạng hóa đơn tiền điện biến động trong những tháng đổi mùa; giảm bớt số bậc, thu hẹp biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt với số bậc phù hợp với chênh lệch hợp lý giá điện cho các bậc… Đặc biệt, hai phương án điều chỉnh các bậc thang nêu trên đều đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi mức bán lẻ điện bình quân hiện hành cho khách hàng sinh hoạt.
Tuy nhiên, đa số người dân sử dụng điện sinh hoạt cho rằng, mức một giá điện theo các phương án trên là rất cao, Bộ Công thương phải tính toán tổng thể, từ tác động xã hội, các hộ tiêu dùng, đến doanh thu ngành điện, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.
Nên nghĩ đến quyền lợi người dân
Trao đổi với PV Kiến Thức, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, thời gian qua, vấn đề giá điện đã gây nhức nhối đối với người dân sử dụng điện. Quốc hội cũng đã có ý kiến và cho ý kiến về vấn đề này.
“Tôi cho rằng, Bộ Công thương trình Chính phủ về biểu giá điện nên có sự cân nhắc, thận trọng, làm sao vừa có lợi cho người bán điện mà cũng phải có lợi cho người mua điện. Làm sao phải phù hợp với tình hình thực tiễn, cuộc sống, thu nhập của người dân” – đại biểu Hòa nêu ý kiến.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, tầng lớp người dân ở mức hộ nghèo vẫn còn rất cao, mức trung bình cũng còn rất nhiều so với các nước trên thế giới. Việt Nam mới thoát nghèo và mới ở mức đầu của mức thu nhập trung bình mà ta gọi là trung bình thấp.
“Do đó, việc bán giá điện cho người có mức thu nhập trung bình thấp cần phải có sự cân nhắc. Với hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được Nhà nước lo hỗ trợ nhưng những hộ mức thu nhập trung bình thấp.
Hiện nay, các khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt có mức sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng lên đến khoảng 18,7 triệu khách hàng, số lượng rất nhiều.
Do đó, mức một giá điện từ 2700 đến 2900 đồng/ kWh so với mức giá điện trung bình hiện hành thì rất là cao. Nếu một giá điện như thế này chỉ có lợi cho người sử dụng điện trên 700 kWh.
Tuy nhiên, với những sử dụng số điện thấp hơn sẽ không thể lựa chọn trả theo hình thức này” – đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến.
|
Đại biểu Phạm Văn Hòa. |
Ông Hòa cho rằng, Bộ Công thương cần phải có sự cân nhắc làm sao cho phù hợp thực tiễn của người dân, đơn vị để người dân được quyền lựa chọn, thay vì chỉ tính lợi cho mình mà không tính lợi cho khách hàng mua điện.
“Mức điện 1 giá hay 5 bậc hiện chưa thực tế và chưa phù hợp. Do đó cần phải làm rõ căn cứ trên cơ sở nào để đưa ra biểu giá trên để điều chỉnh sao cho hợp lý, hợp tình. Nếu mức điện 1 giá đưa ra như vậy là từ cơ sở tính toán nào? Có tính toán có lợi cho người sử dụng điện sinh hoạt hay chưa? Bất kỳ người dân nào cũng đều phải sử dụng điện nên cần phải phù hợp về mức giá cho người thu nhập trung bình thấp, người lao động, công chức viên chức…Làm sao phải đảm bảo phù hợp, không lỗ cho ngành điện mà cũng không thiệt thòi cho người dân” – Đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay.
Dự thảo được Bộ Công Thương xây dựng đề xuất 2 phương án, trong đó, phương án 1, biểu giá điện 5 bậc thang; phương án 2 có 5 bậc và một giá nhưng hai lựa chọn.
Ở cả hai phương án, số bậc thang rút xuống còn 5 bậc, sản lượng điện tiêu dùng - căn cứ để tính giá - cũng đã có sự điều chỉnh. Cụ thể, bậc 1 từ 0 - 100kWh, tăng số bậc thang từ 101kWh trở lên tới 401kWh ở các bậc 2, 3, 4 và bậc 5 - bậc cao nhất - sẽ lên mức 701kWh.
Đối với phương án 2, dự thảo đưa ra 2 lựa chọn là phương án 2A và 2B. Trong đó, giá bán lẻ điện sinh hoạt cho khách hàng lựa chọn một giá tương ứng 145% và 155% so với mức giá bán lẻ điện bình quân. Tỷ lệ giá bán lẻ so với mức giá bán lẻ điện bình quân ở các phương án cũng có chênh lệch nhau. Nếu ở phương án 1, bậc 1, có tỷ lệ 90% thì bậc 5 ở mức cao nhất với 168%. Trong khi phương án 2A, bậc 5 mức cao nhất 274% và phương án 2B 185%.
Với các phương án này, dự thảo quy định khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá. Thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang giá bán lẻ điện một giá hoặc ngược lại là một năm. Hiện nay, mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh, kể từ thời điểm điều chỉnh giá bán lẻ điện ngày 20/3/2019. Nếu áp dụng phương án 2A, điện một giá sẽ lên tới trên 2.703 đồng/kWh và 2.889 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).
Các phương án đưa ra trong dự thảo vẫn giữ nguyên chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Hàng tháng, các hộ gia đình nghèo sẽ nhận được sự hỗ trợ tiền điện sinh hoạt tương đương với tiền điện sử dụng 30kWh (tính theo giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành). Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50kWh được hỗ trợ tiền điện tương đương sử dụng 30kWh (tính theo giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành). Kinh phí hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn tài chính hợp pháp khác.
|
Nguồn: Lao động. |
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng yêu cầu EVN làm rõ tiền điện tăng cao bất thường