Dự kiến hai ngành y tế và GD&ĐT sẽ trình UBND TP.HCM cho phép F1 trong diện cần theo dõi, đã tiêm đủ liều vaccine được đi học, đi làm bình thường thay vì phải cách ly năm ngày như trước đó. Thông tin này khiến nhiều phụ huynh, trường học đồng tình nhưng cũng còn không ít băn khoăn.
F1 đi học là phù hợp thực tế
Ông Hoàng Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (quận Tân Bình), đồng tình việc để F1 đi học dù đến nay trường có nhiều F0 nhưng đa số học sinh (HS) được phát hiện tại nhà nên không ảnh hưởng đến HS theo học ở trường.
Ông Hải cho rằng TP.HCM hiện đã bình thường mới, F0 rất nhiều, F1 vẫn đi làm việc bình thường thì với những F1 đã tiêm đủ liều vaccine được đi học trực tiếp cũng là hợp lý. Vì khi đi học, các lớp, các trường đã thực hiện tốt công tác phòng dịch, thực hiện nghiêm 5K, ý thức của HS cũng cao hơn. Chưa kể, nếu các em F1 phải học trực tuyến, có những em F1 liên tục sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc học.
|
Học sinh Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi) học trực tiếp. Ảnh: NGUYỄN CẢI |
Phó hiệu trưởng một trường THCS tại TP Thủ Đức cho rằng để HS F1 đi học cũng được nhưng ngành y tế nên đưa ra những căn cứ khoa học để phụ huynh yên tâm.
Cụ thể như ngoài tiêm đủ liều vaccine thì HS F1 được đi học là những HS F1 như thế nào hay được đi học hết. Vì có những HS F1 có triệu chứng nhưng không test ra F0 thì phải làm sao, có những HS F1 có bệnh nền, có những HS F1 đã tiếp xúc quá gần với HS F0 trước đó.
Theo vị này, nên chăng cho HS F1 đi học nhưng các lớp sẽ bố trí cho các em ngồi riêng với khoảng cách an toàn hơn cho những HS còn lại.
Hơn nữa, theo ông Hải, quan trọng là nhà trường phải thường xuyên kết nối hằng ngày với phụ huynh. Trong các buổi tối, nếu HS nào có biểu hiện như sốt, ho, mệt… phụ huynh sẽ báo ngay với giáo viên để các em ở nhà. Trường cũng có các tổ COVID-19 theo dõi và cập nhật thông tin F0, F1…
Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng việc này nên thực hiện trên tinh thần tự nguyện vì hiện nay vẫn có những phụ huynh còn lo ngại cho con đi học trực tiếp vì khi con ở nhà, gia đình dễ quản lý, theo dõi hơn.
Bày tỏ quan điểm riêng với báo Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo một trường THPT tại TP.HCM cho rằng không những ủng hộ mà lẽ ra TP phải triển khai cho F1 đi học sớm hơn. Bởi thời gian qua, nhiều trường đã cho F1 đi học bình thường, chỉ cần thực hiện 5K, tuân thủ phòng dịch của trường. Riêng những em có triệu chứng sẽ được yêu cầu theo dõi tại nhà trong 5-7 ngày, kể cả không phải COVID-19.
Theo vị này, chương trình nặng, thời gian đi học trực tiếp ít, thầy cô rất áp lực khi vừa dạy vừa củng cố kiến thức cho HS. Việc dạy trực tuyến hay vừa trực tuyến vừa trực tiếp cũng không hiệu quả vì đường truyền, phụ thuộc máy móc. Bản thân HS cũng không muốn học trực tuyến, nhiều phụ huynh cũng phản ứng nếu để con họ phải học trực tuyến.
Là phụ huynh có con đang học lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), chị Vũ Ngọc Quỳnh Như bày tỏ rất đồng tình với đề xuất này từ Sở Y tế vừa qua. Bởi con chị đã là F0 từ trước tết Nguyên đán, đã tiêm đủ liều vaccine nhưng sau tết đi học lại con chị phải nghỉ ở nhà để học trực tuyến liên tục vì hai lần là F1. Lớp con chị có những ngày chỉ còn mười mấy HS đi học.
“F1, thậm chí F0 còn đi làm, đi bình thường ngoài đường mà HS thì phải nghỉ ở nhà là vô lý. Con lại học lớp 12, học trực tuyến bài được bài mất, không ổn chút nào. Tôi mong TP thực hiện sớm để phụ huynh, HS bớt lo lắng” - chị Như bày tỏ.
Kiến nghị học sinh được tham gia ngoại khóa, chính khóa ngoài trường
Ngoài đề xuất cho F1 đi học, ông Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), cũng kiến nghị Sở GD&ĐT nên sớm cho phép các trường được tổ chức lại các hoạt động ngoại khóa, chính khóa ngoài trường.
Theo ông, sau thời gian dài phải học trực tuyến, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập, HS đến trường cần có các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện thể dục thể thao trong và ngoài trường. “Các em đã được tiêm vaccine đầy đủ, F1 cũng sẽ được đi học, các đơn vị bên ngoài cũng không bị cấm tổ chức các hoạt động thì nên cho HS tham gia, quan trọng là trường và các em cần thực hiện tốt công tác phòng dịch, 5K” - ông Phát đề xuất.
Phó hiệu trưởng một trường THPT khác tại TP.HCM nêu quan điểm, để F1 đi học cũng như đi làm là tất yếu trong tình hình mới và sẽ giảm nhiều áp lực cho trường lẫn phụ huynh trong việc khoanh vùng HS, tổ chức dạy học.
“Tôi nghĩ cũng nên điều chỉnh hoặc xóa bỏ việc xác định cấp độ dịch hiện nay từng địa phương vì F1 đi học, F0 sẽ còn tăng cao nữa nhưng nếu vì tăng cao mà bị xếp vào vùng cam, vùng đỏ sẽ lại ảnh hưởng ngược đến việc tổ chức đi học, bán trú của các trường” - vị này đề xuất.