Nhà nước phải có chính sách bảo vệ người mua bảo hiểm
Chiều 27/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm.
|
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TPHCM). Ảnh: QH. |
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TPHCM) đề nghị Nhà nước cần phải có chính sách bảo vệ người mua bảo hiểm chứ không chỉ quy định Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, vì như vậy rất chung chung.
“Dự thảo Luật cần phải có luôn quy định về trách nhiệm của Nhà nước có chính sách bảo vệ đối với người mua bảo hiểm nhân thọ trong quan hệ với các tổ chức hoạt động kinh doanh bảo hiểm”, đại biểu Châu nhấn mạnh.
|
Đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang). Ảnh: QH. |
Cũng liên quan đến bảo vệ quyền lợi khách hàng, đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) dẫn vụ việc trên báo chí trường hợp khách hàng bị sốc khi tất toán sớm ký hợp đồng bảo hiểm Nhân Thọ với mức đóng là 120 triệu nhưng khi thu về chỉ còn có 36 triệu, bốc hơi mất 70%. Khách hàng cho rằng bị lừa do doanh nghiệp đánh tráo khái niệm.
Đại biểu Nam cho rằng nếu khách hàng đã hiểu rõ nội dung cam kết thì rất có thể sẽ không mua bảo hiểm hoặc nếu mua mà phải nhận lại mức bồi hoàn thấp như thế chắc cũng không sốc và có những bức xúc đến như vậy.
“Từ những nội dung nêu trên, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định tại luật nội dung yêu cầu thống nhất về thuật ngữ chuyên môn có tính chuẩn mực chung, được giải thích Việt hóa rõ ràng. Hoặc có thể quy định là các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải giải thích rõ ràng, đầy đủ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung liên quan”, đại biểu Nam nêu
Hành vi gian dối không thể chỉ xuất phát từ phía người mua
Quy định rõ trách nhiệm, hậu quả pháp lý của hành vi gian dối, cung cấp thông tin sai sự thật của bên mua bảo hiểm cũng là nội dung được các đại biểu đưa ra thảo luận.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định). Ảnh: QH. |
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) cho rằng, hành vi gian dối, thông tin trong hợp đồng bảo hiểm để trục lợi bảo hiểm không chỉ xuất phát từ một phía của bên mua bảo hiểm.
Trong nhiều trường hợp hành vi gian dối thông tin của bên mua bảo hiểm giấu bệnh, khai và điền hồ sơ yêu cầu bảo hiểm không trung thực, không đầy đủ, còn có sự tiếp tay, hỗ trợ của tư vấn viên, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm hoặc của các cơ quan có liên quan khác.
Tuy nhiên, dường như dự thảo luật chưa đặt ra vấn đề gian dối thông tin, việc xác định, xử lý hành vi tiếp tay của tư vấn viên đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và các cơ quan có liên quan.
Từ một số phân tích, đại biểu Thủy đề xuất dự thảo Luật cần quy định rõ thế nào là thông đồng gian dối thông tin của người mua bảo hiểm.
Vì xác định được các hình thức, biểu hiện cụ thể của thông đồng và các quy định cụ thể của Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ làm cơ sở quan trọng để xác định trách nhiệm của người bán, bên kinh doanh bảo hiểm và các cơ quan hữu quan trong hành vi gian dối thông tin của người mua bảo hiểm.
|
Đại biểu Đinh Văn Thê (Gia Lai). Ảnh: QH. |
Ý kiến của đại biểu Đinh Văn Thê (Gia Lai) đề nghị quy định rõ những nội dung cần thiết khi giao kết hợp đồng bảo hiểm doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm, doanh nghiệp phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và giải thích rõ cho người mua bảo hiểm để bảo đảm tính công khai, minh bạch, chính xác thông tin trước khi giao kết hợp đồng.
Đại biểu Thê cũng đề nghị bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đó là: Làm phiền, quấy nhiễu khách hàng dưới mọi hình thức. Yêu cầu các đơn vị kinh doanh bảo hiểm tuân thủ các quy định về pháp luật thông tin và truyền thông.