Sáng 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Đề nghị lập "siêu đô thị", tránh thành phố trong thành phố
Góp ý về Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) đề nghị bổ sung khái niệm "siêu đô thị" trong quy hoạch thành phố trong thành phố.
Theo đại biểu, trước đây, chúng ta có thành phố thuộc tỉnh, nhưng bây giờ chúng ta có thành phố thuộc thành phố, gọi như vậy sẽ rất lẫn.
|
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương). Ảnh: QH. |
"Vậy, có nên đưa một khái niệm như "siêu đô thị" vào trong dự thảo luật lần này để tránh tình trạng phải gọi thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, sau này sẽ có thành phố Thủy Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng hay thành phố Mê Linh - Hà Nội thì có từ "Thủ đô" rất riêng biệt. Như nước ngoài, tiếng Anh người ta dùng từ "Metroplis" là "siêu đô thị"", đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho hay, trước đây chúng ta có quy định 6 loại đô thị, trong đó có loại đô thị đặc biệt. Những đô thị đặc biệt có nên gọi là "Metropolis", là "siêu đô thị" hay không là vấn đề nên xem xét. Để nếu sau này những thành phố khác như thành phố Hải Phòng mà có thành phố con trực thuộc sẽ được nâng lên thành "siêu đô thị".
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị trong phần khái niệm nên bổ sung "công trình ngầm". Hiện nay chúng ta cũng đã định nghĩa "không gian ngầm" nhưng "công trình ngầm" chưa định nghĩa. Ngay ở trong luật này cũng không định nghĩa rõ ràng, sau này có thể sẽ dẫn đến chuyện văn dịch đi, dịch lại là "công trình dưới đất" giống như nước ngầm, nước dưới đất trước đây đã có hiện tượng xảy ra vì do phần dịch.
Đồng tình với đại biểu Huân, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung, giải thích khái niệm "đô thị lớn" vào Điều 2 và nội dung này.
"Tôi thống nhất với đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn Bình Dương là cơ quan soạn thảo cần phải xác lập các cấp độ đô thị, đặc biệt là đô thị lớn, siêu đô thị và cần phải giải thích nội dung này rõ ở Điều 2", đại biểu nêu ý kiến.
Quy hoạch về hạ tầng đi trước, sau đó mới quy hoạch về đô thị
Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần quy hoạch về hạ tầng trước, sau đó với quy hoạch về đô thị.
|
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội). |
Theo đại biểu Cường, hiện nay chúng ta hay nói đến vấn đề đô thị theo hình thức TOD, tức là phát triển giao thông đi trước để định hướng cho phát triển đô thị. Nếu phát triển giao thông đi trước thì sẽ giải quyết được cả 2 vấn đề:
Một là, không còn tình trạng phát triển đô thị tràn lan xong sau đấy không có giao thông cho nên không có người ở.
Hai là, khi có người ở rồi thì gây bức xúc giao thông, khi đó Nhà nước phải bỏ tiền ra để giải quyết vấn đề về hạ tầng. Như vậy, vừa lãng phí chi phí ngân sách nhà nước, vừa gây ra những vấn đề tốn kém cho xã hội.
Nếu phát triển giao thông đi trước thì khi đô thị phát triển lên người dân đến ở ngay, không còn xảy ra tình trạng bỏ hoang và đồng thời giá trị đất đai tăng lên do có giao thông thì được tập trung vào ngân sách nhà nước, không rơi vào tay tư nhân.
"Chính vì vậy, tôi đề nghị trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ở Điều 50 khoản 3 cần phải chỉ rõ tiến độ thực hiện các quy hoạch, phải thực hiện các quy hoạch về hạ tầng đi trước, sau đó mới quy hoạch về đô thị, tránh tình trạng như hiện nay chúng ta thấy rằng cứ đi xin đất để làm đô thị trước, còn sau đấy hạ tầng không có", đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, nên các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật vào một.
Theo đại biểu, trong Điều 34 vẫn quy định rằng có 4 loại quy hoạch hạ tầng kỹ thuật gồm có quy hoạch về cao độ nền và thoát nước, quy hoạch giao thông, quy hoạch cấp nước và quy hoạch chất thải rắn và nghĩa trang. Nếu quy định thế này còn vấn đề về viễn thông, về năng lượng, về thủy lợi, về điện sẽ được phát triển ở đâu.
Đại biểu cho rằng, các yếu tố như giao thông, thủy lợi, viễn thông và điện đều có liên hệ mật thiết với nhau, nếu chúng ta tách rời ra có thể dẫn đến tình trạng mâu thuẫn. Ví dụ, như ta quy hoạch thủy lợi nhưng không cho phép được đi trên đường đê đấy, dẫn đến tình trạng không có sự kết hợp.
"Tôi cho rằng đối với Điều 34 chúng ta nên gộp các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật vào một, bao gồm tất cả 4 lĩnh vực trên đã nói, đồng thời phải thêm cả vấn đề về điện, về hạ tầng, viễn thông, riêng quy hoạch chất thải rắn và nghĩa trang thì tách riêng, tôi đồng tình như thế. Như vậy, đây chỉ có 2 loại", đại biểu nói.