Đầu xuân Mậu Tuất bàn chuyện dân ta ăn thịt chó

Google News

(Kiến Thức) - Nhân dịp xuân Mậu Tuất 2018, Tiến sĩ Vũ Thế Long đã có bài viết rất hóm hỉnh về chuyện dân ta ăn “mộc tồn” – một trong những nét văn hóa truyền thống lưu giữ qua nhiều thế hệ…

“Sống ở trên đời ăn miếng dồi chó
Chết xuống âm phủ biết có hay không?”
Ông nội dạy tôi ăn thịt chó bằng câu nói mà dân gian truyền tụng như thế. Trong nhà, mẹ tôi không biết ăn thịt chó nhưng cụ nấu nhựa mận rất ngon để chiều bố tôi và mấy thằng con trai theo phái RTC “rượu thịt chó” có tính di truyền theo sở thích của cụ nội, ông nội truyền lại.
Chẳng biết người Việt ta ăn thịt chó từ bao giờ nhưng vì làm nghề khảo cổ học động vật nên tôi có thể chứng minh rất hùng hồn: chí ít là từ thời các Vua Hùng. Cùng với món bánh chưng bánh dầy trong các đại lễ, dân ta đã biết dùng cái món “mộc tồn” rồi. Bạn có thấy hình chó cùng người bôn ba trên biển lớn qua hình chạm ở thân trống đồng Đông Sơn không? Có thấy hình chó săn hươu trên rìu đồng Đông Sơn không?
Chó đã gắn bó với người Việt từ thủa ấy và có lẽ tôi là người may mắn được chứng kiến các dấu tích ăn thịt chó của người thời các Vua Hùng sớm hơn cả vì sau khi tự tay gạt các lớp đất trong tầng văn hóa Hoa Lộc, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun… tôi đã thấy những sọ chó bị đập vỡ để ăn óc và cả những xương chó bị chặt để hút tủy của tiền nhân.
Có lẽ câu “Ngon như óc chó cũng đã có từ ba bốn nghìn năm trước”. Vậy thì thịt chó mắm tôm xứng đáng được bầu chọn là một trong những món ăn đặc sắc và lâu đời nhất của người Việt chúng ta.
Ngoài người Việt, trên thế giới cũng còn một số dân tộc khác ăn thịt chó như Trung Quốc, Triều Tiên…Tôi cũng có dịp được chứng kiến dân Hàn Quốc bán thịt chó ngoài chợ cũng như thăm các cửa hàng thịt chó ở Hàn Quốc, Trung Quốc nhưng quả là món thịt chó Việt Nam vẫn mang một sắc thái riêng, một hương vị riêng.
Tôi có những anh bạn Pháp, Mỹ và Nhật cũng rất thích dự các tiệc cầy tơ bẩy món của xứ ta. Anh bạn Russ Ciochon, giáo sư cổ sinh vật học nổi tiếng của đại học IOWA Hoa Kì cùng nhóm chúng tôi ăn nằm trong rừng sâu Thanh Hóa hàng tháng trời để kiếm tìm di tích hóa thạch đười ươi cũng là tay sành thịt chó. Kết thúc đợt khai quật năm ấy, Russ cứ khăng khăng đòi chiêu đãi cả bản Mường Bá Thước nơi chúng tôi công tác một chầu thịt chó và rượu quốc lủi cho ra trò.
Ai bảo là dân nước ngòai ghê sợ thịt chó? Đúng, có người không ưa thật nhưng không phải là tất cả.
Trước đây, món thịt chó thường chỉ lưu hành ở miền Bắc và phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ. Bảy tám chục năm trước, cụ Tô Hoài lang thang vào Sài Gòn thỉnh thoảng được mấy cô buôn chuyến ngoài Vinh vào cho tham dự những bữa ăn thịt chó “chui” ở giữa Sài Thành cũng vui ra phết.
Hồi ấy Tây ở Sài Gòn ra luật cấm ăn thịt chó nên ăn chó ở Sài Gòn lúc ấy là bất hợp pháp. Nhà cầm quyền không thích ăn thịt chó thì dân Bắc di cư cứ việc răm rắp mà tuân lệnh. Luật là luật, cứ thế mà thi hành. Sau năm 1954, dân Bắc ồ ạt di cư vào Nam và các quán “ Cờ Tây bẩy món” rồi “ Ô kìa hạ cờ Tây, Ô kìa thịt chó”… mới đồng loạt ra đời. Dẫu là dân Bắc Kỳ nấu nhưng cái thịt chó Sài Gòn nó cứ ngang ngang làm sao.
Sau năm 1975, có dịp vào công tác, tôi được ông bạn đồng nghiệp Võ Sĩ Khải là dân Bắc di cư rủ đi ăn thịt chó. Tôi hào hứng đi liền nhưng cũng hơi “ thất vọng” vì thịt chó Sài Gòn đã bị “mô đi phê” nhiều quá. Người ta nấu chó Ca ri, chó Rô ti và cả pa tê chó nữa. Thật là giao thoa ẩm thực Đông-Tây, Việt-Ấn, Việt-Hoa…đủ cả. Ăn thịt chó mà cứ như ăn cơm Tây cơm Tàu. Cũng cùi dìa phóng xét, không ăn với bún mà lại ăn với bánh mì... Có lẽ mỗi món dồi chó và chó hấp chấm mắm tôm với mấy lát riềng là còn mang phong vị Bắc.

Video: 'Chó bán hàng' vô cùng dễ thương ở Nhật Bản

Phong trào ăn thịt chó rộ lên từ thời kinh tế mở cửa. Tư nhân được phép mở cửa hàng ăn uống để kinh doanh nên cái khẩu hiệu “Hết lòng phục vụ nhân dân” của các cửa hàng mậu dịch quốc doanh từ thời bao cấp bấy giờ mới được mặc sức phát huy. Từ nông thôn đến thành thị, cửa hàng thịt chó mọc lên như nấm. Có lẽ sau biển hiệu cơm phở nhan nhản khắp nơi trên đất Việt thì hai thương hiệu đứng sau sẽ là “LOLOTICAVINA” (Lòng lợn tiết canh Việt Nam) và “Cờ Tây bảy món” sẽ chiếm vai á hậu.
Người ta đua nhau ăn thịt chó vào cuối tháng, cuối năm để giải hạn. Bởi thế thị trường chó Việt cũng trở nên khan hiếm. Nhiều “nhà nông làm giàu” đã sáng tạo ra một công nghệ nuôi chó khá đặc biệt. Người ta thu mua chó khắp nơi và nuôi nhốt trong những dãy cũi săt lớn. Nấu những nồi cám khổng lồ để chăn cả đàn chó nhốt. Muốn cho lũ “chó công nghiệp” này chỉ nằm yên mà vỗ béo tăng cân, người ta đã lấy hạt đậu nhét vào lỗ tai cho thủng màng nhĩ, các chú khuyển điếc này nằm yên một chỗ, hết cắn nhau và chỉ có mỗi việc ăn cho chóng lên cân chờ ngày xuất chuồng.
Những độ khan chó vào dịp cuối năm giáp tết, người ta sang tận Lào, Thái Lan, Myanmar lập đường dây buôn chó ngoại về phục vụ nhu cầu trong nước và tái xuất sang Trung Quốc. Anh bạn tôi đã ở mấy nhiệm kì công tác bên Lào về kể: dân Lào dân Thái và dân Miến theo đạo Phật nên họ kiêng ăn thịt chó. Những con chó bên Lào được nuôi thả rông nên thịt chó Lào có một hương vị thơm ngon đặc biệt chứ không nhẽo nhọet vô vị như cái giống chó nuôi công nghiệp ở ta bây giờ.
Có một thời, do chó truyền bệnh dại, khắp nông thôn miền Bắc nổi lên phong trào “triệt để” chó. Thấy chó là đập chết. Không khí làng quê bỗng lạnh tanh. Vào làng còn đâu tiếng gâu gâu chó sủa. Dân nghiền thịt chó kháo nhau: Yên tâm. Làm sao mà diệt hết chó trong thiên hạ được?
Thế gian này tồn tại vì trên mặt đất vẫn còn có “cây cối”. Cây mà còn thì con cầy cũng còn. “Mộc tồn” sẽ mãi mãi là một món ăn đích thực dân tộc dù có kẻ thích người không, dù có người phản đối, người ủng hộ.
Tiến sĩ Vũ Thế Long

>> xem thêm

Bình luận(0)