Đào mộ lấy hộp sọ dựng lại khuôn mặt mẹ đẻ

Google News

Năm 1979, Nguyễn Thy Sơn và bố đẻ đã đào mộ lấy hộp sọ, để tái tạo lại khuôn mặt người mẹ đẻ của mình.

Sắp đến ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, tiến sĩ Nguyễn Thy Sơn, công tác ở Hãng hàng không Việt Nam, gọi điện cho tôi úp úp mở mở bảo: “Gần 40 năm trước, anh đã làm một việc mà không ai dám làm. Chuyện đó, đến giờ vẫn chỉ có ít người trong họ biết. Đó là chuyện anh tái tạo khuôn mặt mẹ. Ngày phụ nữ Việt Nam, anh về thắp hương cho mẹ, cải tạo lại phần mộ, nếu em thích nghiên cứu, thì về với anh”.
Chuyện tái tạo khuôn mặt từ hộp sọ thì tôi nghe nhiều. Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Việt công bố chuyện tái tạo khuôn mặt người tiền sử từ chục năm trước gây xôn xao giới khảo cổ Việt Nam. Tôi đã từng có dịp về ngôi biệt thự cổ thời Pháp, cũng là nơi đặt Trung tâm tiền sử Đông Nam Á mà ông là giám đốc ở Yên Hưng, Quảng Ninh, thấy vô số tượng sáp người tiền sử phục dựng từ những bộ cốt.
Nhưng, đấy là chuyện của một nhà khoa học, một nhà khảo cổ, và mới diễn ra gần đây. Đằng này, một ông tiến sĩ, làm việc trong ngành hàng không, lại đã tái tạo khuôn mặt từ bộ xương người từ 40 năm trước, thì đúng là chuyện lạ, nên tôi háo hức theo ông.
Con đường quanh co men theo con sông nhỏ thuộc huyện Hưng Hà (Thái Bình) dẫn về nhà tiến sĩ Nguyễn Thy Sơn. Đó là một ngôi nhà nhỏ, cổ kính, ở giữa làng. Tiến sĩ Sơn thắp nén nhang, lầm rầm khấn vái. Trên ban thờ, một bên là di ảnh bố đẻ, một bên là pho tượng đồng khuôn mặt người phụ nữ đậm chất đồng bằng Bắc Bộ. Đó chính là tượng mẹ đẻ ông.
Dao mo lay hop so dung lai khuon mat me de
Một bên ban thờ là tượng mẹ, một bên là di ảnh bố đẻ tiến sĩ Nguyễn Thy Sơn. 
Theo lời tiến sĩ Sơn, mẹ ông mất từ năm 1967, khi đó ông mới 7 tuổi, nên ký ức của ông về mẹ rất mờ nhạt. Trong tâm trí ông, đó là người phụ nữ tảo tần sớm hôm, vất vả đồng áng, một tay nuôi cả đàn con khôn lớn. Bố đẻ ông công tác ở Bệnh viện Việt - Bun, thi thoảng mới được về nhà.
Mẹ mất đột ngột, mà ngày đó máy ảnh hiếm hoi, nên bà qua đời mà di ảnh chẳng có. Bố đi bước nữa, ông có thêm người mẹ nữa rất tốt bụng, chăm bẵm mấy anh chị em chu đáo, nhưng trong ký ức của ông, dáng vóc tần tảo của người mẹ đẻ cứ hiện về. Chỉ có điều, ông không tài nào nhớ được một chút nét gì trên khuôn mặt mẹ.
Năm 1979, Nguyễn Thy Sơn là sinh viên năm thứ 2 Đại học Mỹ thuật công nghiệp, vô tình đọc bài báo tái tạo khuôn mặt từ xương của họa sĩ người Nga, ông bỗng nảy ý định lưu giữ lại khuôn mặt của mẹ bằng phương pháp này.
Tờ báo bằng tiếng Nga này, do một giảng viên mang từ Nga về. Đó là một câu chuyện lạ lùng, xúc động toàn nước Nga thời đó. Chuyện là, một bà mẹ, đến nghĩa trang liệt sĩ vô danh cách nơi ở hàng ngàn km, bỗng giật mình khi thấy tượng hai người con trai của mình, đã hy sinh từ nhiều năm trước và không tìm thấy xác. Bà tìm hiểu, thì được biết, hai tượng đài đó là tác phẩm của một họa sĩ người Nga.
Dao mo lay hop so dung lai khuon mat me de-Hinh-2
Tiến sĩ Nguyễn Thy Sơn phục dựng khuôn mặt mẹ từ hộp sọ. 
Không ai biết tên tuổi, quê quán của hai liệt sĩ này. Chỉ biết rằng, hai người lính đó đã hy sinh anh dũng trong một trận đánh. Thịt nát, xương tan, nên khi chuyển cốt vào nghĩa địa, chỉ còn xương ống tay lành lặn. Họa sĩ người Nga kia có nhiều năm nghiên cứu về giải phẫu học, và ông đã quyết tâm phục dựng lại khuôn mặt, dáng vóc của hai người lính đó từ những chiếc xương ống tay.
Không ai tin vào câu chuyện kỳ lạ đó, nên các trung tâm giải phẫu, xét nghiệm vào cuộc. Những năm cuối thập kỷ 70 và đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, cũng là thời điểm thế giới bắt đầu sử dụng kỹ thuật xét nghiệm ADN. Và, các kết quả đều cho thấy, hài cốt hai liệt sĩ đó là hai anh em và đều là con đẻ của bà mẹ bất hạnh kia.
Câu chuyện dựng lại khuôn mặt, vóc dáng từ xương ống tay đã ám ảnh chàng sinh viên Nguyễn Thy Sơn. Ông tìm gặp các thầy cô trong trường, nhưng các thầy cô cũng đều lắc đầu, chưa nắm được phương pháp phục dựng hình thái từ xương.
Không học tập được từ ai, chàng sinh viên Sơn bắt đầu tự mày mò nghiên cứu chuyên ngành giải phẫu học từ các tài liệu nước ngoài. Học mỹ thuật, nên đọc những tài liệu này, Nguyễn Thy Sơn thấm rất nhanh. Theo các tài liệu, thì phục dựng khuôn mặt từ xương sọ là dễ nhất và độ chính xác đạt đến 80%. Khuôn mặt phục dựng có thể khác nhau ở độ béo gầy, chứ cơ mặt, làm nên các đường nét thì cực kỳ chuẩn xác.
Năm 1980, tranh thủ nghỉ hè, ông về quê gặp bố đẻ. Lúc đó, bố ông vừa nghỉ hưu. Trịnh trọng trình bày ước muốn tái tạo khuôn mặt mẹ, bố ông trợn mắt thất kinh. Thế nhưng, là cán bộ của bệnh viện, tiếp xúc với xương cốt, xác chết nhiều, nên ông cũng cởi mở hơn. Ngẫm nghĩ một lúc, rồi ông hỏi con trai: “Mày có làm được thật không đấy?”. Anh chàng Nguyễn Thy Sơn gật đầu bảo: “Làm được bố ạ!”.
Dao mo lay hop so dung lai khuon mat me de-Hinh-3
Tiến sĩ Nguyễn Thy Sơn bên tượng mẹ. 
Thế là, 7 giờ tối, khi bóng đêm tràn ngập, không ai dám ra nghĩa địa nữa, thì hai bố con vác cuốc xẻng ra nghịa địa. Ông bố cởi áo gói hộp sọ người vợ hiền, lấp đất lại như cũ. Trên đường về, hai bố con dặn dò nhau tuyệt đối không được cho ai biết.
Chàng sinh viên Nguyễn Thy Sơn đóng chặt cửa buồng, chỉ hé cửa sổ cho ánh sáng chiếu vào, rồi hì hục đo vẽ, đắp đất lấy khuôn, phục dựng khuôn mặt từ hộp sọ. Tất cả các lý thuyết tái tạo da thịt, lớp cơ từ xương gò má, hốc mắt, quai hàm Sơn đã thuộc làu làu. Bố đẻ thì canh gác ở phòng ngoài, không cho ai vào buồng.
Ngày thứ 4, thì khuôn mặt hoàn thiện. Sơn gọi bố vào xem. Lúc đó, xương sọ mẹ đã được giấu đi. Ông bố đã gọi thêm nhiều người trong họ nữa đến xem và góp ý. Mọi người lúc đó không hề biết việc hai bố con đào cốt mẹ lên, mà chỉ biết rằng, hai bố con đang tái tạo khuôn mặt của bà từ ký ức. Mọi người nhìn bức tượng bằng đất, gật gù khen tương đối giống, tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm chưa chính xác. Cứ ai góp ý, thấy chuẩn, thì lại sửa. Mất thêm tổng cộng 4 ngày chỉnh sửa, thì cả họ ai cũng công nhận đó chính là mẹ đẻ của Nguyễn Thy Sơn.
Để không bị ám thị, bố ông còn gọi mấy người ngoài dòng họ vào nhà, rồi đặt tượng đất trên bàn, không nói đó là ai. Thế nhưng, liếc qua pho tượng đất, ai cũng bảo đó chính là khuôn mặt mẹ đẻ Sơn. Lúc đó, hai bố con mới chôn lại hộp sọ, rồi kể chuyện cho mọi người nghe. Cô dì chú bác biết chuyện, mắng cho hai bố con một trận tơi bời. Tuy nhiên, mọi chuyện đã xong rồi, nên chẳng nói được nhiều.
Khi tượng đất đã hoàn hảo, Nguyễn Thy Sơn đã làm khuôn, đổ tượng thạch cao và đặt trang trọng trên ban thờ để hương khói, thờ phụng. Đến năm 2002, chất liệu thạch cao xuống cấp, thì ông tạo khuôn silicon từ tượng thạch cao và tạo ra bức tượng đồng như bây giờ.
Theo Dương Ngọc Phạm/VTC News

>> xem thêm

Bình luận(0)