Đảng viên bị kỷ luật "không phải thành tích đó là việc phải làm"

Google News

“Báo cáo về số lượng cán bộ, đảng viên bị kỷ luật không phải là thành tích mà là việc phải làm. Công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật quan trọng nhất là nhắc nhở, cảnh báo, răn đe” - Phó Bí thư Thành ủy HCM Trần Lưu Quang nói.

Mới đây, Trung ương, TP HCM và Đà Nẵng đều công bố con số kỷ luật đảng viên với số lượng lên đến hàng trăm cán bộ.
Cụ thể, năm 2020, Thành ủy TP.HCM và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 510 đảng viên có vi phạm. Đà Nẵng cũng đã thi hành kỷ luật đảng 149 đảng viên trong năm 2020.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 mới đây được tổ chức, một con số thống kê cho thấy, trong giai đoạn này, có đến hơn 131.000 đảng viên bị cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật. Đáng chú ý, có 113 cán bộ thuộc diện trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, thậm chí có một số đảng viên bị xử lý hình sự.
Hang tram Dang vien bi ky luat: “Khong phai thanh tich do la viec phai lam“
 Nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự.
Những con số thống kê trên cho thấy, đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng. Tuy nhiên, như Phó Bí thư thường trực Thành ủy HCM Trần Lưu Quang mới đây đã nói: “Báo cáo về số lượng cán bộ, đảng viên bị kỷ luật không phải là thành tích mà là việc phải làm. Công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật quan trọng nhất là nhắc nhở, cảnh báo, răn đe”.
Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương cuối tháng 12/2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nói rằng: “Nhắc tới con số này chúng ta rất đau lòng. Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình, không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí của mình mà rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật, kỷ luật vài người để cứu muôn người".
Đó là việc phải làm như Tổng bí thư đã từng phát ngôn mạnh mẽ thể hiện quyết tâm cao trong phòng chống tham nhũng “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.
Đó cũng là việc phải làm để cán bộ đảng viên “Luôn tự soi, tự sửa lại mình để không xảy ra những điều mà không ai mong muốn”, để “ai chót nhúng chàm thì sớm tự giác tự gột rửa”.
Thực tế đã ghi nhận những “việc phải làm” cũng như quyết tâm cứng rắn chỉnh đốn đảng, lấy lại niềm tin trong nhân dân về chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua.
Cụ thể, từ khi thành lập Ban chỉ đạo năm 2013 đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể rất quan trọng.
Sự cương quyết, cứng rắn của Đảng đối với tham nhũng được thể hiện ở nhữn kết quả đáng ghi nhận khi từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Từ năm 2013 đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm toán, các cơ quan đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 700 nghìn tỷ đồng, hơn 20 nghìn ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 14 nghìn tập thể, nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý gần 700 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Đáng chú ý, từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...).
Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Việc kê biên, thu giữ tài sản trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế được nâng lên rõ rệt.
Ngoài ra, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng.
Nhờ đó, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tuyệt đại đa số người dân đồng tình, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong chống tham nhũng, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.
Mới đây, Tổng bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, trong nhiệm kỳ vừa qua "công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu và hiệu quả. Tham nhũng tiêu cực tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng suy giảm, nhiều vụ việc được điều tra, xét xử nghiêm minh được nhân dân đánh giá cao, đồng tình ủng hộ".
Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới đây nhấn mạnh, phòng chống tham nhũng là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, lâu dài, nên không được chủ quan, thỏa mãn, không được ngập ngừng, chờ đợi, mà phải tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt, thường xuyên, kiên trì, liên tục, với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.
Do đó, việc phải làm trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chính đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng".
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm niệm vụ trong giai đoạn mới; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng…
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng:

Nguồn: VTV1

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)