Đăng ảnh người khác lên Facebook thế nào để không bị phạt?

Google News

Đăng những hình ảnh chụp lén, nhạy cảm, "lộ hàng" hay hình ảnh xấu xí mà bị cho là tổn hại đến uy tín của người có hình ảnh đều có thể bị xử phạt.

Nghị định 15/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử vừa có hiệu lực từ ngày 15/4.
Tại điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định nêu rõ, phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi "thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật".
Việc đăng ảnh người khác lên Facebook có thể sẽ bị xử phạt. Quy định này được hiểu như thế nào?
Đăng hình ảnh thế nào thì đúng luật?
Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết việc sử dụng hình ảnh người khác đưa lên mạng, về nguyên tắc phải được người đó đồng ý. Đó là quyền nhân thân về hình ảnh của người đó.
Dang anh nguoi khac len Facebook the nao de khong bi phat?
 Hình ảnh ca sĩ Hoàng Thùy Linh do ê kíp của cô cung cấp, đã đăng tải trên các phương tiện thông tin thì được phép sử dụng lại. Nếu người khác tự ý chụp ảnh cô đăng Facebook chưa được sự cho phép thì có thể bị xử phạt khi Hoàng Thùy Linh yêu cầu.
Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự, những hình ảnh sử dụng không cần sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện của họ bao gồm: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
"Tuy nhiên, sử dụng thế nào để phù hợp minh họa cho hoạt động công cộng chứ không phải muốn sử dụng sao thì sử dụng. Đăng những hình ảnh chụp lén, nhạy cảm, "lộ hàng" hay hình ảnh xấu xí mà bị cho là tổn hại đến uy tín của người có hình ảnh đều có thể bị xử phạt nếu người đó yêu cầu", luật sư Dũng lý giải thêm.
Theo luật sư, Nghị định 15/2020 được xem là khung pháp lý chặt chẽ, nghiêm khắc trong việc quản lý người dùng mạng xã hội. Với những hình ảnh không phải người của công chúng, hoạt động công cộng thì nếu đăng tải hình ảnh họ lên Facebook mà chưa xin phép thì cần phải che mặt người không liên quan.
Bên dưới bài viết Kể từ hôm nay, tự ý đăng ảnh người khác lên Facebook bị phạt đến 20 triệu đăng trên Zing, độc giả Duy Trần thắc mắc: "Đăng hình kẻ lừa đảo để cảnh báo người khác hoặc đăng hình ảnh video cán bộ nhà nước, CSGT làm việc không minh bạch thì có bị xử lý?".
Về điều này, luật sư Dũng cho rằng những người như CSGT hay cán bộ Nhà nước được xem là người thi hành công vụ. Luật cho phép công dân thực hiện quyền giám sát.
Tuy nhiên, nếu đăng tải hình ảnh hay video phản ánh lên mạng xã hội thì sẽ có thể bị xử phạt theo Nghị định 15/2020. Thay vào đó, khi phát hiện sự việc, người dân cần tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền.
"Luật Hình sự quy định một người xác định phạm tội khi có bản án có hiệu lực pháp luật. Việc chúng ta nhìn thấy chưa chắc là sự thật mà còn phải chờ các quá trình điều tra của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, nếu vội vàng đăng tải lên mạng xã hội như thói quen trước đến nay thì hoàn toàn có khả năng bị xử phạt", luật sư Dũng khuyến cáo.
Phạt tiền đến 30 triệu đồng khi tự ý đăng tác phẩm báo chí
Tại điểm đ khoản 3 Điều 99 Nghị định này nêu việc "đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc không được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu" sẽ bị xử phạt từ 20-30 triệu đồng.
Luật sư Dũng cho rằng quy định này cần phải có hướng dẫn chi tiết hơn. Bởi việc đăng, phát tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật được hiểu thế nào?
"Tôi giả sử việc copy lại một bài báo từ một trang thông tin điện tử đưa lên Facebook thì có đương nhiên bị xử phạt hay không? Có những trường hợp sao chép nội dung đưa lên mạng xã hội nhưng sau đó nội dung bài báo đó được gỡ bỏ thì liệu rằng xử phạt có đúng?", luật sư Dũng băn khoăn.
Dang anh nguoi khac len Facebook the nao de khong bi phat?-Hinh-2
 Nghị định 15/2020 được xem là "vụ khí" để chặn nạn đăng tin giả. Đồ họa: Hà My.
Bên cạnh đó, Nghị định này còn nêu ra chế tài với hành vi gửi tin nhắn rác. Điều 94 quy định mức phạt tiền từ 60-80 triệu đồng với tổ chức có hành vi gửi hoặc phát tán tin nhắn rác, thư điện tử rác, phần mềm độc hại; khai thác, sử dụng các số dịch vụ, số thuê bao viễn thông không đúng mục đích.
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng với hành vi nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật; thu thập, sử dụng thông tin của người khác mà không được sự đồng ý.
Hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông; che giấu tên, địa chỉ điện tử của mình hoặc giả mạo tên, địa chỉ điện tử của tổ chức, cá nhân khác khi gửi thư điện tử, tin nhắn bị phạt 50-70 triệu đồng. Những quy định này không khác nhiều so với Nghị định 174/2013 nhưng được miêu tả chi tiết, cụ thể hơn.
Theo Hoài Thanh (Zing.vn)

>> xem thêm

Bình luận(0)