Trong suốt nhiều năm trời, người dân ở ấp 4, xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai phải chịu đựng mùi hôi từ nhà máy sản xuất men nằm trên địa bàn. Đáng nói, dù nhiều lần người dân phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc yêu cầu xử lý, bản thân doanh nghiệp cũng cam kết khắc phục, song tình trạng ô nhiễm mùi hôi vẫn tái đi tái lại khiến cuộc sống của người dân nơi đây nhiều phen khốn đốn.
Hôi thối bủa vây...
Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam được cấp phép và đặt nhà máy tại xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai từ năm 2000, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất men và phụ gia làm bánh. Gần 20 năm nhà máy hoạt động cũng là từng ấy năm, người dân ấp 4, xã La Ngà phải chịu đựng mùi hôi thối từ nhà máy. Theo người dân, mùi hôi kéo dài dai dẳng, liên tục, ngày cũng như đêm, có lúc thoang thoảng nhưng có lúc đậm đặc không chịu nổi, ít thì mỗi đợt hôi vài chục phút, nhiều thì kéo từ ngày này qua ngày khác. Mỗi lần mùi hôi phát tán gây khó thở, chóng mặt, choáng váng..., cuộc sống của người dân ở đây bị ảnh hưởng nặng nề.
Một người dân ở ấp 4, xã La Ngà cho biết: "Mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu. Như mùi con vật nó chết hay con cá ươn vậy".
Quá bức xúc, người dân nhiều lần kéo đến phản đối nhà máy, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cũng đã nhiều lần vào cuộc, và đã có 2 lần nhà máy bị buộc tạm ngừng hoạt động để khắc phục vào các năm 2009 và 2011. Năm 2011, công ty đã bị đình chỉ hoạt động 3 tháng, đến đầu năm 2012 mới được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, người dân ở đây cho biết, sau mỗi lần khắc phục, tình trạng chỉ được cải thiện trong thời gian ngắn, rồi mùi hôi lại nhanh chóng phát tán gây ức chế cho người dân trong vùng.
Ở La Ngà, không ai không biết bà Lê Thị Tình. Người phụ nữ 61 tuổi này đã ròng rã gần 20 năm đi đòi quyền lợi cho người dân bị “tra tấn” bởi nhà mùi hôi thối từ máy AB Mauri. Bà Tình đã gửi hàng trăm lá đơn đến những nơi có thẩm quyền, từ địa phương tới Trung ương. Theo bà Tình, bà cũng như người dân ở đây chỉ cần nhà máy không phát tán mùi hôi thối để người dân được sống yên lành.
Công ty AB Mauri Việt Nam thuộc diện “giám sát nóng” về môi trường
Mới đây nhất và cũng là đỉnh điểm, giữa tháng 4/2019, một đợt hôi thối nồng nặc lại khiến người dân La Ngà khổ sở. Sau khi người dân báo chính quyền địa phương đến kiểm tra, phía công ty đã ngừng hoạt động và thừa nhận phát tán mùi hôi, nhưng giải thích là do sự cố từ bể xử lý nước thải khi công nhân vận hành mắc lỗi.
Bà Phạm Mỹ Linh, Giám đốc nhân sự Công ty AB Mauri Việt Nam nói: "Chúng tôi không thể né tránh được, đó là một sự cố không mong muốn. Hôm đó, người công nhân vận hành trong quá trình thao tác đã làm một lỗi, “cho ăn” quá no, gấp 5 lần bình thường. Bình thường nếu COD (Chemical Oxygen Demand - nhu cầu oxy hóa học) vào bể khoảng mười nghìn, thì hôm đó họ cho tới năm mươi nghìn, nó nổi bọt, bắt đầu chết và khi đó bắt đầu phát sinh mùi".
Tuy nhiên, bà Linh không thừa nhận những đợt phát tán mùi trong suốt thời gian dài như người dân phản ánh là xuất phát từ nhà máy của công ty.
Về phía ngành chức năng địa phương, ông Ngô Hồng Phúc, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Định Quán xác nhận tình trạng phát tán mùi hôi của Công ty AB Mauri Việt Nam diễn ra trong thời gian dài. Ông Phúc thông tin, Công ty AB Mauri Việt Nam thuộc diện “giám sát nóng” về môi trường của tỉnh Đồng Nai, tuy nhiên để xử phạt hay có hình thức chế tài thì huyện không đủ thẩm quyền xử lý.
Ông Ngô Hồng Phúc cho biết: "Sự cố môi trường có ảnh hưởng hay không thì thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên – Môi trường để đánh giá được mức độ. Mùi hôi này nó có ảnh hưởng đển sức khỏe, ảnh hưởng tới môi trường hay chỉ là mùi hôi thôi. Những điều này có trong thông số trong báo cáo đánh giá tác động môi trường".
Sau sự cố giữa tháng 4, nhà máy AB Mauri Việt Nam đã tạm ngừng khoảng 2 tuần để xử lý sự cố ở bể xử lý nước thải, đến ngày 7/5 nhà máy hoạt động trở lại, và chỉ vài ngày sau, người dân lại tiếp tục than trời về mùi hôi.
Đáng nói, ngày 14/1/2019, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định cho phép công ty tăng công suất từ 5.000 tấn lên 6.000 tấn/năm. Và chỉ sau khi được phép nâng công suất không lâu, thì mùi hôi lại phát tán nồng nặc, nên người dân La Ngà có thêm cơ sở để nghi ngại mùi hôi thối sẽ còn tiếp tục hành hạ họ nếu ngành chức năng không mạnh tay vào cuộc xử lý dứt điểm “điểm nóng” môi trường ở đây./.