24 tỷ tiền học phí của 3527 học viên đi đâu?
Cơ quan ANĐT Bộ Công an vừa đề nghị truy tố cựu Hiệu trưởng ĐH Đông Đô - Dương Văn Hòa cùng một loạt cán bộ trường này trong vụ cấp hàng trăm văn bằng giả về hành vi “Giả mạo trong công tác”. Chủ mưu vụ án được xác định là bị can Trần Khắc Hùng (SN 1972, Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô) vẫn đang bỏ trốn.
Kết quả điều tra cho thấy, từ tháng 4/2017, Hùng đã chỉ đạo Oanh và Hòa đã ký thông báo tuyển sinh văn bằng 2 Tiếng Anh gửi các cơ sở, cá nhân đồng thời ký hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh với 15 cơ sở đào tạo.
Đáng chú ý, có 12 cơ sở, cá nhân đã tuyển sinh được 3.527 học viên, nộp cho trường Đại học Đông Đô tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng. Dư luận đặt câu hỏi, 24 tỷ học phí trường Đại học Đông Đô đi đâu?
|
Đại học Đông Đô. |
Cơ quan công an cho biết, quá trình điều tra, trường ĐH Đông Đô cung cấp tài liệu chỉ xác định được hơn 2.500 người đã nộp tổng số tiền là hơn 18 tỷ đồng.
Trong số tiền đã thu, trường ĐH Đông Đô chỉ sử dụng 780 triệu đồng thanh toán kinh phí tổ chức thi, chấm thi hệ văn bằng 2 Tiếng Anh, số tiền còn lại sử dụng phục vụ hoạt động chung của trường, chứng từ liên quan đến việc chi tiền. Đáng chú ý, trường ĐH Đông Đô cung cấp không đầy đủ nên không có cơ sở để xác định cụ thể.
Đáng chú ý, trong 12 cá nhân, cơ sở đã tuyển sinh, thu tiền của học viên mới chỉ có trường Cao đẳng Công thương Việt Nam đã trả lại số tiền đã thu của 24 học viên là 431 triệu đồng.
Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng như điện thoại, máy tính và tiền…của các bị can. Trong đó có 2 thẻ ngân hàng, gần 500 triệu đồng và 55 nghìn USD của đối tượng chủ mưu, hiện đang bỏ trốn là Trần Khắc Hùng, Chủ tịch HĐQT trường này. Ngoài ra, một số bị can trong vụ án đã nộp lại toàn bộ hoặc một phần số tiền chiếm hưởng bất chính vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra.
Cần phải trả lại tiền cho các học viên?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, nhóm học viên mà 12 cơ sở đã liên kết đào tạo là 3527 người đã đóng tổng thu học phí hơn 24 tỷ đồng, có thể được xác định là người bị hại và cần phải trả lại tiền cho nhóm học viên này.
Luật sư Cường phân tích, việc trường không được phép đào tạo văn bằng hai tiếng Anh nhưng vẫn tuyển sinh công khai, tổ chức học cho 3527 người, thu học phí hơn 24 tỷ đồng, Bộ GD&ĐT vẫn bán phôi bằng, vẫn giao chỉ tiêu đào tạo văn bằng hai tiếng Anh cho trường ĐH Đông Đô. Các học viên không biết trường không được đào tạo cho đến khi có kết luận điều tra của cơ quan điều tra nên vấn đề này các học viên không có lỗi. Những bằng cấp của những người đã học thật, thi thật phải được công nhận thì mới đảm bảo công bằng. Không thể để những sai phạm của cán bộ của nhà trường, của Bộ GD&ĐT khiến những học viên phải chịu.
|
Mẫu bằng của trường ĐH Đông Đô. |
Dẫn kết luận điều tra, trong đó cơ quan điều tra cũng yêu cầu trường này phải trả số tiền gần 20 tỷ đồng cho khoảng 3000 học viên đã nộp tiền và đăng ký học tại đây, luật sư Cường cho rằng, cần xem xét trách nhiệm của các cán bộ liên quan trong việc giao phôi bằng cho trường ĐH Đông Đô và ký xác nhận giao chỉ tiêu cho trường này.
Bởi chính sự buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay cho một số cán bộ của nhà trường, mới khiến hơn 3000 học sinh học viên đăng ký học trình độ đại học văn bằng hai tiếng Anh và nộp tiền cho trường này (mỗi trường hợp phải nộp học phí hơn 30 triệu đồng), đến nay không được nhận bằng, cũng không được công nhận kết quả đào tạo.
Trường hợp nhà trường cố tình không trả tiền, các học viên có quyền tố cáo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bởi những thông tin mà trường này đưa ra là gian dối để các học viên đăng ký học và đóng tiền.
Đến nay không được cấp bằng, cũng không trả lại tiền thì đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Các học viên đã tham gia theo học ở trường này có thể yêu cầu nhà trường trả lại tiền, trong trường hợp Trường ĐH Đông Đô cố tình không trả lại tiền thì có thể tiếp tục trình báo sự việc với cơ quan điều tra để được xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Cần công bằng với học viên
Theo luật sư Cường, kết luận điều tra cho thấy, 11 bị can trong vụ án bị đề nghị truy tố về tội giả mạo trong công tác. Các bị can sẽ phải đối mặt với mức hình phạt thấp nhất từ 3 năm, cao nhất là 20 năm tù tương ứng với tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 359 Bộ luật hình sự năm 2015.
Đối với hơn 3000 học viên, có thể chia là 3 nhóm đối tượng gồm: Nhóm không học, không thi, bỏ tiền ra là có bằng (mua bằng); Nhóm có thi tuyển, có tham gia học, đã đỗ tốt nghiệp và được cấp bằng (23 người); Nhóm đã thi tuyển, tham gia đào tạo nhưng chưa được cấp bằng.
“Việc xử lý như thế nào đối với mỗi học viên, xác định vai trò pháp lý của họ như thế nào trong vụ án này sẽ phụ thuộc vào mức độ nhận thức, thông tin của các học viên đối với việc đào tạo văn bằng hai tiếng Anh vào việc họ có tham gia đào tạo hay không. Không thể đánh đồng giữa các bằng cấp và những học viên với nhau” – luật sư Cường nêu ý kiến.
Theo đó, đối với những người mua bằng có thể được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này. Số tiền đã bỏ ra mua bằng sẽ bị tịch thu và sung công quỹ nhà nước. Bằng cấp trái quy định pháp luật sẽ bị thu hồi hủy bỏ.
Nếu sử dụng bằng cấp giả, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả mà hành vi sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cán bộ công chức sử dụng bằng giả để tuyển dụng, bổ nhiệm sẽ bị cách chức, buộc thôi việc. Tuy nhiên cần làm rõ bằng cấp thế nào được coi là giả thì mới có căn cứ xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
|
Luật sư Cường. |
Luật sư Cường dẫn kết luận điều tra và cho biết, trong tổng số bằng đại học văn bằng 2 tiếng Anh của trường ĐH Đông Đô đã cấp ra thì có phần lớn là những người được cấp bằng không thông qua đào tạo. Đây là bằng giả về mặt nội dung, nghĩa là người có bằng đại học nhưng không có trình độ đại học.
Trường hợp người sử dụng chứng chỉ bằng cấp không đúng quy định nhưng không nhận thức được đó là bằng giả, trình độ của họ đủ điều kiện, họ bổ sung kịp thời bằng cấp chứng chỉ vẫn có thể ghi nhận trình độ của họ. Trường hợp họ biết làm giấy tờ giả nhưng vẫn cố tình sử dụng mới bị hồi bỏ kết quả và có thể bị xem xét xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của pháp luật, hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả vào mục đích trái pháp luật thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc sử dụng bằng cấp của những người này như thế nào, mức độ nhận thức ra sao, việc sử dụng có phải vào mục đích trái pháp luật hay không để làm cơ sở xem xét trách nhiệm pháp lý theo quy định pháp luật.
Đối với những người được nhận bằng (cơ quan điều tra xác định là 23 người) nhưng họ đã tham gia đào tạo, cần phải công nhận những bằng cấp này. Không thể đánh đồng với những người mua bằng bởi những người này chỉ là nạn nhân trong những sai phạm của cán bộ nhà trường và một số cán bộ, một số phòng ban của Bộ GD&ĐT.
“Thực tế, trong số những người đã được cấp bằng thì có những người đã tham gia học thật, thi thật, đã thi đỗ tốt nghiệp, học đủ tín chỉ theo quy định nên không thể coi bằng này là bằng giả được. Bằng đại học này trong trường hợp này là ghi nhận đúng trình độ, nội dung và hình thức phù hợp nên không thể xác định là bằng giả. Bằng đại học đó được cấp đúng quy trình, đủ số tiết học, trình độ đảm bảo theo quy định của Bộ GD&ĐT” - luật sư Cường cho hay.
>>> Mời độc giả xem video Trường ĐH Đông Đô đào tạo văn bằng 2 khi chưa được cấp phép