Ông Trần Khắc Hùng là chủ tịch nhiều công ty
Ngày 20.8, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định truy nã bị can Trần Khắc Hùng. Quyết định truy nã số 272, với tội danh Giả mạo trong công tác, quy định tại Điều 359, Bộ luật hình sự.
Bị can Trần Khắc Hùng, sinh ngày 5.11.1972 tại Nghệ An; là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục Trường Đại học Đông Đô. Trước khi bỏ trốn, ông Hùng ở tại phòng 908 nhà 24T1, khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
Được biết, ông Trần Khắc Hùng là tiến sĩ Quản trị kinh doanh, từng là ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ khóa VII, khóa XIV, và từng được Unesco Việt Nam trao tặng biểu tượng "Rồng thiêng Doanh nhân hiền tài”.
Về quá trình công tác của ông Trần Khắc Hùng, từ năm 1996 đến năm 1999: Học chuyên môn Quản lý sản xuất và làm việc tại Nhật Bản.
Từ năm 1999 đến năm 2000: Ông Hùng là Phó Giám đốc Công ty TNHH Việt Phương.
Từ năm 2000 đến năm 2003: Là Tổng Giám đốc - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần thương mại Hùng Phát, kiêm Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực - Viện nghiên cứu và Phát triển Nông thôn.
|
Bị can Trần Khắc Hùng - Nguồn Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an. |
Từ tháng 6.2003 đến tháng 3.2007, ông này làm giám đốc Công ty Cổ phần SARA Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị các Công ty thuộc Tập đoàn SARA.
Từ tháng 3.2007 đến nay, là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sara
Từ tháng 12.2010 đến nay, ông Trần Khắc Hùng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Vietnamnet, kiêm quyền Tổng giám đốc.
Ông Trần Khắc Hùng sai phạm thế nào?
Thời gian làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Vietnamnet, ông Hùng đã đầu tư vốn vào Trường Đại học Đông Đô.
Thời gian này, ông Trần Khắc Hùng cùng một số người khác, trong đó có ông Dương Văn Hòa - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô đã tổ chức thi đầu vào, thi hết học phần, thi tốt nghiệp cho các học viên chỉ trong thời gian từ 1 đến 2 ngày và được cấp bằng tốt nghiệp ngoại ngữ sau 3 đến 6 tháng, kể từ lúc nộp hồ sơ mà không phải đi học.
Theo đó, nhận thấy tầm quan trọng của văn bằng 2 tiếng Anh trong việc thi tuyển, thi chuyển ngạch công chức, viên chức, thi đầu vào, đầu ra trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, giảng viên, giảng viên chính, chuyên viên, chuyên viên chính… theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nên Đại học Đông Đô, mặc dù chưa được cấp phép đào tạo bằng 2 tiếng Anh vẫn tuyển sinh và mở lớp.
Nhiều phòng tuyển sinh nhận hồ sơ tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh ở Đại học Đông Đô và khẳng định việc thi đầu vào chỉ là hình thức, đã nộp hồ sơ, đóng tiền sẽ đậu.
Đặc biệt, Trường Đại học Đông Đô còn quảng cáo sự ưu việt của việc theo học này bằng so sánh: Văn bằng đại học thứ hai ngành ngôn ngữ Anh có giá trị vĩnh viễn trong thời gian công tác và học tập, trong khi các chứng chỉ tiếng Anh khác đều có thời hạn như: B1, B2 khung tham chiếu Châu Âu (2 năm), TOEIC (2 năm), IELTS (2 năm)...
Mức học phí áp dụng đối với loại hình văn bằng 2 tiếng Anh do hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô ký năm học 2018-2019 có mức thu toàn khóa học là 29,82 triệu đồng (đối với sinh viên học tại tầng 5 số 60B Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và 35 triệu đồng đối với sinh viên học cơ sở khác.
Năm 2018, Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô đã công nhận 2 đợt tốt nghiệp cho hàng trăm sinh viên văn bằng 2 tiếng Anh. Mỗi đợt có hàng trăm học viên được công nhận tốt nghiệp. Nếu tính học phí của mỗi học viên từ 29 đến 35 triệu, số tiền hưởng lợi từ hành vi này của Hiệu trưởng và các đồng phạm là rất lớn. Những hành vi của các bị cáo đã được điều tra, thu thập và ra quyết định khởi tố các bị can có liên quan.