Ông Nguyễn Văn Chiến (đại gia Chiến “lợn) từng được biết đến là người bỏ tiền tỷ xây dựng công viên miễn phí trên diện tích hơn chục nghìn m2 tại thôn Ô Mễ (xã Hưng Đạo, Tứ Kỳ, Hải Dương). Tuy nhiên, quá trình xây dựng quần thể các hạng mục công trình này đã vi phạm đất đai, xây dựng.
|
Quần thể hạng mục công trình tại "công viên thôn Ô Mễ" của ông Chiến. |
Báo cáo của UBND xã Hưng Đạo ngày 5/12/2022 cho biết, ông Chiến đang sử dụng hơn 13000m2 gồm đất trồng cây hàng năm, đất giao thông, thủy lợi, đất công ích của UBND xã. Trên diện tích đất này, ông Chiến đã xây dựng các hạng mục công trình như nhà để xe, mô hình tháp Eiffel, hòn non bộ,... với tổng diện tích xây dựng khoảng 2.000m2. UBND xã Hưng Đạo khẳng định, ông Chiến đang vi phạm pháp luật về đất đai khi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp khi chưa được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thậm chí hiện nay, một căn biệt thự mang dáng dấp châu Âu với nhà tầng, mái thái trên diện tích này đang được hoàn thiện.
Trong thông cáo báo chí phát đi mới đây về vi phạm đất đai của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Chiến, UBND huyện Tứ Kỳ cho biết, huyện đã yêu cầu Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo báo cáo rõ vụ việc, để nắm bắt và chỉ đạo xử lý. Đồng thời, khẩn trương lập hồ sơ phục vụ việc quản lý, xử lý vi phạm, đặc biệt kiên quyết ngăn chặn không để phát sinh vi phạm mới. Huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với UBND xã Hưng Đạo tổng hợp báo cáo gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, để báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương về vi phạm nêu trên.
Vì mục đích công cộng, quần thể công trình vi phạm có được tồn tại?
Đó là câu hỏi của nhiều người dân xã Hưng Đạo liên quan sai phạm của hộ ông Chiến khi triển khai xây dựng quần thể hạng mục công trình trên.
Theo người dân địa phương, công trình trên vi phạm về đất đai nhưng với họ lại có ý nghĩa phúc lợi lớn. Trong suốt thời gian qua, ông Chiến đã bỏ ra nhiều tiền của đầu tư xây dựng công viên này với nhiều hạng mục như bể bơi, mô hình trực thăng, nhà chòi một cột, hòn non bộ, tượng, hệ thống cây xanh, hồ nước, du thuyền mô hình, hệ thống đường, cầu phục vụ đi lại, chuồng nuôi các động vật như khỉ, chim, thiên nga…Sau đó, mở cửa miễn phí cho nhân dân địa phương, đặt tên là “công viên Ô Mễ” và các vùng lân cận tham quan, vui chơi giải trí, không kinh doanh thu lợi gì.
|
Nhiều người dân cho rằng công trình có ý nghĩa phúc lợi lớn. |
|
Khi mở cửa miễn phí cho người dân vào tham quan, vui chơi. |
Ông Nguyễn Văn Chiến từng trao đổi với báo chí cho biết, bản thân bôn ba từ nhỏ, thủa ấu thơ lớn lên tại đây. Trước đây, khu vực trước làng là cánh đồng, người dân trồng rau màu để mưu sinh, thời điểm đó người dân phun nhiều thuốc sâu. Khi có điều kiện kinh tế, ông Chiến suy nghĩ muốn làm điều gì đó để người dân có nơi vui chơi, giải trí nên quyết định bỏ tiền xây dựng công viên này.
“Khi nào Nà nước cần sử dụng diện tích đất này để làm việc phúc lợi, anh sẵn sàng hiến tặng toàn bộ diện tích đất trên mà không bao giờ cần đền bù. “Một kiếp người cũng chỉ có vậy. Khi chết không mang gì đi được nên có cơ hội làm đẹp cho đời thì cứ làm”, ông Chiến nói.
UBND huyện Tứ Kỳ cho biết, đã đề xuất các biện pháp xử lý nghiêm theo quy định, trong đó, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân trong xã cũng như Quy hoạch vùng huyện Tứ Kỳ đến 2030. Lãnh đạo xã Hưng Đạo khi trao đổi với báo chí cũng cho rằng: “Đây là công trình “phúc lợi” có ý nghĩa xã hội rất lớn vì luôn mở rộng cửa cho nhân dân tham quan. Nếu đặt vấn đề tháo dỡ cần phải tính toán xem được gì và mất gì”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vi phạm đất đai phải xử lý nghiêm dù công trình có ý nghĩa thế nào để đảm bảo thượng tôn pháp luật, tránh việc người dân lợi dụng ý nghĩa phúc lợi để thực hiện các hành vi vi phạm đất đai tràn lan.
Trao đổi với PV, Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, theo quy định pháp luật, cụ thể tại điểm đ Điều 9 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về việc xử phạt khi sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tại khu vực nông thôn, mức xử phạt là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1ha đến dưới 0,5ha.
Ngoài ra, người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, trừ trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
|
Bể bơi và mô hình trực thăng. |
Người vi phạm cũng buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm được xác định bằng giá trị chênh lệch của loại đất trước và sau khi vi phạm tính trên diện tích đất đã chuyển mục đích sử dụng đất trong thời gian vi phạm (kể từ thời điểm bắt đầu chuyển mục đích sử dụng đất đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính).
Đối với mức xử phạt nêu trên, theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về thẩm quyền của Chủ tịch UBND các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt trong trường hợp này thuộc về Chủ tịch UBND cấp huyện Tứ Kỳ.
Theo luật sư Hoàng Tùng, trường hợp công viên vì mục đích công cộng thì phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương. Đồng thời phải có sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sửa dụng đất, xây dựng theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trách nhiệm chính quyền địa phương
Nhiều ý kiến cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý của UBND xã Hưng Đạo và UBND huyện Tứ Kỳ khi để vi phạm trên xảy ra, kéo dài, không kịp thời ngăn chặn và chưa xử lý dứt điểm.
Luật sư Hoàng Tùng cho biết, theo quy định tại Điều 22 và 23 Luật Đất đai 2013, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trong phạm vi cả nước. Tiếp đến Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ và cuối cùng UBND các cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền.
Là một bộ phận trong hệ thống quản lý nhà nước về đất đai, UBND các cấp có nghĩa vụ thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai và tổ chức thực hiện văn bản đó.
|
Nhiều người cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm chính quyền địa phương. |
Đồng thời, xác định địa giới hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính, lập bản đồ hành chính; Khảo sát, đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất; điều tra, đánh giá tài nguyên đất; điều tra xây dựng giá đất; Quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất…
Đồng thời có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; Phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai…
Do đó, trong vụ việc trên cần xem xét trách nhiệm trong việc quản lý, để xảy ra tình trạng vi phạm đất đai kéo dài mà chưa xử lý dứt điểm của UBND xã Hưng Đạo và UBND huyện Tứ Kỳ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng kiểm tra các dự án trọng điểm