TAND Cấp cao tại Hà Nội dự kiến xét xử phúc thẩm 5 trong số 12 bị cáo vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 xảy ra tại tỉnh Sơn La vào ngày 14/10.
Thẩm phán Ngô Tự Học làm chủ tọa, khoảng 10 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 2 ngày.
Hai bị cáo Trần Xuân Yến (cựu Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La) và Nguyễn Minh Khoa (cựu Phó phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an Sơn La) cùng kháng cáo kêu oan. Hai người này cho rằng họ không phạm tội.
Ba người còn lại xin giảm nhẹ hình phạt gồm Lò Văn Huynh (cựu Trưởng phòng Khảo thí) và 2 cấp dưới là Nguyễn Thanh Nhàn và Nguyễn Thị Hồng Nga.
Ngoài ra, người có quyền và nghĩa vụ liên quan vụ án, gồm bà Lê Thanh Yến (vợ bị cáo Huynh) và Lê Thanh Sơn (em bà Yến), cũng kháng cáo đề nghị được trả lại 1 tỷ đồng.
Bị cáo Trần Xuân Yến. Ảnh: Hoàng Lam.
Theo bản án tuyên ngày 29/5, TAND tỉnh Sơn La tuyên phạt Lò Văn Huynh 21 năm tù; Trần Xuân Yến 9 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng tội danh này, Đặng Hữu Thủy lĩnh 8 năm tù, Đỗ Khắc Hưng lĩnh 3 năm tù, Nguyễn Thanh Nhàn lĩnh 30 tháng tù và Đinh Hải Sơn bị phạt 2 năm tù treo.
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga lĩnh 19 năm 6 tháng tù; Cầm Thị Bun Sọn lĩnh 10 năm tù. Nguyễn Minh Khoa lĩnh 8 năm tù; Trần Văn Điện lĩnh 9 năm tù về tội Đưa hối lộ. Cùng tội danh, bị cáo Hoàng Thị Thành lĩnh 3 năm tù treo và Lò Thị Trường lĩnh 30 tháng tù treo.
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Trần Xuân Yến, Lò Văn Huynh, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn và Đặng Hữu Thủy được phân công chấm thi.
Đỗ Khắc Hưng và Đinh Hải Sơn là 2 cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an Sơn La) được giao nhiệm vụ bảo vệ phòng chứa bài thi và giữ chìa khóa cửa ra vào nơi này.
Các bị cáo trên thông qua mối quan hệ, câu kết với nhau để nhận thông tin của 44 thí sinh nhằm sửa, nâng điểm.
Quá trình làm việc, các bị cáo Lò Văn Huynh, Nguyễn Thị Hồng Nga và Cầm Thị Bun Sọn đã nhận gần 2,8 tỷ đồng để thỏa thuận nâng điểm cho các thí sinh.