Ngày 19/7, phiên tòa xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” tiếp tục phần tranh tụng, các bị cáo tiếp tục được tự bào chữa.
Tự bào chữa tại phiên tòa, bị cáo Trần Việt Thái, cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia cho rằng, bị cáo đã “làm được việc nhưng sai quy định, ngược lại nếu làm đúng quy định sẽ không được việc”.
Bị cáo Thái thừa nhận, đã đạp đổ bát cơm của cò mồi khi đưa người mãn hạn tù ở Malaysia về nước.
|
Bị cáo Trần Việt Thái. |
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia cho rằng, ông Quách Văn M. tại Malaysia là “cò”, đã thu từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng/người muốn về nước thời điểm dịch bệnh. Đại sứ quán sau đó nghiên cứu, thấy ở các trại tù nữ có hiện tượng: “Ép buộc chị em dùng ma túy, bóc lột tình dục. Tôi lúc đó mới sang làm đại sứ, yêu cầu nếu có chuyến bay, đưa chị em đó dồn vào, cho về sớm nhất có thể”.
Theo trình bày của bị cáo Thái, tại các trại giam nam, có một số người môi giới câu kết người bản địa thu phí cao, không chấp nhận được nên bị cáo nói với anh Linh (bị cáo Nguyễn Hoàng Linh) đưa họ về. Ông Quách Văn M bị chặn, bị “đạp đổ nồi cơm” nên viết đơn tố cáo bị cáo Thái.
Bị cáo Thái cũng cho biết, khi dịch COVID - 19 bùng phát, tình hình ở các nước rất căng thẳng. Ở Malaysia có người vào đại sứ quán tự tử vì nghĩ đại sứ quán là đất Việt, không được về thì chết ở đất mình.
“Có một người cắn lưỡi máu be bét, phải thuyết phục nhiều giờ để chị ấy nguôi ngoai rồi cho đi cấp cứu. 2h sáng, người đó tự tử tiếp, anh Linh lại phải đi", bị cáo Thái nói và thêm rằng, tình hình lúc đó căng thẳng nên phải thu thêm kinh phí dự trù.
Một rủi do khác là các trại tù ở xa, người mãn hạn tù phải được nuôi một tháng, vì mỗi tháng chỉ một chuyến bay. Do vậy, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia thu của mỗi người mãn hạn tù hơn 20 triệu đồng, ai không có hộ chiếu phải nộp 25 triệu đồng. Với những người ở đảo xa, cần mua vé máy bay về Thủ đô Kuala Lampur phải nộp từ 30 - 35 triệu đồng một người.
Tiếp tục bào chữa, bị cáo Thái cho rằng, thực sự khi đó rất bí, chỉ còn cách Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia phải vào cuộc. “Chúng tôi thu tiền không phải để bồi dưỡng mà vì sức ép thực tiễn”, bị cáo Thái phân trần.
Bị cáo Thái cho biết, khi đó Đại sứ quán xin từ 5 đến 6 chuyên cơ chở người về nước thì bị cáo Đỗ Hoàng Tùng (khi đó là Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao) cho biết, không có chỗ cách ly nên không cho về tất cả, chỉ cho về dần.
Bị cáo Thái thừa nhận đã thu tiền trái quy định để làm khoản dự phòng nhưng sau không dùng đến "vì rủi ro không có hoặc chúng tôi đã chặn được rủi ro".
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia xin tòa xem xét, vì làm việc ở Malaysia khó áp dụng quy định của Việt Nam. “Các đồng nghiệp của tôi là những người dám làm, nếu theo quy định sẽ không làm được việc. Xin tòa xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo từng là đồng nghiệp của tôi”, bị cáo Thái đề nghị.
Theo cơ quan công tố, từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tổ chức 8 "chuyến bay giải cứu", đưa 1.891 người chấp hành xong án phạt tù ở 19 trại chờ về nước. Tuy nhiên, đại sứ quán thu của mỗi người mãn hạn tù 20,3 triệu đồng; ai không có hộ chiếu phải nộp 25 triệu đồng.
Với những người ở đảo xa, cần mua vé máy bay về Thủ đô (Kuala Lampur) sẽ phải nộp từ 30 đến 35 triệu đồng/người. Trong đó, riêng khoản cấp hộ chiếu, các bị cáo thu hơn 4,6 triệu đồng/cuốn nhưng chỉ nộp về ngân sách 1,6 triệu đồng/cuốn.
Với gần 1.900 người mãn hạn tù được giải cứu, bị cáo Trần Việt Thái và cấp dưới thu 44,6 tỷ đồng nhưng các chi phí là 33 tỷ đồng, "lãi" hơn 11 tỷ đồng. Bị cáo Trần Việt Thái và các cấp dưới giữ lại 5 tỷ đồng tại đại sứ quán, còn lại chia nhau gồm bị cáo Thái 580 triệu đồng, các cấp dưới thấp hơn.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Các bị cáo đã nhận tiền tinh vi ra sao?